24/01/2019 - 07:46

Việt Nam - Nhật Bản:

Cuộc chiến của những chiến binh 

Tối nay 24-1-2019, tuyển Việt Nam sẽ gặp Nhật Bản ở trận tứ kết đầu tiên Asian Cup 2019, trên sân Al Maktoum ở thành phố Dubai (UAE). Một trận đấu giữa đội bóng mới lần thứ hai góp mặt đến vòng tứ kết sân chơi châu lục với đội bóng giàu thành tích đã 4 lần vô địch giải đấu, thật sự không cân sức. So về mọi mặt từ bề dày truyền thống, giá trị đội hình... đội tuyển Việt Nam chỉ là "bé hạt tiêu" khi đứng cạnh "gã khổng lồ" Nhật Bản, nhưng có một yếu tố có thể so sánh đó là tinh thần chiến đấu của những "Chiến binh sao vàng" không hề thua kém bất kỳ đối thủ nào.

Quang Hải (phải) sẽ tiếp tục bùng nổ để đưa Việt Nam tiến sâu vào giải? Ảnh: TTVH

Đến với vòng chung kết Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam không được đánh giá cao và thực tế chỉ lách qua khe cửa hẹp để vào vòng 16 đội bằng chiếc vé vớt. Tuy nhiên, may mắn sẽ không đến với đội bóng nếu không có thực lực và khát vọng chinh phục. Dưới thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết. Các cầu thủ đã trình diễn lối chơi hoàn toàn thuyết phục trước Jordan trong trận đấu đầu tiên ở vòng loại trực tiếp. Cầm giữ bóng, chủ động chơi tấn công và khiến đối thủ phải khiếp sợ để giành chiến thắng là bản lĩnh của đội bóng. HLV Park Hang-seo đã có những sự thay đổi, điều chỉnh lối chơi phù hợp với từng đối thủ, rất khó lường để có thể bắt bài. Thế nên, sau khi vượt qua Saudi Arabia, trung vệ đội trưởng Nhật Bản Maya Yoshida cho rằng "Việt Nam là đội tuyển bí ẩn".

Đội tuyển Việt Nam có những bước tiến dài dưới thời HLV Park Hang-seo, nhưng dù lạc quan cũng chưa thể nghĩ đến một chiến thắng trước Nhật Bản, bởi "Samurai xanh" là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch của giải. Ở vòng bảng, các "Chiến binh sao vàng" từng chạm trán ứng cử viên vô địch khác là Iran và chịu thất bại 0-2 với thế trận khá bế tắc. Nếu so với Iran, Nhật Bản có thể đáng sợ hơn, bởi đội hình mà HLV Hajime Moriyasu mang đến UAE là 23 cầu thủ đều đang chơi bóng ở châu Âu. Trong các trận đấu vừa qua, Nhật Bản cũng thi đấu không hoàn toàn áp đảo đối thủ và chỉ giành chiến thắng với cách biệt 1 bàn trong 4 trận đấu: 3 trận vòng bảng thắng Turkmenistan (tỷ số 3-2), Oman (1-0), Uzbekistan (2-1) và Saudi Arabia 1-0 ở vòng 16 đội. Những chiến thắng vừa đủ để Nhật Bản tiến sâu, nhưng không phô trương sức mạnh.

Rất có thể HLV Moriyasu có những toan tính riêng cho chặng đường dài đến trận chung kết của "Samurai xanh". Bởi Nhật Bản là đội bóng sở hữu khả năng đẩy nhanh tốc độ vô cùng đáng sợ. Trước Turkmenistan, Nhật Bản ghi 3 bàn chỉ trong 15 phút để lật ngược thế trận. Trước Uzbekistan, “Samurai xanh” cũng cần đúng 15 phút để giành chiến thắng ngược. Màn trình diễn trước Oman có thể coi là đỉnh cao của bóng đá tấn công, khi “Samurai xanh” cầm bóng tới 71%, không cho đối thủ tung ra bất kỳ cú sút trúng khung thành nào. Song song đó, Nhật Bản cũng không ngại việc chơi phòng ngự trước Saudi Arabia, khi chỉ cầm bóng có 23%, chuyền ít hơn đối thủ (197 đường chuyền so với 697), phạm lỗi nhiều gấp đôi đối thủ (27 so với 13), nhưng vẫn giành chiến thắng.

Điều đáng ngại của tuyển Nhật Bản là sự uyển chuyển và thực dụng trong lối chơi với những cầu thủ đẳng cấp quốc tế. Hy vọng dành cho thầy trò HLV Park Hang-seo chính là sự thoải mái tinh thần, không có gì để mất trong hành trình gây bất ngờ ở đấu trường châu Á. Các cầu thủ Việt Nam luôn thi đấu tốt mỗi khi đối đầu với các đối thủ được đánh giá cao hơn và niềm tin ấy được củng cố sau khi đã vượt qua cửa hẹp vòng bảng và loại Jordan loạt sau loạt đá penalty.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết