09/01/2012 - 21:30

Đảm bảo chất lượng tăng trưởng để phát triển bền vững

KCN Trà Nóc 1 và 2 cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp.

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ cao, nhưng không đạt kế hoạch đề ra. Trong khi năm 2012 được dự đoán vẫn khó, các địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, đảm bảo chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế là thử thách lớn trong năm mới.

Tăng trưởng, nhưng thiếu bền vững

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, năm 2011 tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt 14,64%, giảm 0,4% so với năm 2010; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch, nhưng so với năm 2010, tỷ trọng nông nghiệp- thủy sản tăng 1% (11,26%), công nghiệp- xây dựng giảm 1,06% (43,44%), thương mại dịch vụ tăng 0,06% (45,3%). Tỷ trọng các khu vực trong kế hoạch năm 2011 tương ứng là 9,48%- 44,78%- 45,74%. Kinh tế thành phố tăng trưởng, nhưng chưa đạt chỉ tiêu, nguyên nhân khách quan là tình hình khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô, giá cả đầu vào tăng, thị trường của doanh nghiệp (DN) sụt giảm, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các sở, ngành chức năng trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN chưa đồng bộ, công tác dự báo thị trường hạn chế, xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao. Môi trường đầu tư chưa hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp (KCN) giải quyết chưa thỏa đáng...

Trên lĩnh vực công nghiệp, DN công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm vai trò chủ lực, năm 2011 giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện trên 18.786 tỉ đồng (chỉ đạt 98,4% kế hoạch năm), tăng 16,7% so năm 2010. Trong đó, DN hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) tập trung có đóng góp rất lớn. Theo thống kê của Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN phục hồi, nhưng ngành thủy sản do thiếu nguyên liệu, giá nguyên liệu tăng, trong khi giá xuất khẩu không tăng. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của DN trong KCN đạt trên 1.310 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ, xuất khẩu đạt gần 705,2 triệu USD, tăng hơn 54,6% so năm 2010. Tuy nhiên, không nhiều DN mở rộng sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn, lãi suất khá cao, DN cần vốn trung, dài hạn thì chưa được đáp ứng.

Trong khi đó, 8 KCN tập trung của thành phố hiện chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng ảnh hưởng đến chất lượng phát triển. Năm qua, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã thu mẫu giám sát ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải đối với 43 DN đang hoạt động trong KCN. Qua kết quả phân tích, đối với 26 DN có phát sinh khí thải đều DN xử lý đạt QCVN 19:2009/BTNMT và Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT. Trong số 27 DN có phát sinh nước thải, chỉ có 11 DN xử lý đạt QCVN 11:2008/BTNMT và QCVN 24:2009/BTNMT, còn lại 16 DN xử lý không đạt; trong số này, 6 DN được xếp vào nhóm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung là vấn đề bức xúc nhiều năm qua của thành phố, nếu KCN phát triển kém bền vững sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Mặt khác, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt trên 4.403 tỉ đồng, vượt 4,9% kế hoạch năm và tăng 5% so với năm 2010. Song, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ như: dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp. Hệ thống phân phối thương mại được mở rộng, nhưng hạ tầng cơ sở thương mại chưa theo kịp sự phát triển, thành phố đang thiếu dịch vụ hậu cần logictics qui mô lớn cấp vùng...

Chất lượng tăng trưởng: thách thức lớn

Năm 2012, lãnh đạo thành phố khẳng định tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2011 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Chỉ tiêu phấn đấu năm 2012, GDP thành phố đạt 15,5% ; trong đó, nông nghiệp- thủy sản tăng 1-1,3%, công nghiệp- xây dựng tăng 16,8-17%, dịch vụ tăng 17- 17,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.510 USD (tăng 164 USD so năm 2011). Trong cơ cấu GDP, tỷ trọng nông nghiệp- thủy sản chiếm 8,31%, công nghiệp- xây dựng chiếm 45,28%, dịch vụ chiếm 46,41%... Thành phố đưa thêm vào chỉ tiêu mới là tỷ lệ KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 20%.

Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, hiện Công ty Cổ phần kỹ thuật Seen đang xây dựng hệ thống thoát nước thải tập trung cho KCN Thốt Nốt, công suất 2.500m3/ngày đêm (giai đoạn 1), dự kiến hoàn thành cuối năm 2012; nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc đang chuẩn bị đấu thầu. Do vậy, năm 2012, việc hoàn thành chỉ tiêu có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2012 rất khó. Có khả năng năm 2013, phấn đấu 8 KCN tập trung của thành phố đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, giải quyết những bức xúc về môi trường trong KCN.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng, năm 2011 do khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, sản xuất công nghiệp nhiều trở ngại, nông nghiệp thuận lợi và được mùa, được giá, nên tỷ trọng tăng trong cơ cấu GDP. Tuy nhiên, năm 2012 dự báo là kinh tế thế giới phục hồi, sản xuất công nghiệp sẽ thuận lợi hơn và tỷ trọng này chắc chắn sẽ tăng trong cơ cấu GDP và tất yếu là nông nghiệp sẽ giảm theo đà tăng của công nghiệp. Hiện ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân, giải quyết an sinh và hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.

Có thể nói, chất lượng tăng trưởng kinh tế năm 2012 là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực cộng sinh của nhiều ngành, các cấp chính quyền và nhân dân. Vấn đề chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặt các nhà điều hành kinh tế, các ngành chức năng trước nhiều lựa chọn. Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đòi hỏi sự năng động của lãnh đạo địa phương và sự nhạy bén của các ngành; đồng thời, việc chọn thí điểm mô hình tăng trưởng phải được cân nhắc dựa trên lợi thế của từng địa phương. TP Cần Thơ đã đề ra kế hoạch để Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, thành phố chọn phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, ô tô, công nghệ bảo quản- chế biến nông- thủy sản theo hướng công nghệ cao; đồng thời tập trung nâng chất nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Hiện nay, Cần Thơ đang cần một cơ chế đặc thù riêng để mời gọi đầu tư. Định hướng phát triển đã có, vấn đề còn lại là ứng dụng vào thực tiễn sao cho phù hợp.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết