13/01/2019 - 22:58

Cười cùng “Chuyện bác Ba Phi” 

Sau một năm phát sóng, chương trình “Chuyện bác Ba Phi - xưa và nay” tạo sức hút với khán giả bởi tiếng cười nhẹ nhàng, thâm thúy cùng nhiều bài học ứng xử ở đời. Chương trình do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ thực hiện, đang phát sóng lúc 19 giờ 10 phút thứ sáu hằng tuần trên kênh VTV9.

Một tiểu phẩm trong chương trình. 

Từ những câu chuyện tiếu lâm, bông đùa của một lão nông Cà Mau, truyện kể bác Ba Phi dần được mọi người truyền tai nhau và trở thành một di sản trong kho tàng văn học dân gian Nam bộ. Trên nền tảng những câu chuyện đó, “Chuyện bác Ba Phi - xưa và nay” giới thiệu lại, nhưng bằng nghệ thuật sân khấu hóa dạng tiểu phẩm hài. Nghệ sĩ Trung Dân thủ vai bác Ba Phi và cũng là đạo diễn dàn dựng các tiểu phẩm trong chương trình. Với sự chân chất, rặt nông dân, nghệ sĩ Trung Dân hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, khiến người xem cười ngất với những tình huống kịch có duyên.

Những câu chuyện “nửa hư nửa thực” như săn rắn, bắt rùa ở rừng U Minh, chuyện cọp xay lúa, ếch gảy đờn… không chỉ là cười vui mà còn mang đến cho khán giả niềm tự hào về thiên nhiên và sản vật Nam bộ; về cách đối nhân xử thế đằm sâu sau những tiếng cười. Qua năm thứ 2 phát sóng, chương trình tiếp tục giới thiệu những câu chuyện như Mô đất biết đi, Bắt rắn hổ, Cái thẹo con rít, Cá trê Lung Tràm, Bắt kỳ đà…

Mỗi số phát sóng gồm 3 phần. Mở đầu là gặp gỡ chuyên gia, văn nghệ sĩ từng nghiên cứu về truyện kể bác Ba Phi hoặc từng gặp gỡ bác Ba Phi để giới thiệu về bối cảnh câu chuyện. Phần thứ 2 là đồ họa 3D về câu chuyện, được thực hiện công phu, sống động để tạo sự hấp dẫn cho khán giả, nhất là trẻ em. Cuối cùng là tiểu phẩm hài do nghệ sĩ biểu diễn. Qua mỗi kỳ phát sóng, người xem lại hiểu hơn về một lão nông miền Tây hào sảng, bộc trực, yêu đời, cùng những ảnh hưởng của truyện kể bác Ba Phi trong đời sống văn hóa của người Nam bộ.

Thật ra, theo các nhà nghiên cứu, truyện cười do chính bác Ba Phi kể không quá nhiều. Nhưng do phong cách hài hước đó rất phù hợp với tính cách của người Nam bộ nên truyện được truyền miệng rất nhanh. Từ đó, những ai có khiếu bông đùa lại sáng tác nhiều câu chuyện mới, nhưng theo “phong cách truyện kể bác Ba Phi”. Nhiều câu chuyện trào lộng, cười sảng khoái ra đời đã tiếp thêm sức sống cho truyện kể bác Ba Phi. Và, chính những chương trình như “Chuyện bác Ba Phi - xưa và nay” lại góp phần làm lan tỏa di sản văn học dân gian này…

Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884 ở vùng Đồng Tháp Mười, theo cha mẹ về sống ở rừng U Minh từ lúc còn bé. Bàng bạc trong các truyện kể của bác Ba Phi là không gian thiên nhiên và sản vật rừng U Minh ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hiện thực khách quan của cuộc sống đã được bác Ba Phi “hình dung hóa” thành những câu chuyện phóng đại bằng cái nhìn hài hước, trào lộng, nhưng rất hào sảng, mang tính cách đặc trưng của người Nam bộ. Năm 2017, UBND tỉnh Cà Mau đưa “Truyện kể Bác Ba Phi” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Chuyện bác Ba Ph