16/11/2008 - 20:26

Giá xăng dầu giảm

Cước phí vận tải ở TP Cần Thơ sẽ giảm giá?

Hành khách đang kỳ vọng giá vé xe khách giảm để có điều kiện đi lại hơn.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) đã điều chỉnh tăng giá cước do giá xăng dầu tăng. Gần đây, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm, một số DNVT đang hoạt động tại TP Cần Thơ đã chủ động giảm giá cước theo giá xăng dầu. Trong khi đó, đến ngày 16-11, một số DNVT hoạt động tại TP Cần Thơ chưa điều chỉnh giảm cũng đang tính toán để hạ giá cước...

RỤC RỊCH GIẢM GIÁ

Lần tăng giá xăng dầu vào ngày 21-7-2008, giá xăng A92 tăng từ mức 14.500 đồng lên 19.000 đồng/lít, giá dầu Diezel 0,05S tăng từ mức 13.950 đồng lên 15.950 đồng/lít. Tuy nhiên, từ đó đến nay giá xăng dầu đã có nhiều đợt giảm, trong đó xăng giảm tổng cộng đến 6.000 đồng/lít, dầu Diezel giảm tổng cộng là 2.950 đồng/lít. Hiện xăng A92 và dầu Diezel 0,05S cùng có giá 13.000 đồng/lít, thấp hơn lúc xăng dầu tăng giá vào tháng 7 vừa qua. Tại TP Cần Thơ, ảnh hưởng theo giá xăng dầu, giá cước vận tải cũng được điều chỉnh, song có chiều hướng khác nhau.

Trước đây, giá xăng dầu tăng (nhất là giá dầu Diezel) đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành vận tải. Nhiều DNVT hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ đã đưa ra giải pháp tiết kiệm chi phí hoạt động, trong đó có xăng dầu. Đồng thời, nhiều DNVT điều chỉnh tăng giá cước ở mức hợp lý, thấp hơn mức xăng dầu vừa tăng để duy trì hoạt động... Theo đó, nhiều DNVT hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ (chủ yếu là những DNVT tự tổ chức bán vé mà nhiều người thường gọi là xe chất lượng cao) đã tăng giá cước xe khách với mức dao động từ hơn 6-12%. Nhưng đối với hầu hết các DNVT ủy thác cho Bến xe khách Cần Thơ bán vé (những đơn vị này thường có xe đã sử dụng trên 5 năm) vẫn giữ giá cước hành khách, không tăng cho dù giá xăng dầu đã tăng. Nguyên nhân do các DNVT này đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ với các đơn vị vận tải tự tổ chức bán vé, trong khi xu hướng của hành khách chọn xe chất lượng cao để đi lại...

Các DNVT hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ đều có hầu hết phương tiện chạy bằng dầu Diezel, phương tiện chạy bằng xăng rất ít và chủ yếu là các xe trung chuyển. Hơn 2 tháng qua, giá dầu giảm chia thành nhiều đợt, do đó đã có một số DNVT điều chỉnh giảm giá cước xuống nhằm chia sẻ với hành khách. Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Phương Thảo có 43 xe 16 chỗ đang hoạt động trên 2 tuyến là Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ-Cà Mau. Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Trạm điều hành tại Bến Cần Thơ của công ty này, cho biết: “Giá dầu giảm lại, cách nay hơn nửa tháng, công ty đã điều chỉnh giảm giá cước tuyến Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh từ mức 85.000 xuống còn 80.000 đồng/vé. Còn tuyến Cần Thơ - Cà Mau, trước đây khi giá dầu tăng công ty không điều chỉnh tăng giá vé, nên hiện nay vẫn giữ ổn định ở mức 60.000 đồng/vé. Tùy thuộc vào tình hình thực tế, chẳng hạn nếu giá dầu tiếp tục giảm hoặc có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá vé thì công ty sẽ xem xét điều chỉnh giảm giá vé tiếp tục. Bên cạnh việc giảm giá vé, công ty còn chú trọng đến chất lượng phục vụ khách hàng...”.

Công ty KUMHO SAMCO đã điều chỉnh giảm giá cước tuyến Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh với mức giảm khoảng 5.000 đồng/vé, xuống còn 80.000 đồng/vé từ ngày 24-10-2008. Anh Hạ Thanh Quân, Trưởng Trạm điều hành Cần Thơ của Công ty KUMHO SAMCO, cho biết: “Công ty giảm giá vé nhằm chia sẻ với khách hàng sau khi giá dầu giảm. Công ty chủ trương giá cước lên xuống theo giá dầu, công ty sẽ giữ giá vé ở mức hiện tại nếu giá dầu không giảm nữa...”.

Mặc dù đã có một số DNVT hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ thực hiện giảm giá cước, nhưng đây là các DNVT điều chỉnh giảm giá cước đã cách nay hơn nửa tháng. Còn sau đợt giảm giá dầu Diezel gần đây nhất (từ ngày 8-11) với mức giảm 1.000 đồng/lít, hầu hết doanh nghiệp vận tải hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ chưa điều chỉnh giảm giá cước. Theo giới kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách tại Bến xe khách Cần Thơ, trước đây nhiều đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe bán vé vẫn giữ giá cước hành khách cho dù giá dầu tăng. Vì vậy, vừa qua giá dầu đã có nhiều đợt giảm nhưng các đơn vị này vẫn giữ nguyên mức giá cước. Một số đơn vị đã điều chỉnh giảm giá cước trước đợt giảm giá xăng dầu ngày 8-11 và không điều chỉnh giảm thêm. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp vẫn chỉ mới trong quá trình cân nhắc điều chỉnh giảm giá cước.

Theo ông Đoàn Công Hiếu, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vận tải Đường bộ TP Cần Thơ, HTX xây dựng mức giá cước xe khách tuyến cố định từ đầu năm 2008. Sau đợt tăng giá dầu vào tháng 7-2008, HTX không điều chỉnh tăng giá cước. Do đó, qua các đợt giảm giá dầu gần đây, HTX vẫn giữ ổn định giá cước xe khách tuyến cố định. Nhưng việc giá dầu giảm, xã viên có xe chạy tuyến cố định giảm bớt được khó khăn, đã tạm hoạt động được chứ không còn thường chạy lỗ như trước đây. Còn đối với xã viên có xe tải vận chuyển hàng hóa thuê, khi giá dầu tăng họ đã chủ động thương thảo với khách hàng điều chỉnh tăng giá cước. Gần đây, khách hàng đã yêu cầu xã viên giảm giá cước trở lại do giá dầu liên tục giảm. Và qua đợt giảm giá dầu mới đây (8-11), đã có nhiều xã viên thực hiện giảm giá cước vận chuyển hàng hóa thuê cho khách hàng. Trong khi đó, xã viên có xe khách chạy thuê bao hợp đồng cũng vừa hạ giá cước hợp đồng thuê bao giảm khoảng 7-8% so với trước. HTX hiện có hơn 450 xe, gồm: xe khách chạy tuyến cố định, xe khách chạy thuê bao hợp đồng và xe tải vận chuyển hàng hóa thuê. Trong đó, có hơn 100 xe chạy tuyến cố định đang hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi Nhà nước cho phép các DNVT tự đăng ký giá cước, đã có sự cạnh tranh về giá cước giữa các DNVT. Qua các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, thường các DNVT chưa muốn tăng giá liền và đến thời điểm thích hợp mới tăng ở mức hài hòa, phù hợp. Còn khi giá xăng dầu giảm, các DNVT có khuynh hướng giảm giá cước ngay. Gần đây, có một số DNVT đã thực hiện giảm giá cước, một số đang chuẩn bị giảm...”.

Hiện nay, nhiều người dân đang kỳ vọng vào giá cước xe khách giảm, để họ giảm bớt khó khăn và có điều kiện đi lại. Ông Nguyễn Văn Tám, ở xã Tân Việt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tôi thường đi TP Cần Thơ do có công việc. Gần đây, tôi thấy giá xăng dầu đã giảm nhưng giá xe khách vẫn còn ở mức cao, nhiều hãng xe chưa giảm. Nếu giá xe giảm người dân đỡ khó khăn hơn, vì năm nay tình hình kinh tế khó khăn, nhất là giá thủy sản và nông sản ở mức thấp...”.

GIẢM ÁP LỰC CHO XE BUÝT!

Tại TP Cần Thơ, có 7 tuyến xe buýt với tổng cộng 117 đầu xe (gồm xe Công trình Đô thị Cần Thơ và xe liên doanh bên ngoài) hoạt động. Theo Xí nghiệp Vận tải Hành khách Công cộng thuộc Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ, khi giá dầu tăng mạnh vào ngày 21-7-2008, xe buýt hoạt động đến ngưỡng lỗ. Vì vậy, qua các đợt giảm giá dầu gần đây đã góp phần giảm áp lực đáng kể cho xe buýt hoạt động.

Ông Võ Hoàng Thọ, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải Hành khách Công cộng, cho biết: “Sau khi giá dầu tăng vào ngày 21-7 nhưng giá vé xe buýt không được điều chỉnh tăng đã làm cho hoạt động xe buýt gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ xe liên doanh với công ty đã có ý định tạm nghỉ hoạt động. Nhưng sau khi các xe liên doanh này trụ lại được một thời gian thì giá dầu đã giảm lại. Hiện nay, giá dầu chỉ còn khoảng 13.000 đồng/lít, xe buýt đã hoạt động tạm ổn, các chủ xe liên doanh đã phấn khởi hơn”.

Do giá xe buýt hiện đang rất thấp nên hầu hết được hành khách chấp nhận. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của xe buýt còn mang tính điều tiết lợi nhuận nên việc giảm giá dầu được xem là cơ hội để xe buýt hoạt động tốt hơn. Ông Võ Hoàng Thọ nói: “Mặc dù hoạt động không còn khó khăn như trước, nhưng với giá dầu hiện tại tính ra toàn bộ chi phí thì xe buýt chỉ mới hoạt động ổn định chứ chưa có lời nhiều. Bởi vì, trên các tuyến hiện nay lượng hành khách đi xe buýt không đều. Chẳng hạn như: tuyến Cần Thơ-Kinh Cùng, Cần Thơ-Ô Môn là hoạt động hiệu quả do có đông hành khách. Còn nhiều tuyến còn lại như: Cầu Bắc-91B-Phong Điền, Cần Thơ-Giai Xuân-Phong Điền, Ô Môn-Ngã Ba lộ Tẻ (Thốt Nốt)... thường có ít hành khách. Do đó, các tuyến đường xe buýt hoạt động hiệu quả phải bù đắp cho các tuyến còn ít hành khách”.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết