 |
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou trước nhiều sức ép vì uy tín chính trị bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: AP |
Sau 5 tháng thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou ngày 24-10 đã thông báo kế hoạch chi tiền hỗ trợ cho người hưu trí và tăng cường đầu tư phát triển năng lượng tái sinh. Cụ thể, ông Papandreou cho biết khoảng nửa triệu người hưu trí có mức thu nhập thấp sẽ nhận được mức hỗ trợ một lần 300 euro vào cuối năm nay và cam kết đầu tư cho năng lượng tái sinh 45 tỉ euro trong 5 năm tới.
Hồi thứ ba tuần trước (19-10), ông Papandreou cũng đã công bố chương trình tạo việc làm mới trị giá 2,6 tỉ euro trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang ở mức 12%. Và khi nhắc lại những chính sách cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo vừa qua, ông cho rằng sự hy sinh của dân Hy Lạp là chưa từng có, nên từ nay trở đi dù có bất kỳ điều gì xảy ra thì sẽ không có thêm chuyện giảm lương của người lao động và hưu trí, hay tăng các loại thuế khác.
Những động thái trên của ông Papandreou hơi bất ngờ vì Hy Lạp đã cam kết thắt chặt hầu bao để được nhận 110 tỉ euro trợ cứu của EU và IMF hồi tháng 5-2010. Hy Lạp với món nợ công hơn 300 tỉ euro đã đặt mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách từ mức gần 14% GDP năm 2009 xuống còn 7,6% GDP năm 2011 và dưới mức 3% GDP năm 2013.
Có thể nói, chính sách “thắt lưng buộc bụng” vừa qua của Hy Lạp là “một hành động bất khả kháng” nhằm trấn an thị trường tài chính sắp phá sản. Bản thân ông Papandreou ban đầu đã kịch liệt phản đối yêu cầu của EU và IMF nhưng đành chấp nhận sự lựa chọn duy nhất vào thời điểm đó. Hơn nữa, ông cho rằng mức thâm hụt ngân sách và món nợ công khổng lồ của Hy Lạp hiện nay là “tài sản” của chính quyền tiền nhiệm để lại.
Cho nên, không ít người tỏ ra nghi ngờ những lời hứa hẹn của ông Papandreou trước nhân dân Hy Lạp. Dư luận cho rằng đây là một động thái nhằm cứu vãn uy tín của đảng Pasok cầm quyền trước cuộc bầu cử địa phương diễn ra ngày 7-11 tới. Các nhà quan sát nhận định cuộc bầu cử này như là “lá phiếu trưng cầu dân ý” đối với uy tín của Thủ tướng Papandreou và đảng cầm quyền. Một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 23-10 vừa qua cho biết 67% số người được hỏi tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho Pasok và 59% phản đối cách điều hành chính phủ của ông Papandreou.
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử sắp tới ở Hy Lạp đang thu hút sự theo dõi của giới chính trị châu Âu. Họ xem liệu lời hứa của ông Papandreou có tác động gì đến lòng tin của cử tri trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục hạn chế chi tiêu công, bất chấp làn sóng biểu tình phản đối của người dân.
PHÚC GIA AN
(Theo The Guardian, AFP, Bloomberg, Reuters)