29/03/2012 - 21:25

Cùng cứu hành tinh với giờ Trái đất 2012

Được xem là sự kiện môi trường lớn nhất lịch sử, phong trào Giờ Trái đất năm 2012 sẽ xoáy sâu vào chủ đề “I Will If You Will” (tạm dịch: Tôi sẽ làm nếu bạn làm) nhằm gửi đến mọi người thông điệp, rằng ai cũng có khả năng thay đổi thế giới mình đang sống.

Thêm một bước tiến dài của Giờ Trái đất

Hãy góp một phần nhỏ của mình để cứu lấy Trái đất. Ảnh: Lifestyle Asia 

Giờ Trái đất là sự kiện do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (World Wildlife Fund for Nature - WWF) phát động nhằm kêu gọi mọi người tắt hết đèn trong 1 giờ vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm. Giờ Trái đất năm 2012, rơi vào ngày 31-3, được đánh giá là đã có một bước tiến dài khi không chỉ khuyên mọi người tiết kiệm điện mà còn trao cho họ cơ hội tham gia vào các biện pháp cứu lấy môi trường thế giới.

Theo ông Andy Ridley - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Giờ Trái đất, chiến dịch “I Will If You Will” sẽ dùng đến những đoạn phim trên YouTube để truyền tải thông điệp mang tính chất vấn “Bạn sẽ làm gì để cứu lấy hành tinh?”. Qua đó, chiến dịch kêu gọi mọi người hãy “rỉ tai” bạn bè, người thân, láng giềng, đồng nghiệp... phải có hành động để bảo vệ môi trường sống, không chỉ trong Giờ Trái đất mà còn ở mọi lúc, mọi nơi. Những việc làm để cứu lấy Quả đất không cần quá lớn lao, khó thực hiện mà chỉ là những hành động nhỏ như tái chế phế liệu, sử dụng bóng đèn ít hao điện, tiết kiệm giấy nơi văn phòng...

Châu Á đa dạng các hoạt động hưởng ứng

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phong trào Giờ Trái đất ngày càng có sức ảnh hưởng to lớn. Ở nhiều nước, chuyện tắt đèn trong 1 giờ không chỉ diễn ra vào Giờ Trái đất mà trở thành thói quen vào mỗi tối thứ bảy nhằm giảm lượng tiêu thụ điện.

Úc và Trung Quốc được xem là 2 quốc gia hưởng ứng phong trào Giờ Trái đất tích cực nhất, một phần cũng bởi lực lượng dân số hùng hậu của mình. Dù chỉ bắt đầu “du nhập” phong trào Giờ Trái đất từ năm 2009, nhưng Trung Quốc đã tận dụng sự kiện này để thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, tại tỉnh Liêu Ninh, chính quyền đã mạnh tay chi tiền để trồng thêm 3,4 triệu cây xanh. Chính quyền thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên cũng “ghi điểm” với người dân khi mua 50.000 chiếc xe đạp để cho thuê với giá rẻ tại 1.000 điểm thuê trên thành phố. Tứ Xuyên cũng tranh thủ dịp này để xúc tiến công tác dọn dẹp, làm sạch các dòng sông trong khu vực.

Tại Úc – khởi điểm của phong trào Giờ Trái đất, hoạt động này cũng được thực hiện ráo riết không kém. Các đoàn thể, tổ chức ở xứ chuột túi vẫn thường cạnh tranh nhau để trở thành đơn vị được đánh giá là “thân thiện môi trường nhất”. Tại một số nước như Iraq và Bhutan, người dân cũng đã nhận thức được nhiệm vụ bảo vệ môi trường nên đã chủ động kêu gọi chính phủ tham gia vào Giờ Trái đất năm nay.

Không chỉ gói gọn bên trong phạm vi Hành tinh Xanh, Giờ Trái đất năm 2012 còn được đem ra ngoài vũ trụ. WWF cho biết việc các thành phố “sống trong bóng tối” 1 giờ sẽ được theo dõi từ Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Ông Andre Kuipers - đại sứ Giờ Trái đất ngoài không gian – cho biết sẽ ở tại ISS để quan sát hành tinh của chúng ta trong thời điểm tắt hết điện vào thứ bảy tới.

BẢO NGỌC
(Theo SMH, CBN News, World Wildlife.org)

Chia sẻ bài viết