09/11/2022 - 08:15

Cung cấp thực đơn đủ chất cho bà bầu 

THU SƯƠNG

Theo quan niệm dân gian, thai phụ cần ăn gấp đôi để đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, bổ sung về chất quan trọng hơn lượng. Ðồng thời, cần cân đối khẩu phần ăn với các thành phần dinh dưỡng phù hợp thể trạng của thai phụ, giúp chị em có một thai kỳ khỏe mạnh.

BV Phụ sản TP Cần Thơ cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho thai phụ. Ảnh do BV cung cấp

Thai phụ Ng.Tr (ở quận Ninh Kiều) mang thai 14 tuần nhờ bác sĩ tư vấn, có cần phải ăn gấp đôi để nuôi em bé trong bụng. Theo BS Phan Thị Bé Hằng, khoa Dinh dưỡng tiết chế BV Phụ sản TP Cần Thơ, thai phụ cần thiết bổ sung dinh dưỡng trong thai kỳ, để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, khẩu phần ăn đủ chất quan trọng hơn về lượng. Ăn nhiều quá có thể khiến thai phụ tăng cân nhanh, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý trong thai kỳ.

Một thai phụ khác nhờ bác sĩ tư vấn về tình trạng ốm nghén trong 3 tháng đầu, sợ bào thai bị suy dinh dưỡng. Theo BS Bé Hằng, các bà bầu đa phần bị ốm nghén giai đoạn đầu, nhưng không quá đáng lo vì cơ thể sử dụng năng lượng dự trữ trước khi mang thai. Ðể giảm bớt các triệu chứng khó chịu, mẹ bầu giã nhỏ gừng tươi pha với nước ấm, uống trước bữa ăn 30 phút. Chị em cũng hạn chế ăn các thức ăn quá béo, quá chua, mùi vị cay nồng gây kích thích dạ dày. Khi bị nôn ói nhiều, thai phụ chú ý bổ sung thêm nhiều nước để tránh rối loạn điện giải. Ngoài ra, cần vận động nhẹ nhàng, mát-xa cơ thể, ăn các loại bánh mì khô, bánh quy có thể cải thiện tình trạng ốm nghén.

Một số thai phụ bị chuột rút trong thai kỳ, đi lại rất khó khăn. Theo bác sĩ, em bé trong bụng ngày càng lớn, tạo áp lực lên cơ chân, đồng thời chèn ép thần kinh tủy sống và các mạch máu, là nguyên nhân khiến mẹ bầu tê chân. Ngoài ra, tình trạng ốm nghén, nôn ói, rối loạn điện giải cũng gây triệu chứng tê chân cho thai phụ.

Trong chương trình tiền sản trực tuyến do BV Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức, BS Phan Thị Bé Hằng, khoa Dinh dưỡng tiết chế BV cho biết, vấn đề dinh dưỡng trong thai kỳ vô cùng quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng phụ nữ mang thai suy dinh dưỡng, thiếu máu ở nước ta khá cao. Những bà mẹ này đối mặt với nguy cơ sinh khó, tiền sản giật, tử vong mẹ và tử vong bào thai, suy dinh dưỡng bào thai cao hơn so với bà mẹ khỏe mạnh. Những đứa trẻ sinh ra cũng có nhiều nguy cơ dinh dưỡng thể thấp còi. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của lối sống hiện đại, các bệnh về rối loạn chuyển hóa có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường chiếm tỷ lệ từ 2-10% thai phụ. Theo thống kê năm 2018 tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, có 8,8% chị em bị đái tháo đường. Ðường huyết trong thai kỳ không được kiểm soát tốt gây ra nhiều vấn đề đối với bà mẹ. Ðó là các biến chứng thường gặp, như tiền sản giật, sản giật cao gấp 4 lần so với người bình thường; nhiễm trùng, băng huyết sau sinh, khó sinh, sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối gây nguy hiểm đến mẹ và bé. Ðái tháo đường thai kỳ cũng ảnh hưởng đến thai nhi, gây hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, các bé có mẹ bị thừa cân và đái tháo đường trước khi mang thai có nguy cơ thừa cân cao gấp 3,5 lần so với những bé khác. Thai nhi có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch. Trẻ sơ sinh bị hội chứng suy hô hấp, vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh.

Vì những lý do trên, khoa Dinh dưỡng - tiết chế, BV Phụ sản TP Cần Thơ đã xây dựng chế độ ăn nội viện cho các sản phụ sinh tại BV, trong đó có chế độ ăn dành riêng cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ. Các suất ăn đều được phục vụ đầy đủ các bữa chính và bữa phụ (3 bữa chính và 3 bữa phụ) trong ngày nhằm hỗ trợ việc kiểm soát tốt đường huyết cho thai phụ có bệnh lý đái tháo đường.

BS Bé Hằng cho biết, khi thai phụ nhập viện, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của thai phụ, về thể trạng, tốc độ tăng cân, các bệnh mắc phải, những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa... Theo đó, bác sĩ xây dựng chế độ ăn với mức năng lượng phù hợp. Với những trường hợp nguy cơ, bác sĩ dinh dưỡng hội chẩn với các bác sĩ sản khoa, nội khoa để có phác đồ can thiệp dinh dưỡng sớm, hiệu quả cho thai phụ. Bên cạnh việc kiểm soát tốt các thành phần dinh dưỡng, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế cũng kiểm soát chặt nguồn thực phẩm cung cấp vào bếp ăn, theo quy trình đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm.

BS Bé Hằng khuyến cáo, các mẹ bầu muốn có thai kỳ khỏe mạnh, cần ăn uống đa dạng, tăng cân phù hợp từng giai đoạn. Ðồng thời, tiếp tục bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định. Mỗi ngày vận động nhẹ nhàng, từ 30 phút trở lên. Trong quá trình thăm khám thai định kỳ, chị em có thể đến BV Phụ sản TP Cần Thơ để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn cân bằng, phù hợp cho thai phụ.

Chia sẻ bài viết