24/05/2023 - 18:10

Ngày làm việc thứ ba Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Đảm bảo công khai, chặt chẽ và minh bạch trong hoạt động đấu thầu 

(TTXVN) - Ngày 24-5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh: PHẠM KIÊN - TTXVN

*Giảm trường hợp chỉ định thầu

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ðấu thầu (sửa đổi).

Theo ông Lê Quang Mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Cũng theo ông Lê Quang Mạnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Ðiều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Theo đó, bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được.

Ðối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án (điểm k khoản 1 Ðiều 23).

* Gian lận trong đấu thầu diễn biến rất phức tạp

Trong phần thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; phạm vi áp dụng luật đấu thầu (nội dung còn ý kiến khác nhau như phạm vi áp dụng Luật với doanh nghiệp nhà nước); các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu...

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các hành vi như là thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận... vì hiện nay các hành vi gian lận trong đấu thầu diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết, không xử lý được do chưa có quy định cụ thể. Do đó, việc quy định, hướng dẫn cụ thể các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn”, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) kiến nghị.

* Luật Ðấu thầu là dự án luật khó

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng chia sẻ, Luật Ðấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và kỹ thuật lập pháp. Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Ðâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó.

“Quản lý chặt quá khiến mất tự chủ, gây khó khăn, ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

VIỆT ĐỨC

Chia sẻ bài viết