03/03/2020 - 07:04

Đa dạng hóa các nguồn năng lượng 

Gần đây, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hình thành và phát triển nhiều khu công nghiệp và đời sống của người dân ngày một tăng lên, kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao, với tổng mức tiêu thụ tăng 10,7% và tăng 2,6 lần vào năm 2030. Do đó, để đáp ứng nhu cầu điện tiêu thụ, các chuyên gia năng lượng cho rằng: Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần dựa vào lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo từ gió, điện mặt trời hay điện sinh khối... góp phần hướng tới mục tiêu phát triển nguồn điện bền vững.

Lắp đặt và sử dụng điện mặt trời áp mái là xu hướng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình... quan tâm triển khai. 

Ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng, cho biết: Trong giai đoạn 2010-2018, tổng tiêu thụ điện vùng ĐBSCL tăng 10,7%; về cơ cấu tiêu thụ điện, công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ điện cao nhất, chiếm trên 47% và có 2 địa phương là tỉnh Long An và TP Cần Thơ chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện cho công nghiệp trên 50%... Dự báo, tiêu thụ điện vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 tiếp tục tăng 10%/năm; nhu cầu điện thương phẩm tăng 2,6 lần, tương đương 65 tỉ kWh vào năm 2030. Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, hiện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không chỉ dựa vào công suất sản xuất của các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3, Nhiệt điện Cần Thơ, nhiệt điện Ô Môn I..., mà còn phát triển đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo. Điển hình là tại tỉnh Bạc Liêu đã đưa vào vận hành nhà máy điện gió Bạc Liêu, với tổng công suất 99,2MW; các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ triển khai đầu tư các dự án điện mặt trời áp mái, với tổng công suất trên 60MWp; tỉnh Hậu Giang cũng đang sản xuất điện sinh khối từ bã mía; tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh triển khai các dự án về điện gió và điện mặt trời... 

Theo các chuyên gia năng lượng, ĐBSCL có lợi thế phát triển đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió đến điện sinh khối và thủy triều. Ước tính bình quân, mỗi năm ĐBSCL có 20 triệu tấn rơm rạ và các nguồn phụ phẩm khác bị bỏ phí- đây là tiềm năng để tạo điện sinh khối. Không chỉ vậy, ĐBSCL có tiềm năng điện mặt trời rất dồi dào, có thể nhận từ 2.200-2.500 giờ nắng và với diện tích 1m2, mỗi tấm pin mặt trời có thể thu 5kWh điện/ngày. Với đường bờ biển dài hơn 700km, ĐBSCL có khả năng thu điện gió đạt từ 1.200-1.500MW... Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng, việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch sẽ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là tác động của biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL. Dự báo, đến năm 2035, vùng ĐBSCL sẽ có trên 68.600MW điện gió và hơn 31.500MW điện mặt trời, 114MW điện rác…

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang phát triển nguồn điện theo hướng tối ưu hóa, dựa vào tiềm năng và lợi thế của vùng. Cùng với đó, các ngành, các cấp đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Trong đó, sẽ ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế… theo Nghị quyết Số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với những định hướng và các chương trình, hành động được triển khai, không chỉ thúc đẩy vùng ĐBSCL khai thác và phát triển có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học... theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2050.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết