05/12/2021 - 14:20

Cung cách xưng hô của người Nam Bộ 

Cung cách giao tiếp, xưng hô của người Nam bộ chẳng những vô cùng phong phú mà còn thể hiện rất rõ nét cá tính của miền Nam. Tùy theo từng đối tượng mà người Nam Bộ có cách xưng phù hợp, đồng thời có những nét riêng thể hiện sắc thái tình cảm đa dạng.

Với vợ chồng, có nhiều cách xưng hô, tùy người và tùy đặc trưng địa phương... Ảnh: DUY KHÔI

Với vợ chồng, có nhiều cách xưng hô, tùy người và tùy đặc trưng địa phương... Ảnh: DUY KHÔI

Ở ngôi thứ nhất, đối với người khác, thì người Nam Bộ có vô vàn cách xưng. Đối với người ngang hàng thì là tôi, tui, ta, già, lão, mình… Đối với con thì xưng là cha/ba, mẹ; cũng có không ít gia đình do giao thoa với người Hoa Triều Châu mà xưng là tía, má. Đối với con “xấu háy” (sợ khó nuôi) thì xưng anh/cậu/dượng, mợ/dì… Đối với cháu thì lấy cương vị của mình mà xưng như ông, bác, chú, cậu, dượng…; bà, dì, mợ, thím, cô… Hoặc dùng thứ của mình mà xưng và cháu cũng gọi lại như thế. Thí dụ như “Nồi canh nầy Út nêm đó, con ăn coi vừa miệng hông?”; “Bà con dưới quê mình cũng mạnh giỏi hết hả Út?”. Đối với em thì xưng anh, chị, qua, tao... Nhà giáo xưng với học sinh là thầy, cô và gọi lại bằng trò; đối với học trò học nghề, người thầy thân mật xưng theo vai vế, tức như quan hệ bình thường xã hội.

Trong mối quan hệ tình cảm, hoặc vợ chồng, tùy trường hợp cụ thể, thái độ tình cảm, thân hay sơ, lâu năm hay mới cưới… mà cả hai đều xưng gọi với nhau là tôi, tui, mình… Ngay từ xưa, phân biệt thì người nam xưng với người nữ là anh, qua; rồi gọi là nàng, bậu, em bậu, cô. Người nữ xưng với người thương là em, thiếp; gọi đối tượng là anh, chàng. Vợ chồng mới lập gia đình, trò chuyện nhau rất mắc cỡ nên thường hay nói trổng, dạn miệng hơn một chút thì dùng hai tiếng “người ta”. Khi đã có con thì họ mượn tên đứa con lớn mà gọi nhau, chẳng hạn: “Ba con Thắm”, “Mẹ thằng Sơn”… Dù đã sinh năm, bảy đứa cũng cứ như thế. Nhưng khi người con ấy đã trưởng thành hoặc có gia đình thì không còn gọi như vậy nữa, vả lại lúc ấy vợ chồng cũng đã lớn tuổi, do đó sửa cách xưng gọi là “Tía nó”, “Má sắp nhỏ”, thí dụ: “Trời nắng chang chang, tía nó có đi đồng thì nhớ đội nón!”; “Má sắp nhỏ nhắc tui mới nhớ!”. Họ cũng gọi tôn nhau bằng những tiếng ông/bà, thí dụ: “Hồi nảy bà đi chợ mà hổng mua vài trái bắp nấu, cạp chơi!”, trả lời “Sao ông hổng dặn, ai mà biết!”. Không chỉ các cụ mới ngọt ngào gọi nhau bằng “mình” như câu ca dao “Con cá làm ra con mắm / Vợ chồng già thương lắm mình ơi!”, mà những cặp vợ chồng còn son cũng không khác “Bấy lâu em còn nghi còn ngại / Bữa nay em kêu đại bằng mình / Phụ mẫu hay đặng không lẽ đánh mình, giết em?”.

Bạn bè, trang lứa gọi mầy, xưng tao là chuyện thường tình; nhưng một điểm đặc biệt là trai gái khi đã phải lòng nhau và cả đến vợ chồng cũng “mầy, tao”, thậm chí cho rằng như vậy mới… tình.  Điều đó thể hiện qua loạt ca dao “Ngày nào tui kêu mình đặng bằng mầy / Gối luông chung gối, dạ nầy mới vui!”, hay “Ra đường võng giá nghênh ngang / Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mầy? / Cám rang tao để cối xay / Hễ chó ăn hết thì mầy biết tao!”, hoặc “Ví dầu chồng thấp vợ cao / Qua kinh, nước lớn cõng tao bớ mầy!”, rồi có “Cơm sôi bớt lửa bớ mầy / Kẻo không gạo nhão má rầy tới tao”... Phải đâu chỉ các chàng mới như thế! Các cô cũng thổ lộ “Chữ tình dán tại cây cau / Tao nghe má nói gả tao cho mầy”. Vậy nhưng trong chuyện trò với người khác, khi cần đề cập đến chồng mình thì nói rất ngọt ngào “Anh nầy” hay “Ông nhà tui”. 

