BẢO LAM (Tổng hợp từ Rest of World, Global Times, Vairety)
Đông Nam Á đang có thị trường trực tuyến đầy tiềm năng, được nhiều quốc gia đứng đầu trong ngành công nghiệp giải trí quốc tế tập trung đầu tư. Các “ông lớn” trong ngành giải trí Âu Mỹ, mới đây có thêm Trung Quốc, tham gia các chiến lược đầu tư tại thị trường này.

Cảnh phim “My Lecturer My Husband”.
Thị trường giải trí trực tuyến Đông Nam Á vốn là “mảnh đất màu mỡ” của các nhà làm phim phương Tây. Netflix đã nhanh chóng đầu tư và có chỗ đứng vững chắc tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia với khoảng 42% tổng thời lượng xem truyền hình của người dân khu vực. Trong khi đó, Disney+ cũng tăng trưởng nhanh chóng khi có thêm tới 9,4 triệu người đăng ký tại Đông Nam Á trong 3 tháng đầu năm 2023.
Gần đây, Trung Quốc cũng nhảy vào thị trường này. Yang Xianghua, Giám đốc của iQiyi, nhìn nhận: “Chúng tôi đang bùng nổ tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore”. Không chỉ iQiyi của Baidu mà WeTV của Tencent cũng đang gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Việc đẩy mạnh đầu tư tại thị trường này mang đến cho Trung Quốc nhiều lợi ích. Sự tương đồng văn hóa và thị hiếu giải trí của công chúng khu vực này tạo điều kiện cho các công ty giải trí Trung Quốc dễ dàng xâm nhập với mức giá rẻ, đầu tư sản xuất thuận lợi và phù hợp tiêu chí. Vì thế, Đông Nam Á đang được xem là một trong những thị trường trọng điểm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc.
Các chuyên gia dự báo, thị trường giải trí trực tuyến Đông Nam Á có thể mang về khoảng 1,32 tỉ USD trong năm 2023. Chính vì thế cuộc đua chiếm lĩnh nơi này đang diễn ra rất khốc liệt. Cụ thể, tại Thái Lan, cuộc đua chiếm sóng người xem đang có sự cạnh tranh quyết liệt: Netflix chiếm 24% thị phần, còn WeTV của Tencent cũng bám sát sau đó với 22%. Trong khi đó tại Indonesia, khoảng 40% người đăng ký các nền tảng trực tuyến có thu nhập thấp đến trung lưu, khiến giá đăng ký dịch vụ trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc chiến này và iQiyi hiện đang có giá đăng ký thấp nhất với chỉ 0,67 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với 4,42 USD/tháng của Netflix. Chính mức giá kém cạnh tranh này đã khiến lượng người đăng ký mới của Netflix trong quý I năm 2023 ít hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại Malaysia, các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc đang đứng đầu cuộc đua chiếm thị phần, bởi Tencent đã mua lại nền tảng Iflix tại Malaysia, iQiyi cũng cộng tác với Astro tại thị trường này.
Để cạnh tranh, các nhà đầu tư cũng hướng đến việc sản xuất nội dung bản địa. Netflix vốn tiên phong trong trào lưu này nhưng hiện đang gặp khó hòa nhập với văn hóa địa phương. Vì thế việc đầu tư cho các sản phẩm vẫn chưa thực sự phát huy và tạo sức hút tại thị trường Đông Nam Á. Hàng chục phim của Netflix bị cấm chiếu ở thị trường này vì các vi phạm, hoặc không phù hợp về nội dung. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc lại nắm bắt nhanh thị hiếu bản địa. Cụ thể năm 2022, chỉ riêng WeTV đã cho ra mắt hơn 40 tác phẩm địa phương tại Đông Nam Á. Trong đó có nhiều tác phẩm như: “My Lecturer My Husband” (Indonesia), “The Wife” (Thái Lan)… đều tạo được thành công ở thị trường bản địa.
Thị trường trực tuyến tại Đông Nam Á vẫn ổn định và có xu hướng gia tăng tiếp trong vài năm tới, đặc biệt là các nội dung bản địa. Do đó, Đông Nam Á vẫn được xem là thị trường giải trí trực tuyến trọng điểm trong vài năm nữa.