01/06/2022 - 08:21

Đài Loan tìm cách tăng “quyền lực mềm” 

MAI QUYÊN

Trong khi hệ thống Viện Khổng Tử của Trung Quốc đối mặt làn sóng “tẩy chay”, việc một số trường đại học ở Ðức cân nhắc hợp tác cùng Trung tâm Học tiếng Quan thoại Ðài Loan (TCML) đang mở ra cơ hội cho Ðài Bắc khi vùng lãnh thổ này bắt đầu chuyển sang sử dụng “quyền lực mềm” để cạnh tranh với Bắc Kinh.

Lễ khai trương chi nhánh của TCML ở Heidelberg, Ðức hồi tháng 2. Ảnh: OCAC

“Con ngựa thành Troy” của Trung Quốc?

Thành lập vào năm 2004, hệ thống Viện Khổng Tử theo giới thiệu là đối tác giáo dục của nhiều trường đại học, cao đẳng Trung Quốc. Ở nước ngoài, các học khu như lời quảng bá là trung tâm dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa, thậm chí được so sánh với những tổ chức danh tiếng như Cộng đồng Pháp ngữ, Hội đồng Anh hay Viện Goethe của Ðức. Vấn đề là các cơ sở giáo dục của Trung Quốc không hoạt động độc lập như những tổ chức trên. Thay vào đó, các Viện Khổng Tử trên danh nghĩa trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhưng thực ra nằm dưới sự quản lý của Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ - đơn vị có liên kết chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh.

Mối quan hệ rắc rối này đã gây ra tranh cãi tại Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Âu về sứ mệnh thực sự của các Viện Khổng Tử. Trong khi giới hàn lâm cảnh giác ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với quyền tự do học thuật, các chính trị gia lo đây là công cụ tuyên truyền giúp mở rộng “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đóng cửa hơn một nửa trong số 110 Viện Khổng Tử. Tại châu Âu, xu hướng “tẩy chay” cũng lan rộng, bắt nguồn từ một vụ bê bối lớn ở Bỉ. Năm 2019, Giám đốc Viện Khổng Tử Song Xining tại Ðại học Vrije Brussels đã bị trục xuất khỏi Bỉ vì bị nghi ngờ sử dụng mạng lưới của mình làm gián điệp.

Cơ hội cho Ðài Loan

Trong những tháng gần đây, một số trường đại học ở nhiều thành phố Ðức như Dusseldorf, Hamburg, Ingolstadt và Trier đã chấm dứt hoặc bắt đầu loại trừ hợp tác với mạng lưới Viện Khổng Tử. Trong khi đó, trang tin Nikkei cho biết cơ sở thứ 3 của TCML đang chuẩn bị ra mắt tại Berlin. Hiện TCML có 45 trung tâm hoạt động rải rác khắp thế giới, trong đó có 35 học viện ở Mỹ, 2 ở Anh, Pháp và Ðức cùng các địa điểm đơn lẻ ở Áo, Ireland, Thụy Ðiển và Hungary.

Tuy còn rất thấp so với mạng lưới Viện Khổng Tử trên toàn cầu (hơn 550 học khu ở gần 162 quốc gia), việc các trung tâm TCML được chú ý ở Ðức phản ánh nỗ lực của Ðài Loan nhằm đưa hình ảnh vùng lãnh thổ này ra nước ngoài, thúc đẩy cạnh tranh “quyền lực mềm” với Trung Quốc. Nỗ lực này đến đúng thời điểm chính phủ liên minh dưới thời Thủ tướng Ðức Olaf Scholz tìm cách củng cố và tăng cường khả năng độc lập trước Trung Quốc tại các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước. Vấn đề trên từng được cựu Bộ trưởng Giáo dục Ðức Anja Karliczek đề cập năm ngoái, rằng thay vì dành quá nhiều chỗ cho các Viện Khổng Tử thì Ðức cần nhiều hơn nữa những học giả am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử Trung Quốc. Theo cuộc điều tra quốc hội mới chưa được công bố mà trang Nikkei có được, chính phủ liên minh đang cân nhắc các bên liên quan từ Ðài Loan như đối tác có giá trị.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Barbara Pongratz thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc (MERICS) trụ sở ở Berlin không cho rằng TCML có thể thay các Viện Khổng Tử trong tương lai gần. Trước tiên, trợ cấp ban đầu để thành lập TCML là 20.000USD và sau đó giảm còn một nửa. Con số này thực sự ít ỏi so với số tiền từ 100.000-150.000USD mà Viện Khổng Tử nhận khi thành lập, sau đó còn có nhiều tài trợ bổ sung khác.

Chia sẻ bài viết