Ở ngôi thứ hai, tùy cương vị mà có những cách gọi như: ông, ông lão, bà, bà lão, cụ, vị, tụi, mầy, mậy, bây (bay), bậu, bồ, bạn... Đặc biệt, đối với làm mướn cho mình như chèo ghe mướn thì cũng xưng và gọi là “bạn”: “Em biểu anh đừng có làm bạn ghe chài / Cột buồm cao, bao lúa nặng, tấm đòn dày khó đi”. Còn đối với kẻ ăn người ở trong nhà, thay vì gọi đầy tớ thì nói trại là thầy tớ để nhằm giúp người làm công bớt mặc cảm.

Xưng gọi thì tùy vai vế mà gọi là anh, chị, em, con, cháu, cưng, ngươi, chú mầy, cậu mầy…. Hoặc gọi tên, hay chỉ gọi thứ như Hai (người Nam Bộ không gọi thứ Cả, mà gọi lớn nhứt là thứ Hai), Ba, Tư, rồi đến nhỏ nhất là Út… Có người, khi trực tiếp trò chuyện lại gọi người đang đối thoại với mình là anh Hai mầy, cô Năm mầy (có kèm theo tiếng mầy) thì phải hiểu đó là anh Hai, cô Năm của con, của cháu, chứ không phải của chính người ấy. Người lớn tuổi gọi con cháu, dâu rể là thằng Năm, con Ba hoặc thân mật hơn thì là mầy, bây. Đặc biệt, những người có vai vế lớn tỏ ra rất khiêm nhượng với kẻ dưới, chẳng hạn như người đáng tuổi cha, chú hoặc ông, có khi gọi con cháu (không phải bà con ruột) là em, tức nâng họ lên một bực để không quá cách biệt.

Ở ngôi thứ ba thì gọi là họ, nó, hắn, gã, y ta, ổng (ông ấy), bả (bà ấy), cổ (cô ấy)… và đặc biệt là cách gọi “nhà” để chỉ vợ hoặc chồng của người đang nói như “Món này nhà tôi nấu đó!”. Để chỉ cha mẹ mình, người ta hay nói ông già tôi, bà già tôi; hoặc ông già vợ, bà già vợ…; dù những người ấy chỉ mới trên dưới 40, ít ai “nói chữ” nhạc gia, nhạc mẫu vì nghe khách sáo. Trong xưng hô, người Nam Bộ không dùng tiếng cậu để gọi người nữ, mà dùng để gọi anh hoặc em trai của mẹ. Đó là “cậu lớn”. Nếu ở bậc cao hơn (cậu lớn của mẹ mình) thì gọi “ông cậu”, nhưng thường thì chỉ gọi ông là đủ. Và cũng gọi cậu nếu đó là người nam có quan hệ họ hàng bên ngoại hoặc bên vợ nhưng vai nhỏ, hoặc nếu nhỏ tuổi hơn mình, thì đó là “cậu em”. Tiếng chú cũng tương tự như thế, nhưng đó là những người có quan hệ họ hàng bên nội hoặc bên chồng.

Nếu số nhiều, tùy từng trường hợp mà thêm: các, mấy, chúng, tụi, bọn, đám, họ, sấp (sấp nhỏ), bầy (bầy trẻ)…

* * *

Người Việt ở cả ba miền đều cùng chung một ngôn ngữ có tính thống nhất ở mức độ cao. Tuy nhiên do sự phát triển đa dạng của lịch sử, điều kiện xã hội, phong thổ từng vùng miền, đặc điểm về lao động sản xuất gắn liền với hoàn cảnh sống, trong sinh hoạt đời sống, cùng với sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em tại từng địa phương... mà người Việt tiếp thu một số từ ngữ, cách xưng hô mới. Để rồi trong quá trình giao lưu, những từ ngữ ấy dần dần thâm nhập vào sinh hoạt đời sống, trở nên quen thuộc, làm cho vốn từ ngày càng phong phú và hoàn thiện về chức năng, cấu trúc. Ví dụ, sự phổ biến của những tiếng xưng hô trong giao tiếp của cộng đồng dân tộc Hoa, như “hia”, “chế”, “củ”… ở những nơi có nhiều bà con người Hoa sinh sống, tạo nên những nét riêng của cách xưng hô ở Nam Bộ trên nền chung của tiếng Việt. Theo dòng lịch sử, sự giao thoa, hòa nhập này không ngừng biến hóa, bổ sung và liên tục phát triển một cách tự nhiên. Điều này được sáng tạo nhanh và nhiều đến mức đôi khi sách vở chưa thể ghi chép được một cách đầy đủ.

Với yếu tố thời gian, cùng những tác động khách quan và chủ quan, nhất là trước sự chuyển biến tiến hóa không ngừng từng thời đại, ngôn từ cũng theo đó mà biến hóa, làm cho không ít từ/tiếng đã được Việt hóa. Từ đó, đời sau mới có thể nắm biết được đầy đủ các mặt sinh hoạt đời sống thế hệ cha ông. 

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết