15/05/2013 - 21:13

Đã đến lúc phải tự lực cánh sinh

Tại Hội nghị về Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống AIDS cuối tháng 4-2013 vừa qua tại TP Cần Thơ, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã thông tin một số định hướng thay đổi để đảm bảo hoạt động bền vững, trong điều kiện ngân sách bị cắt giảm.

Theo bác sĩ Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm: "Từ năm 2012 trở về trước, nguồn lực quốc tế chiếm 85% tổng ngân sách phòng, chống AIDS của thành phố nhưng từ năm 2012-2013 tài trợ của các tổ chức quốc tế giảm 20% mỗi năm và trong năm 2014-2015 giảm 40% mỗi năm. Trước sự cắt giảm của các tổ chức quốc tế, cuối năm 2012, các đơn vị phòng, chống AIDS đã kiến nghị và hy vọng ngân sách Trung ương tăng 25% mỗi năm cho đến năm 2015 và ngân sách thành phố tăng hàng năm, để bù đắp một phần cho kinh phí bị cắt giảm. Ngoài ra, còn chi trả từ bảo hiểm y tế, đóng góp của người hưởng dịch vụ và việc triển khai sáng kiến 2.0, để giảm chi phí nhằm ứng phó với sự cắt giảm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, năm 2013, ngân sách từ Trung ương cấp giảm 10% so với năm 2012; còn ngân sách thành phố chưa cấp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Thêm vào đó, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thống nhất được chi trả từ bảo hiểm y tế cho một số dịch vụ chẩn đoán và điều trị AIDS nên chưa triển khai. Về sáng kiến 2.0, TP Cần Thơ mới triển khai thí điểm ở một số xã, phường nên số kinh phí tiết kiệm chưa nhiều.

Từ sự cắt giảm của các nhà tài trợ và ngân sách Trung ương, đã làm hạn chế các hoạt động. Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, chương trình bao cao su giảm tỷ lệ cấp miễn phí xuống còn 10%, bơm kim tiêm cũng giảm tỷ lệ cấp miễn phí, xem xét việc xã hội hóa điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, hạn chế xét nghiệm HIV miễn phí (chỉ xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao), hạn chế điều trị miễn phí bệnh nhiễm trùng cơ hội… Cắt giảm nhiều nhất là chương trình điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trước đây, chương trình này có nhiều dự án nên bệnh nhân được điều trị miễn phí và nay "cắt" tài trợ thì không còn chế độ điều trị miễn phí…Đáng lo nhất là các nhân viên tiếp cận cộng đồng (làm nhiệm vụ phát bơm kim tiêm, bao cao su; theo dõi người nhiễm; tuyên truyền…), trước đây, hàng tháng, thu nhập trên 1 triệu đồng nhờ các dự án, nhưng theo dự kiến, từ tháng 7-2013, thu nhập chỉ còn 500.000 đồng/tháng (định mức bằng Chương trình Mục tiêu quốc gia). Liệu các nhân viên có tiếp tục làm với mức thu nhập này ?

Việc các tổ chức quốc tế cắt giảm nguồn viện trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS sẽ là một khó khăn rất lớn đối với người nhiễm, khi mà lâu nay mọi dịch vụ dự phòng, điều trị đều miễn phí. Liệu các đối tượng nhiễm HIV có khả năng chi trả các dịch vụ, khi phần lớn đều thuộc diện nghèo và cần điều trị lâu dài.

Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và tất yếu nguồn tài trợ sẽ bị cắt giảm, đã đến lúc phải tự lực cánh sinh. Điều này cần được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, không chỉ trong hệ thống phòng, chống AIDS, các ban, ngành mà còn rộng rãi trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là các bệnh nhân AIDS. Tuy nhiên, từ thời điểm này, nếu không nhanh chóng đưa bảo hiểm y tế vào chi trả chẩn đoán và điều trị thì những bệnh nhân AIDS diện nghèo, cận nghèo sẽ ra sao? Lộ trình cắt giảm có từ lâu nhưng việc nhanh chóng tăng ngân sách, đưa chẩn đoán và điều trị bệnh HIV/AIDS vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả… dường như quá chậm chạp. Từ năm 2012, nguồn tài trợ đã cắt, nhưng các khoản kinh phí, chính sách… để bù khoản cắt giảm ấy vẫn chưa được thực thi. Vấn đề đặt ra là: làm gì để duy trì và ổn định thành quả phòng, chống HIV/AIDS lâu nay của cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng và hệ lụy là gì?

K.LINH

Chia sẻ bài viết