09/09/2017 - 17:16

Đã đến lúc bệnh viện phải “chuyển động” 

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, trong thế cạnh tranh giữa hệ thống bệnh viện (BV) công lập với BV tư nhân và giữa các BV công lập với nhau để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút bệnh nhân nhằm tăng nguồn thu, buộc các đơn vị phải thay đổi.

Các BV triển khai nhiều kỹ thuật cao, góp phần thu hút người bệnh. Trong ảnh: Bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ thao tác chụp mạch số hóa xóa nền. 

Xu thế mới

Mới đây, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng bệnh viện lần I do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức, đơn vị y tế tuyến trên chia sẻ nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng phục vụ để tiến tới tự chủ tài chính. Đây có thể xem là lời giải hợp lý cho các BV ở Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung trong xu thế mới.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư – Tiến sĩ – bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các BV công lập hiện nay đối mặt với rất nhiều thách thức. Từ 1-10-2017, tất cả các BV của TP Hồ Chí Minh phải tự chủ tài chính. Ngoại trừ các đơn vị có nguồn thu lớn, thì đây là thách thức lớn đối với các BV, khó khăn nhất là các BV quận, huyện.

Giá viện phí tăng theo hướng tính đúng, tính đủ, nhưng vẫn chỉ có 4/7 yếu tố cấu thành giá. Chưa kể đến cuộc chạy đua giữa các đơn vị thuộc hệ thống y tế công lập với nhau và với các đơn vị y tế tư nhân ngày càng khốc liệt.

Các đơn vị cạnh tranh thu hút khách hàng, để tăng nguồn thu; đồng thời, cạnh tranh để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, mối mâu thuẫn mới xuất hiện, mà cả ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng như Cần Thơ đều phải đối mặt, đó là giải bài toán hóc búa giữa tự chủ tài chính và giảm tải BV.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, trong xu thế hiện nay, bất kể BV công hay tư, đều phải định hướng phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu. Đó là vấn đề  sống còn của BV, nếu BV không chuyển động, sẽ chết dần trong cơ chế mới. 

“Người đứng đầu BV bị “trói” bởi nhiều sợi dây. Các bác sĩ đòi tăng thu nhập tăng thêm, nếu không sẽ bỏ BV để đầu quân cho các BV tư nhân. BV luôn phập phồng bị bảo hiểm y tế (BHYT) đòi xuất toán. Mối quan hệ giữa người bệnh và cán bộ y tế ngày càng căng thẳng, khi sự cố diễn ra, người bệnh và cộng đồng, thường phản đối bác sĩ, đôi khi chưa tìm hiểu sự việc tường tận, khách quan”- bác sĩ Thượng chia sẻ.

Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng tăng, trong khi các quy định BHYT còn nhiều bất cập cũng gây khó khăn cho BV. Trước những thách thức trên, các BV của TP Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình đảm bảo 3 yếu tố chính kết hợp chặt chẽ “như kiềng 3 chân”.

Thứ nhất, phát triển chuyên môn, triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới để thu hút bệnh nhân. Thứ hai, đẩy mạnh cải tiến chất lượng phục vụ, xem người bệnh là khách hàng. Yếu tố thứ 3 là mọi hoạt động BV phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

Từ những định hướng đó, 4 năm qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa thành 5 mục tiêu để các BV phát triển: an toàn hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và hài lòng hơn. Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, các mục tiêu trên không chỉ áp dụng cho các BV mà còn đối với các phòng khám đa khoa và hệ thống trạm y tế.

Tự “chuyển động”

Tại TP Cần Thơ, hằng năm, ngành y tế thành phố đều thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng BV vào cuối năm. Với quy trình từ tự đánh giá của các BV rồi đến Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra từng BV. Kết quả năm 2016, các BV tuyến thành phố như: BV Đa khoa thành phố, BV Phụ sản, BV Ung bướu, BV Tim mạch và một số BV tư nhân như BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, BV Phương Châu và các BV tuyến quận huyện như: BV Đa khoa quận Thốt Nốt thực hiện khá tốt các chỉ tiêu quản lý chất lượng BV.

Bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm hỏi người bệnh sau phẫu thuật. 

Tại hội thảo Quản lý Chất lượng BV lần thứ I này, các đại biểu ngành y tế TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL kỳ vọng sẽ áp dụng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp như cách làm của tuyến trên, để cải thiện chất lượng các đơn vị y tế địa phương.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để các BV “chuyển động” theo định hướng, năm 2015, Sở thực hiện khảo sát ý kiến của người bệnh. Kết quả ghi nhận, người bệnh còn bức xúc bởi những tai biến trong điều trị, thái độ giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế còn gây phiền hà cho người bệnh; việc tuân thủ phác đồ điều trị chưa được lãnh đạo các BV quan tâm đúng mức; an ninh trật tự BV chưa an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh... Qua đó, lãnh đạo Sở Y tế và các BV tập trung chấn chỉnh những hạn chế.

Năm 2017, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục khảo sát ý kiến của người bệnh. 50 BV của thành phố thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt 50 ki-ốt (có màn hình chạm) khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh, giúp Giám đốc BV và Sở Y tế nắm bắt kịp thời góp ý của người bệnh.

Sở Y tế bắt buộc các đơn vị y tế phải chủ động công khai chất lượng BV trên cổng thông tin điện tử. Ngay cả các phòng khám đa khoa, Sở Y tế cũng đánh giá chất lượng hoạt động, công bố rộng rãi cho cộng đồng, để người dân được thông tin rõ ràng về chức năng, năng lực của từng đơn vị. Đối với hệ thống trạm y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cung cấp gần 100 phác đồ điều trị các bệnh lý thường gặp, giúp các trạm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng.

 Có thể thấy, những cách làm hay của ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã tạo nhiều tác động tích cực, giúp các BV cải thiện chất lượng, khẳng định uy tín, thương hiệu. Bác sĩ Tăng Chí Thượng chia sẻ, kinh nghiệm quản lý chất lượng BV của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính là chuyển đổi những quy định thông tư của Bộ Y tế tầm vĩ mô thành những khuyến cáo cụ thể, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở (tầm vi mô).

Bên cạnh đó, huy động được các nhân tố tích cực của các cơ sở cùng với Sở Y tế, đào tạo huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, giám sát thực hiện. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý BV của Ban Giám đốc và đội ngũ quản lý khoa, phòng trong BV. Song song đó, phát huy vai trò quản lý Nhà nước của Sở Y tế toàn diện hơn.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG 

Chia sẻ bài viết