11/08/2015 - 22:04

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

Biến động tăng giảm thất thường cả về chỉ số và thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) trong 2 tháng qua trong khi kinh tế vĩ mô vẫn tăng trưởng ổn định đã nói lên tâm lý của nhà đầu tư còn nhiều bất ổn và cấu trúc nhà đầu tư chưa thật sự hợp lý, cũng như thị trường chưa có nhiều hàng hóa chất lượng cao được niêm yết trên 2 sàn giao dịch chính thức.

Giao dịch thất thường

Trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2015, TTCK đã có nhiều phiên giao dịch đầy sôi động. Cả chỉ số VN-Index và thanh khoản trên 2 sàn cũng tăng cao đột ngột. Chỉ số VN-Index đã tăng mạnh từ mức 530 điểm vào tháng 5 lên đến 639 điểm vào đầu tháng 7-2015. Thanh khoản cũng liên tục được đẩy lên cao nhanh chóng, có rất nhiều phiên thanh khoản 2 sàn đạt trên 4.000 tỉ đồng, phiên cao nhất đạt đến 4.400 tỉ đồng, mặc dù trước đó hơn một tháng con số này chỉ là từ 1.300 đến 2.000 tỉ đồng một phiên. Đến giữa tháng 7-2015 thị trường đột ngột sụt giảm thanh khoản. Cụ thể, phiên giao dịch ngày 14-7 thanh khoản hai sàn đạt xấp xỉ 4.000 tỉ đồng thì sang ngày 16-7 thanh khoản 2 sàn chỉ đạt khoảng 2.600 tỉ đồng hay phiên giao dịch ngày 28-7 thanh khoản 2 sàn đạt hơn 3.700 tỉ đồng thì sang ngày 29-7 con số này chỉ còn hơn 2.500 tỉ đồng. Thanh khoản tăng giảm đột ngột cũng kéo theo biến động chỉ số VN-Index tăng giảm thất thường. Trong 2 tháng qua thị trường thường xuất hiện nhiều phiên tăng rất mạnh, có phiên tăng trên 13 điểm, nhưng cũng có phiên giảm đến 12 điểm. Đặc biệt, có những phiên giữa phiên giảm đến hơn 15 điểm, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. Trong phiên giao dịch đầu tháng tám vừa qua, thị trường đã chứng kiến một phiên giảm rất mạnh với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn vì liên quan đến đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii (Mỹ) chưa kết thúc được như kỳ vọng, mặc dù nhiều nhà đầu tư đều biết rằng trước sau gì đàm phán TPP cũng được nối lại. Chốt tuần giao dịch đầu tiên của tháng tám, chỉ số VN-Index đã giảm về mức quanh 600 điểm từ mức 639 điểm trước đó 2 tuần và thanh khoản 2 sàn nhiều phiên đã lùi về mức 2.100 tỉ đồng.

Ổn định thị trường bằng cách nào ?

"Tâm lý bầy đàn" của nhà đầu tư trên thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường biến động thất thường trong thời gian vừa qua. Để khắc phục phải cần một thời gian rất dài cơ cấu lại cấu trúc nhà đầu tư. Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán nhưng gần 90% trong số đó là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư có tổ chức (công ty, quỹ) chỉ chiếm số lượng rất ít. Đây là điểm đặc thù khác biệt của TTCK Việt Nam so với thị trường chứng khoán của các nước phát triển khác trên thế giới. Ưu điểm của nhà đầu tư cá nhân là ra quyết định đầu tư hoặc rút khỏi thị trường nhanh chóng, nhưng nhược điểm là không có sự phân tích kỹ lưỡng, bài bản như các nhà đầu tư có tổ chức nên dễ dẫn đến hành động đầu tư theo "tâm lý bầy đàn", chạy theo đám đông. Để có được ngày càng nhiều nhà đầu tư có tổ chức trên TTCK Việt Nam, cần phải có chính sách tốt về thuế liên quan đến lĩnh vực đầu tư tài chính, đầu tư cổ phiếu, cải cách thủ tục, điều kiện để thành lập quỹ, công ty đầu tư tài chính, mở rộng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại (room), phát triển thị trường chứng khoán phái sinh v.v.. Vì các chính sách hiện có chưa khuyến khích nhà đầu tư chuyển từ tài khoản đầu tư cá nhân sang tài khoản nhà đầu tư có tổ chức.

Bên cạnh đó, sự biến động thất thường của thị trường còn do cơ cấu hàng hóa niêm yết và cách tính chỉ số VN-Index còn chưa hợp lý. Thị trường hiện chưa có nhiều hàng hóa có chất lượng tốt được niêm yết. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đang mòn mỏi chờ đợi những cổ phiếu tốt sẽ được niêm yết lên sàn như: Bảo vệ Thực vật An Giang, Vietnam Airlines, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Hóa chất,... đã chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) từ lâu nhưng vẫn chưa chịu niêm yết trên sàn chính thức. Hay như Mobifone, VNPT, các cảng hàng không, các cảng biển, vận tải biển,... vẫn chưa được IPO, mặc dù các "đại gia" này đã nằm trong kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ. Một số mã chứng khoán có số lượng cổ phiếu niêm yết nhiều, vốn hóa lớn nhưng giao dịch ít dẫn đến dễ bị chi phối của một nhóm nhà đầu tư lớn để điều khiển chỉ số VN-Index theo ý đồ riêng như: VCB, GAS, MSN, BVH,... Với tổng mức vốn hóa trên sàn HOSE khoảng 1,2 triệu tỉ đồng thì riêng VCB đã có vốn hóa lên đến hơn 135 ngàn tỉ, chiếm xấp xỉ 11% và tổng 3 cổ phiếu đứng đầu là VCB, VNM, GAS đã chiếm hơn 30% vốn hóa của sàn HOSE. Đặc biệt, ngày 25-5-2015, CTG đã đưa vào niêm yết thêm 2,4 tỉ cổ phiếu, nâng lượng cổ phiếu niêm yết của ngân hàng này lên 3,72 tỉ cổ phiếu, nhiều nhất trên 2 sàn, nhưng đây thực chất là số lượng cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ và hoàn toàn không có giao dịch bán ra trên thị trường. Nhóm cổ phiếu này chiếm trọng số rất lớn trong cách tính chỉ số VN-Index nên nhà đầu tư thường gọi là nhóm "cổ phiếu trụ". Do đó, việc tăng giảm thất thường của nhóm cổ phiếu này làm ảnh hưởng mạnh đến chỉ số VN-Index và làm cho nhà đầu tư càng bất an, mất niềm tin khi thị trường có biến động rất lớn. Để khắc phục tình trạng này cần phải tăng cường lượng cổ phiếu giao dịch của nhóm "cổ phiếu trụ" và tăng cung hàng hóa chất lượng cao cho thị trường niêm yết cũng như việc IPO các doanh nghiệp lớn của Nhà nước cần thực hiện một cách thực chất hơn, tránh việc IPO mà lượng cổ phiếu bán ra công chúng chỉ chiếm từ 3-10% như một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong thời gian vừa qua.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết