16/06/2019 - 10:02

Cuộc chiến của các cựu binh Mỹ 

Năm 2005, Roger King đăng ký vào lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Lúc ấy anh 19 tuổi. Trong vòng 4 năm sau, anh 2 lần được đưa đến Iraq, nơi anh bị trúng phải một viên đạn của tay súng bắn tỉa suýt làm mất mạng. Trở về nhà, anh phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mới trong việc thích ứng với cuộc sống đời thường tại Island Long, hòn đảo nằm về phía Đông Nam của thành phố New York.

Cựu binh Roger King đã hồi phục bình thường sau khi bị tổn thương não và rối loạn stress sau chấn thương. Hiện anh tham gia hỗ trợ các cựu binh khác hòa nhập cuộc sống đời thường. Ảnh: AFP

King bị tổn thương não (TBI) và rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), hai chứng bệnh ưu buồn phổ biến trong giới cựu binh tại siêu cường quân sự lớn nhất thế giới. Bệnh tình này khiến anh King luôn chịu cảm giác lo lắng và gặp khó khăn trong sinh hoạt nhóm. Đối mặt với áp lực sầu não ngày càng tăng trong cuộc sống mới, King bắt đầu tìm đến rượu và đã 2 lần có ý định tự kết liễu đời mình.

Russell Keyzer, cũng người New York, thì gia nhập lực lượng Vệ binh Quốc gia ngay sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.  Anh bị chứng hồi tưởng, mất ngủ, hoảng loạn và các rối loạn stress hậu chấn thương khác sau 2 năm tham gia lực lượng đa quốc gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Kosovo. Vùng lãnh thổ này từng bùng nổ các cuộc nổi dậy bạo lực. Trở về Mỹ năm 2008, Keyzer nhấn chìm cuộc sống vào rượu và sự chán nản. Hôn nhân bị đổ vỡ và  anh lâm vào cảnh vô gia cư. Không dưới 7 lần, anh muốn tự tìm đến cái chết.

Hiện King 33 tuổi và Keyzer 42 tuổi. Cuộc sống của cả hai bây giờ đã khá hơn mà phần lớn nhờ vào nhóm thiện nguyện dành cho các cựu binh. Đó là nhóm có tên gọi Dự án hỗ trợ các cựu binh Joseph P. Dwyer, tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2012 nhằm tôn vinh một bác sĩ lục quân đã tự sát năm 2008 sau khi trở về từ Iraq. Những nhóm hỗ trợ tâm lý như Dự án Dwyer đã được triển khai khắp nước Mỹ nhằm giúp đỡ 20 triệu cựu binh, tức gần 10% tổng số người lớn tại Mỹ, vượt qua thách thức chấn thương và xóa bỏ suy nghĩ muốn tự vẫn.

Theo báo cáo của Bộ Cựu chiến binh Mỹ được công bố cuối năm 2018,  có hơn 6.000 cựu binh nước này tự kết  liễu đời mình mỗi năm trong giai đoạn 2008-2016. Phần lớn trong số họ có sở hữu vũ khí cá nhân. Phân tích của Đại học Brown so sánh những cái chết thương tâm của các cựu binh lớn hơn nhiều so với binh sĩ tử vong trong chiến trận. Bởi trong các cuộc chiến lớn của Mỹ từ năm 2001 đến năm 2018, chỉ có tổng cộng 6.951 binh sĩ Mỹ hy sinh.

 Đối diện với những con số thống kê đáng buồn trên, Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã coi việc ngăn ngừa tự sát là một ưu tiên bằng cách thiết lập đường dây nóng dành cho các cựu binh bị rối loạn tinh thần. Bộ Cựu chiến binh Mỹ quản lý khoảng 1.200 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc.  Thật ra, đường dây nóng khủng hoảng của các cựu binh được thiết lập năm 2007 với 14 nhân viên. Nhưng hiện nay, đường dây này sử dụng hơn 900 nhân viên tại 3 trung tâm tiếp nhận cuộc gọi khắp nước Mỹ. Đây được coi là một trong những đường dây nóng có người nhiều sử dụng lớn nhất thế giới với khoảng 650.000 lượt gọi/năm.

Tuy nhiên, dù gặp khó với cuộc sống đời thường, các cựu binh Mỹ đa số không muốn được giúp đỡ vì văn hóa của quân đội coi việc yêu cầu hỗ trợ là hành động nhu nhược. Do đó, nhiều cựu binh Mỹ dày dặn có cùng cảnh ngộ được huy động tham gia vào các nhóm thiện nguyện để dễ tiếp cận các cựu binh trẻ. Chính cựu binh King là người được một cựu binh chiến tranh Việt Nam tiếp cận và khuyên giải. Giờ anh đã có vợ cùng đứa con 3 tháng tuổi. Cựu thủy quân lục chiến thậm chí đang có kế hoạch cho tương lai mới là hy vọng trở thành giáo viên trung học phổ thông nhờ bằng cử nhân lịch sử vừa lấy được. 

ÐỨC TRUNG (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết