Đảng Cộng hòa cuối cùng đã kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trong đó có ít nhất 52/100 ghế Thượng viện và nắm nhiều ghế nhất tại Hạ viện (233/435 ghế) kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Giới phân tích đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản sau đây dẫn tới thất bại nặng nề của đảng Dân chủ. Thứ nhất, cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh sự ủng hộ của cử tri dành cho Tổng thống Barack Obama liên tục giảm sút, xuống mức 38% so với thời kỳ đỉnh cao 83%-89% năm 2008. Nguyên nhân thứ hai do lực lượng cử tri hậu thuẫn phe Dân chủ, như phụ nữ độc thân, giới trẻ, gốc Mỹ-La-tinh và gốc Phi, đi bỏ phiếu thấp hơn nhiều so với các kỳ bầu cử trước, trong khi đảng Cộng hòa vận động được lượng cử tri ủng hộ hùng hậu. Nguyên nhân thứ ba là truyền thống bầu cử giữa nhiệm kỳ, cử tri Mỹ thường có thiên hướng ủng hộ đảng không nắm quyền Nhà Trắng. Nguyên nhân thứ tư là do đảng Cộng hòa - chính đảng chủ yếu gồm những người giàu có - đổ ra nhiều tiền bạc hơn nhằm thực hiện bằng được mục tiêu lật ngược thế cờ. Trung tâm Phản ứng Chính trị ước tính mức chi cho các cuộc bầu cử năm nay khoảng 3,9 tỉ USD và là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, trong đó phe Cộng hòa chiếm phần lớn.
Ngoài ra, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thông thường chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ, nhưng cuộc bầu cử năm nay còn được đánh giá như một cuộc bỏ phiếu "chấm điểm" cho chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng. Phe Cộng hòa và giới truyền thông thiếu thiện cảm với ông Obama ra sức thổi phồng bầu không khí Chiến tranh Lạnh trong quan hệ giữa Nga và phương Tây; nhóm vũ trang tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoành hành tại Iraq và Syrie; dịch Ebola ở châu Phi trở thành nguy cơ không chỉ đe dọa nước Mỹ mà còn là mối lo toàn cầu; sự nhượng bộ của Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân với Iran; tiến trình hòa đàm Israel-Palestine tiếp tục rơi vào bế tắc
Họ còn liên tục cáo buộc chính quyền Obama làm suy yếu vai trò "lãnh đạo toàn cầu" của nước Mỹ khi không thể hành động mạnh mẽ giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới, kể cả bằng sức mạnh quân sự.
Aaron David Miller, cựu cố vấn về Trung Đông của Mỹ cho rằng "với quyền lực bị suy giảm mạnh, Tổng thống Obama sẽ bị thế giới nhìn như con vịt què phải bơi trong những dòng nước xiết tại Washington". Có thể nói, sự thắng thế của phe Cộng hòa đã thu hẹp không gian hoạt động của Tổng thống Obama, buộc Nhà Trắng phải điều chỉnh các chính sách đối nội lẫn đối ngoại, nhưng theo giới phân tích sự điều chỉnh ấy nếu có cũng sẽ không tạo ra sự chuyển hướng đột ngột. Tổng thống Obama vẫn có thể dùng quyền hành pháp để phủ quyết các dự luật do phe Cộng hòa đề xuất gây bất lợi cho vai trò lãnh đạo, điều hành của ông. Có lẽ vì thế mà sau khi nhận kết quả thất bại, dù cam kết hợp tác với các nghị sĩ Cộng hòa nhưng Tổng thống Obama cũng không quên cảnh báo sẽ bảo vệ chương trình nghị sự cốt lõi của ông. Lời tuyên bố có thể là dấu hiệu báo trước cho những màn đấu khẩu nảy lửa giữa Nhà Trắng với Đồi Capitol trong hai năm tới.
KIẾN HÒA