11/02/2010 - 14:57

Cuộc chiến chống dịch bệnh hiểm nghèo

Ngoài đại dịch HIV/AIDS và ung thư cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa tận gốc, trong những năm gần đây, sức khỏe nhân loại liên tục bị đe dọa bởi sự xuất hiện nối tiếp nhau của nhiều dịch bệnh mới. Đáng lo ngại nhất đại dịch cúm A(H1N1) đang “làm mưa, làm gió” khắp năm châu. Y học thế giới đến nay đã đạt được những tiến bộ gì trong cuộc chiến phòng chống 3 dịch bệnh nguy hiểm trên?

* Triển vọng thanh toán “căn bệnh thế kỷ”

Đến khi nào thế giới mới sở hữu vắc-xin chống AIDS? Ảnh: bizjournals 

Cuối cùng hy vọng về chủng vắc-xin phòng ngừa hiệu quả HIV cũng đã nhen nhóm khi cuối tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học Mỹ loan báo loại vắc-xin đang được thử nghiệm bước đầu cho thấy khả năng ngăn chặn được sự lây nhiễm của vi-rút gây bệnh AIDS. Thuốc chủng ngừa đó là hỗn hợp hai vắc-xin: ALVAC của hãng Sanofi-Aventis và AIDSVAX của VAXGe. Loại đầu có nhiệm vụ kích hoạt hệ miễn dịch phát lệnh tấn công HIV trong khi loại thứ hai củng cố phản ứng miễn dịch.

Kết quả thử nghiệm trên hơn 16.000 người Thái Lan khỏe mạnh ở độ tuổi trung bình 18-30 trong 3 năm cho thấy vắc-xin cắt giảm 31,2% nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy hiệu quả phòng bệnh còn khiêm tốn và vắc-xin hoàn toàn không có tác dụng gì với lượng HIV trong máu bệnh nhân AIDS nhưng giới nghiên cứu cho rằng đó là bằng chứng đầu tiên cho thấy nhân loại có khả năng sở hữu thuốc chủng ngừa HIV/AIDS an toàn và hiệu quả.

Tuy vậy, vắc-xin do Bộ Y tế Thái Lan chủ trì thử nghiệm với sự tài trợ của chính phủ Mỹ lại không “cao cấp” bằng thuốc chủng ngừa AGS-004 được giới thiệu tại Hội nghị Vắc-xin phòng chống AIDS diễn ra tại Paris cuối tháng 10-2009. Được đặc chế từ vi-rút của người nhiễm HIV dương tính và tế bào miễn dịch, chế phẩm của hãng Argos Therapeutics (Mỹ) có thể giảm được lượng vi-rút trong máu đồng thời cải thiện chức năng miễn dịch, giúp cơ thể người bệnh kiểm soát sự lây nhiễm của HIV tốt hơn. Vắc-xin AGS-004 đặc biệt ở chỗ là nó có khả năng tối đa hóa phản ứng miễn dịch đối với HIV tùy theo thể trạng miễn dịch của từng người bệnh. Làm được vậy bởi nó có sự kết hợp giữa tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân với mã RNA thông tin (RNA mã hóa và mang thông tin từ ADN) từ HIV của chính người đó.

Kết quả thử nghiệm trên 16 bệnh nhân được tiêm vắc-xin sau 12 tuần ngưng dùng liệu pháp kháng vi-rút (ARV) cho thấy 81% có lượng vi-rút trong máu thấp hơn so với mức trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV. Lượng vi-rút giảm bình quân khoảng 80% trong khi phản ứng của tế bào miễn dịch CD8 - được cho đóng vai trò chủ chốt trong phản ứng miễn dịch đối với HIV - trở nên mạnh mẽ hơn sau khi được tiêm vắc-xin. Vắc-xin không gây tác dụng phụ nào đáng lo ngại. Dự kiến năm 2010, Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ sẽ tài trợ cuộc thử nghiệm với qui mô lớn hơn.

