07/09/2017 - 09:08

Đại học Úc khiến sinh viên Trung Quốc khó chịu 

Trong 4 vụ việc nổi bật xảy ra những tháng gần đây, sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Úc đã phàn nàn tài liệu giảng dạy không chính xác hoặc xúc phạm Trung Quốc. Những sự cố này gây chú ý ở cả hai nước, đặc biệt là giới truyền thông, dẫn đến việc các trường đại học phải ra tuyên bố hoặc xin lỗi.

Úc là điểm đến du học yêu thích đối với sinh viên Trung Quốc.

Tháng rồi, một giảng viên tại Đại học Sydney bị chỉ trích vì đã trưng bày một bản đồ cho thấy lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là một phần của Ấn Độ. Giảng viên này sau đó đưa ra lời xin lỗi, nói rằng ông đã vô tình sử dụng một bản đồ cũ từ Internet.

Trước đó vào đầu tháng, một học giả của Đại học Quốc gia Úc đã xin lỗi sau khi viết cảnh báo – bằng cả tiếng Anh và tiếng Hoa – gửi đến các sinh viên về việc gian lận. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng cảnh báo này được hiểu là nhắm vào sinh viên Trung Quốc. Tháng 5, Đại học Monash cũng đã đình chỉ một giảng viên vì ra câu hỏi kiểm tra gợi ý rằng các quan chức Trung Quốc chỉ nói sự thật khi “say rượu hoặc bất cẩn”.

Trong vụ việc gây tranh cãi mới đây nhất, một giảng viên tại Đại học Newcastle đã khiến sinh viên Trung Quốc khó chịu khi liệt kê Đài Loan và Hồng Công là “các nước” trong tài liệu giảng dạy và kiểm tra.

Diễn biến cuộc tranh luận trên lớp được ghi hình lại và chia sẻ trực tuyến. Trong video này, các sinh viên nói họ “cảm thấy không thoải mái” và giảng viên nên “thể hiện sự tôn trọng”. Đáp lại, giảng viên này nói rằng theo hiểu biết của ông, Đài Loan là một quốc gia riêng biệt. “Bạn không muốn tôi ảnh hưởng đến ý kiến ​​của bạn, thì bạn cũng không nên ảnh hưởng đến quan điểm của tôi” – ông nói.

Sydney Today, một trang mạng địa phương tiếng Hoa, đã công bố đoạn video và nó nhanh chóng trở thành chủ đề nổi bật trên các mạng xã hội. Trong một tuyên bố sau đó, Đại học Newcastle giải thích rằng tài liệu giảng dạy đã tham chiếu một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong đó sử dụng từ “country” để chỉ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Trường này mong muốn nhân viên và sinh viên tôn trọng sự khác biệt và tính nhạy cảm về văn hóa, đồng thời bày tỏ thất vọng về việc video nói trên bị ghi lén và rò rỉ ra ngoài.

Cùng với những sự cố trước đó, vụ việc này còn tạo ra cuộc tranh luận tại Úc về việc liệu sinh viên Trung Quốc có đang làm suy yếu quyền tự do ngôn luận ở các trường đại học và đại sứ quán Trung Quốc có gây áp lực cho các trường hay không.

Báo The Australian dẫn lời một phát ngôn viên của Đại học Newcastle cho biết sau khi xảy ra tranh cãi, phía nhà trường đã gặp “một loạt cơ quan hữu quan”, bao gồm văn phòng Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney. Điều đó cho thấy “sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các trường đại học Úc”, tờ báo này viết.

Sydney Today cũng cho biết Niu Wenqi, tham tán giáo dục của lãnh sự quán, đã yêu cầu trường có “hành động nhanh chóng” giải quyết vụ việc. Tờ báo dẫn lời ông Niu nói rằng các giảng viên đã “chạm vào quan điểm Một Trung Quốc”.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm Nhân dân Nhật báo và Hoàn cầu Thời báo, cũng công bố lời trích dẫn trên. Nhưng cả Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney và Đại học Newcastle đều từ chối bình luận về việc lãnh sự quán có can thiệp vào việc này hay không.

Về vấn đề tự do ngôn luận, chuyên gia về Đông Á tại Úc, ông Merriden Varrall, đã mô tả các sinh viên quốc tế Trung Quốc là “mối đe dọa đối với sự cởi mở của Úc” trong một bài báo đăng trên tờ New York Times. Những người khác cũng cho rằng sự biểu hiện trong lớp học đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ nghĩa dân tộc của một số sinh viên.

Jonathan Benney, giảng viên nghiên cứu tiếng Hoa tại Đại học Monash, cho biết ông và các đồng nghiệp ở nhiều trường đại học Úc đã gặp trường hợp sinh viên Trung Quốc cố ngăn chặn giảng viên hay sinh viên khác “bày tỏ quan điểm” đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Sow Keat Tok – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Đại học Melbourne – nói ông không tin chính quyền Trung Quốc ảnh hưởng đến giảng đường ở Úc. Ông cho rằng các sự cố gần đây chỉ là phản xạ tự nhiên của các sinh viên Trung Quốc yêu nước và với một lượng lớn sinh viên Trung Quốc đang du học tại Úc, những vụ việc tương tự sẽ còn xảy ra. 

THANH TRÚC (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết