04/07/2008 - 20:39

Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình khuyết tật và phát triển:

Đã có một thư viện điện tử cho người khuyết tật

Ngày 29- 6-2008, Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã ra mắt thư viện điện tử chuyên về người khuyết tật (NKT) tại Đại học (ĐH) Mở TP Hồ Chí Minh với địa chỉ http://www.drdvietnam.com/vi/elibrary. Đây là trang web đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế nhằm hướng đến sự tiếp cận thông tin của NKT các dạng. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình DRD, cho biết:

Từ nhiều năm nay tôi luôn mong muốn có được một thư viện điện tử chuyên về NKT. Đầu tiên là từ chính nhu cầu của bản thân mình cách đây vài năm, khi đi tìm những thông tin liên quan đến các chính sách hay chương trình xã hội dành cho NKT ở Việt Nam nhưng không thể nào tìm được. Sau đó, khi đang học ở Mỹ, thấy họ có rất nhiều trang web về các vấn đề khuyết tật. Những trang web này luôn cân nhắc đến người sử dụng là NKT nên họ cũng sắp xếp theo cách dễ dàng nhất cho NKT tiếp cận. Chỉ cần ngồi bên máy tính được nối mạng là người cần tìm thông tin gần như có thể tìm được tất cả những gì họ muốn tìm. Sau đó, khi về Việt Nam, lại nghe một số em sinh viên xã hội học và công tác xã hội than phiền rằng các em không thể tìm được thông tin khi muốn thực hiện các nghiên cứu hay đề tài về NKT. Từ đó, tôi bắt tay xây dựng một thư viện điện tử chuyên về lĩnh vực khuyết tật và NKT các dạng có thể tiếp cận được.

Khi đến với thư viện này, bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực khuyết tật như chính NKT, người thân của NKT, sinh viên các ngành khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội... đều có thể truy cập và tìm kiếm thông tin. Tất cả những thông tin ở đây liên quan đến lĩnh vực khuyết tật: luật, chính sách xã hội, nghiên cứu, tiến bộ khoa học, gương người khuyết tật, học bổng, việc làm, diễn đàn, hoạt động của DRD và các tổ chức khuyết tật khác, ...

* Thưa chị, việc xây dựng thư viện điện tử cho NKT có gặp nhiều khó khăn?

- Một thư viện như thế rất khó thực hiện khi thiếu người giỏi về lập trình và kỹ thuật. Trang web ban đầu của Chương trình Khuyết tật và Phát triển (www.drdvietnam.com), cũng chỉ là một trang web chuyên về khuyết tật, nhưng chưa tạo được sự tiếp cận cho NKT các dạng như: khiếm thính, nhìn kém, khiếm thị hoàn toàn, người bị loạn sắc. Trang web đầu tiên này cũng được thực hiện bởi một nhóm tình nguyện viên Việt Nam, trẻ trung, nhiệt tình.

Các thành viên DRD họp bàn việc chuẩn bị ra đời thư viện điện tử. Ảnh: Do DRD cung cấp. 

Khi tôi biết được Chương trình Đại Sứ Trẻ Úc (Australia Youth Ambassador Program), một chương trình gửi các tình nguyện viên chuyên nghiệp đến giúp các tổ chức địa phương thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng, tôi bắt đầu tìm cách liên lạc với họ và nhờ họ giúp mình thực hiện trang web này. Lúc đó, DRD đã hoạt động được hơn một năm và đã khẳng định được hiệu quả, uy tín của mình. Trang web của DRD cũng được đánh giá là một trang web hay và phong phú. Tôi liên lạc với người phụ trách Chương trình Đại Sứ Trẻ Úc và bắt đầu viết một dự án tìm tình nguyện viên thích hợp cho công việc. Tôi yêu cầu tình nguyện viên đó phải có bằng cấp chuyên nghiệp và giỏi về web, đặc biệt đã từng làm việc với NKT để hiểu được những khó khăn của NKT. Sau đó, thành viên Chương trình Đại Sứ Trẻ Úc đã từ Úc đến thăm DRD, tìm hiểu về DRD cũng như về dự án thư viện điện tử. Ít lâu sau, tôi được thông báo dự án của mình đã được chấp nhận, Chương trình Đại Sứ Trẻ Úc đang tìm cho DRD ứng viên thích hợp. Vài tháng sau, Chương trình Đại Sứ Trẻ Úc gửi cho tôi lý lịch của Peter Gammie để xem tình nguyện viên này có thích hợp không. Tôi đồng ý nhận Peter sau khi đã phỏng vấn trực tiếp Peter qua điện thoại gọi từ Úc. Và thế là các thủ tục cần thiết được tiến hành để Peter sang là việc cho DRD từ tháng 3-2007.