Năm qua Chương trình sáng chế vắc-xin AIDS quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) đã phát hiện thêm 2 loại kháng thể cực mạnh có khả năng tiêu diệt HIV. Nếu như các kháng thể chống HIV trước đều khó có thể giúp phát triển thành vắc-xin thì hai kháng thể PG9 và PG16 mở ra triển vọng mới trong việc điều chế vắc-xin chống AIDS. Bởi kháng thể chống HIV mới phát hiện không giống các kháng thể khác ở chỗ chúng vô hiệu hóa một lượng lớn trong số nhiều chủng HIV đang tồn tại trên thế giới. Điều lạc quan là qui trình nghiên cứu dẫn tới khám phá ra PG9 và PG16 có nhiều khả năng cho phép phát hiện thêm nhiều kháng thể khác, tìm thêm những “gót chân Achilles” (điểm yếu) của HIV để cho ra đời chủng vắc-xin hiệu quả nhất.

“Giải giáp” prôtêin Notch mở ra triển vọng điều trị ung thư máu. Ảnh: BBC 

Có thể tống khứ HIV ra khỏi cơ thể một cách triệt để được không? Câu trả lời hiện nay là có thể. Các nhà khoa học Ý có thể làm cho HIV ẩn núp trong tế bào phát lộ để triệt tiêu hoàn toàn. Sở dĩ, bệnh AIDS đến nay vẫn bất khả trị là do HIV có khả năng núp bên trong tế bào và âm thầm lây nhiễm. Tuy nhiên, thách thức là làm sao để HIV lộ diện nhưng không đồng thời làm các tế bào miễn dịch “thức giấc”. Có một phương pháp đó là ức chế histone deacetylase (HDAC), men đóng vai trò chính trong việc duy trì sự tồn tại của HIV bên trong các tế bào “say ngủ”. Sau hơn 5 năm thử nghiệm với nhiều loại thuốc khác nhau, cuối cùng các chuyên gia Viện Superiore di Sanita ở Rome tìm được một liệu pháp cho kết quả khả quan. Đó là sử dụng thuốc chống ung thư entinostat (MS-275) liều thấp kết hợp với buthionine sulfoximine, dược phẩm trị ung thư đang được thử nghiệm. Cách này có thể khiến tất cả HIV núp trong tế bào lộ diện ra ngoài và tiêu diệt chúng mà không gây độc cho cơ thể. Liệu pháp này sắp được triển khai thử nghiệm trên động vật, mở ra triển vọng loại bỏ hoàn toàn vi-rút gây bệnh AIDS ra khỏi cơ thể người.

* Nhiều khả năng khống chế “sát thủ số 2”

Là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên thế giới sau bệnh tim mạch, ung thư không chỉ là một bệnh mà là tổ hợp của hơn một trăm căn bệnh, có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể. Nhóm bệnh cướp đi mạng sống của gần 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm và ước tính tăng lên 11,5 triệu người vào năm 2030 này có 2 đặc điểm chính: đó là sự phát triển không thể kiểm soát của tế bào trong cơ thể và khả năng những tế bào này lan khắp cơ thể. Nếu quá trình di căn không thể chặn đứng, ung thư có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh.

Trung tuần tháng 11-2009, Đại học Harvard và Viện Ung thư Dana-Farber (Mỹ) loan báo bước đột phá có thể mở ra hướng điều trị hoàn toàn mới đối với ung thư máu và nhiều dạng ung thư khác. Đó là cách vô hiệu hóa prôtêin Notch nổi tiếng “bất trị” và đóng vai trò chủ chốt trong nhiều dạng ung thư như ung thư máu, phổi, buồng trứng, tụy và đường tiêu hóa. Prôtêin này đảm nhận việc đóng/mở các gien, kiểm soát quá trình phát triển của các tế bào bình thường trong cơ thể đồng thời điều tiết quá trình tăng trưởng của khối u ung thư. Sau khi phát hiện được yếu điểm trên cấu trúc của Notch, các nhà khoa học bào chế và thử nghiệm trên chuột một loạt prôtêin tổng hợp, và kết quả: có một prôtêin có khả năng phá vỡ chức năng của Notch, qua đó hạn chế được sự phát triển của tế bào ung thư.

Trước nay, hơn 50% bệnh nhân ung thư đều phải kết hợp xạ trị để làm teo khối u và ngăn nó di căn. Tuy nhiên, lượng phóng xạ tiêu diệt tế bào ung thư cũng có thể hủy hoại các tế bào lành tính, gây ra những tác dụng phụ như nôn ói, loét da, nổi ban đỏ, yếu sức và mệt mỏi. Đó là chưa nói, hệ miễn dịch cũng có thể bị tổn hại, ảnh hưởng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ ở Đại học Pittsburgh đã tìm ra được một giải pháp bảo vệ tế bào khỏe mạnh khỏi ảnh hưởng của xạ trị đồng thời đẩy nhanh quá trình tự hủy của khối u ung thư. Họ phát hiện sử dụng kháng thể ức chế hoạt động của prôtêin TSP1/CD47 đã giúp các tế bào ở heo và chuột miễn dịch với một lượng phóng xạ rất lớn. Khi TSP1/CD47 bị khống chế nó cũng đồng thời ức chế hệ thống phòng vệ của tế bào ung thư khiến chúng dễ bị chất phóng xạ tiêu hủy hơn. Liệu pháp mới này - phát huy tác dụng trên tế bào da, cơ, tủy xương - hứa hẹn có thể được đưa vào áp dụng trong 5 năm tới.

Ung thư phổi đến nay vẫn là dạng ung thư gây tử vong cao nhất ở nam giới và thứ hai ở nữ giới. Nguy hiểm nhất là ung thư phổi tế bào nhỏ với tỷ lệ tử vong tới 97%. Các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu thành công loại thuốc có khả năng phá hủy khối u không thể phẫu thuật được trong phổi bằng cách phong tỏa sự phát triển của tế bào ung thư và cuối cùng buộc chúng “tự sát”. Dược phẩm mới triệt tiêu tất cả dấu vết của ung thư mà không gây ra tác dụng phụ nào trên hơn 50% số chuột được thử nghiệm. Thuốc cũng có tác dụng ngăn khối u phát triển trở lại và hỗ trợ các phương pháp hóa trị khác để hiệu quả chữa trị đạt cao hơn. Giáo sư Michael Seckl - trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Luân Đôn - cho biết nếu thử nghiệm thành công trên người, thuốc có thể giúp bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ sống lâu hơn 5-10 năm.

Bệnh nhân ung thư vú ngoài nỗi đau bệnh tật còn mang nỗi đau ít biết tỏ cùng ai, đó là khi “niềm tự hào của phái đẹp” bị cắt bỏ. Hiện nay, y học tái tạo ngực bằng cách cấy thẳng mô mỡ vào khu vực có tế bào ung thư. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công không cao do không đảm bảo được lượng máu cung cấp cho mô cấy. Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc, các nhà khoa học Ý đã phát triển và thử nghiệm thành công phương pháp tái tạo mô tế bào ngực của bệnh nhân ung thư vú mà không cần phẫu thuật. Theo đó, tế bào gốc từ mô mỡ trong ngực bệnh nhân sẽ được trích xuất và cấy vào khu vực bị ung thư. Tế bào gốc sẽ tạo điều kiện để mô tế bào phát triển và nuôi sống bằng máu từ các mao mạch trong ngực người bệnh. Trong 2 năm qua, 80 phụ nữ đã được thử nghiệm liệu pháp này với ngực được tái tạo trông tự nhiên và có tính thẩm mỹ cao. Được biết, năm 2010 liệu pháp tương tự, do các chuyên gia Úc phát triển, cũng sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người sau khi thử nghiệm trên heo đầu tháng 11 vừa qua cho kết quả mỹ mãn.

* Chạy đua phát triển vắc-xin cúm A(H1N1)

Sản xuất vắc-xin ngừa cúm A(H1N1) tại Công ty Sinovac. Ảnh: Xinhua 

Chỉ một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố cúm A(H1N1) trở thành đại dịch (11-6-2009), tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Novartis AG loan báo đã sản xuất thành công mẻ vắcxin ngừa vi-rút cúm A(H1N1) đầu tiên, sớm hơn dự kiến vài tuần. Vắc-xin này được bào chế tại một chi nhánh của Novartis ở Marburg (Đức). Đến đầu tháng 8-2009, hãng này đã tiến hành đợt thử nghiệm vắc-xin đầu tiên cho 6.000 người tại Anh, Đức và Mỹ. Theo kế hoạch, Novartis sẽ bắt đầu phân phối loại vắc-xin này vào đầu năm 2010. Trong khi đó, Sinovac (Trung Quốc) đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới được cấp phép sản xuất vắc-xin phòng ngừa cúm A(H1N1), tên là Panflu.1, sau khi vượt qua qui trình kiểm nghiệm của Cục Quản lý Dược - Thực phẩm. Kết quả cuộc thử nghiệm trên 1.600 tình nguyện viên cho thấy Panflu.1 đã tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể người, đủ để chống lại vi-rút H1N1 và không gây ra phản ứng nào nghiêm trọng.

WHO cho biết kết quả các cuộc thử nghiệm ở Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Australia... đều cho thấy vắc-xin phòng cúm A(H1N1) “an toàn và hiệu quả” như các loại vắc-xin cúm theo mùa khác. Các tác dụng phụ nếu có cũng chỉ ở dạng nhẹ như sưng đỏ chỗ tiêm, sốt, nhức đầu, đau cơ và hết hẳn sau 1-2 ngày.

Tại Việt Nam, Viện Pasteur TPHCM đã sản xuất thành công lô vắc-xin cúm A(H1N1) đầu tiên bằng kỹ thuật nuôi cấy trên tế bào vào đầu tháng 11-2009. Đây là công nghệ sản xuất vắc-xin tiên tiến hiện nay, với ưu thế vượt trội so với phương pháp truyền thống trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cho phép chủ động mọi nguyên liệu đầu vào, kiểm tra toàn diện và tự động hóa nhiều khâu trong quá trình sản xuất, do đó, nâng cao tính an toàn và chất lượng vắc-xin. Bên cạnh đó, nhà sản xuất có thể tạo ra một lượng vắc-xin lớn một cách nhanh chóng mà không phụ thuộc vào nguồn trứng gà sạch. Lô vắc-xin đầu tiên đang được sử dụng để tiến hành các thử nghiệm đánh giá tiền lâm sàng. Và trước khi đưa vào sản xuất đại trà, loại vắc-xin này phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm trên động vật và 3 giai đoạn thử nghiệm trên người.

Theo lộ trình nghiên cứu vắc-xin cúm A(H1N1) của Bộ Y tế, đến tháng 6-2010, nước ta sẽ hoàn thành việc sản xuất 3 mẻ vắc-xin với 10.000 liều, tiến hành thử nghiệm lâm sàng và phấn đấu đưa vào sử dụng trong mùa thu 2010. Nhưng trong khi chờ đợi vắc-xin do Việt Nam sản xuất ra lò, Bộ Y tế cho biết 1,2 triệu liều vắc-xin đầu tiên, được tài trợ thông qua WHO, sẽ được ưu tiên sử dụng cho phụ nữ có thai trên 3 tháng ở 63 tỉnh thành trên cả nước.

DIỆP MAI - THỤY TRÚC

Chia sẻ bài viết