Các bạn thử hình dung làm sao để người khiếm thị hoàn toàn, người nhìn kém, người loạn sắc, người có góc nhìn hẹp ... đều tiếp cận được trang web này. Peter đã dành thời gian gặp gỡ và trao đổi với các anh chị khuyết tật ở các dạng khác nhau để học hỏi kinh nghiệm tiếp cận web của chính họ cũng như nhu cầu của NKT ở Việt Nam. Những hướng dẫn tiếp cận đã có của những trang web nước ngoài hay những tổ chức phương Tây không giúp được nhiều lắm cho Việt Nam vì những khác biệt về kỹ thuật và các quy ước sử dụng. Ngoài ra, Peter cũng được trợ giúp bởi một tình nguyện viên Việt Nam, em Nguyễn Tấn Triều, sinh viên năm cuối về Công nghệ Thông tin của ĐH Mở TP Hồ Chí Minh.

* Thư viện này đã thực sự đáp ứng được cơn “khát” thông tin của NKT?

- Chúng tôi đã dành hơn 2 tuần chạy thử và nhận phản hồi từ những bạn tình nguyện viên tham gia giúp trang web. Một trong những điểm nổi bật của thư viện điện tử là tích hợp nhiều chức năng để người khuyết tật ở các dạng đều có thể đọc được thông tin: phần mềm hỗ trợ đọc (dành cho người khiếm thị); có thể phóng to màn hình, co chữ, nhiều màu sắc (dành cho người kém mắt, loạn sắc)... thư viện đã có phiên bản tiếng Anh. Tuy đã có thành công bước đầu nhưng để có thể cung cấp nhiều thông tin cho NKT các dạng thì vẫn còn nhiều việc phải làm và chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện trang web này.

Nếu có nhu cầu và thắc mắc về thư viện điện tử, bạn có thể liên hệ: DRD 35-37 Hồ Hảo Hớn, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Điện thoại: 08.9205519, email: info@drdvietnam.com.

* Xin cảm ơn chị!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chương trình DRD ra đời đến nay đã hơn 2 năm với hai mảng hoạt động chính: nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho NKT thông qua website, diễn đàn, bản tin, tham vấn đồng cảnh; lớp huấn luyện kỹ năng... DRD cũng thực hiện các nghiên cứu liên quan đến các vấn đề mà NKT đang gặp phải; hội thảo liên quan đến các vấn đề khuyết tật; Hỗ trợ hoạt động của các nhóm khuyết tật và cha mẹ trẻ khuyết tật; Xây dựng và phát triển mối liên kết với các trung tâm dạy nghề, các tổ chức và công ty quan tâm để tìm kiếm cơ hội học nghề, cơ hội thực tập và việc làm cho NKT. DRD cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các tổ chức trong và ngoài nước.

Người sáng lập chương trình DRD chính là chị Võ Thị Hoàng Yến, một người khuyết tật có hai tấm bằng đại học. Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Mỹ, chị đã từ chối cơ hội học lên tiến sĩ và nhiều việc làm hấp dẫn ở nước này để về quê hương làm việc với mong mỏi “làm một cái gì đó” cho NKT.

Chia sẻ bài viết