18/10/2008 - 20:38

Của đời

Truyện ngắn của Nguyễn Kim

“Của đời cha mẹ để cho
Làm không ăn có của kho cũng rồi !”.

(Tục ngữ)

Theo thói quen, tôi hay đến thư viện thị xã vào buổi chiều thứ sáu vì cuối tuần thường có đủ loại báo mới. Nhưng lần này báo về chậm, tôi đành chọn một tờ tuần san phụ nữ để xem. Bốn, năm người khách quen mặt trong phòng vẫn cắm cúi đọc. Đến đây thường xuyên, tôi hầu như thuộc nằm lòng tính nết mỗi người. Này nhé: anh chàng gầy nhom cứ lăm lăm cây bút bi trên tay, chăm chăm lật xốc hết tờ báo này tới tờ báo khác để xem rồi đánh dấu, gạch dưới những tin tức, sự kiện chắc là quan trọng với vẻ hể hả, đắc ý như vị biên tập cần mẫn... Kề bên, là một anh trung niên râu rậm, sức vóc vạm vỡ, chủ quán thịt cầy bảy món nổi tiếng ở góc đường T.H.Đ yêu thơ vè, đang mím môi nắn nót sao chép, sưu tầm thơ vào cuốn sổ tay dày cộm. Tội nghiệp, thường thì hắn ngồi chưa nóng chỗ đã bị bà vợ nhỏ nhắn tới lôi về... đứng bếp. Ông cụ ngồi gần cửa sổ có lẽ là công chức hưu trí, chỉ xem hai tờ báo Nhân Dân và Nông Nghiệp, đúng 4 giờ là xếp báo về ngay để đón cháu học trường tiểu học bên kia đường. Tiếp đến là... Tiếng một người khách đứng xoay lưng chỗ bàn cô thủ thư khiến tôi chú ý bởi giọng nói nghe quen:

- Cô có loại sách chuyên về kinh nghiệm tiếp thị, đầu tư chứng khoán hay nghiên cứu về... tâm lý phụ nữ tuổi bốn mươi không ạ ?

- Dạ... không có ! anh chịu khó hỏi các quầy báo bên ngoài...

- Vậy thôi... cảm ơn cô nhé!

Khi anh ta bước ra cửa, tôi nhận ngay là Trí, người bạn hồi còn Trung học và lớn hơn tôi 2 tuổi. Thấy tôi, mừng rỡ, anh kéo tôi đứng lên:

- Lại quán “nhà” mình uống cà phê nói chuyện chơi, mấy khi gặp bạn cũ...

 

Dọc đường, tôi được nghe anh kể lại rằng trại bán gỗ của anh ở huyện Đông, hoạt động thu hẹp, chỉ nhận ký gởi chút ít mặt hàng thành phẩm thôi. Mấy năm không gặp, tôi hơi ngỡ ngàng bởi cách ăn mặc trẻ trung cùng cách nói năng huỵch toẹt của Trí. Chẳng bù ngày trước anh sống tằn tiện, kín đáo, ít quan hệ với ai ngoài khách đến mua bán. Tôi có việc tới nhà anh đôi lần và dù không chủ ý, nhận xét Diệp - vợ anh thật trái ngược tính anh. Chị ấy trông hơi kiêu kỳ, trang điểm lòe loẹt, xăm môi đỏ chót. Sau này tôi có nghe dư luận xầm xì nhiều bởi quan hệ phóng túng, thân mật quá đáng với nhiều đàn ông trong thị xã...

***

Cái quán lợp lá, trang trí giả cảnh quê nằm ven bờ hồ, Trí được hai cô chủ trên dưới tuổi ba mươi, trau chuốt phấn son, tươi mát trong bộ đồ hồng mỏng tiếp đón rất thân tình. Đợi họ mang thức uống ra xong, anh nheo mắt nhìn tôi nói nhỏ:

- Tôi... bảo trợ về vật chất cho hai chị em quán này! Các cô tên Mai, Cúc từ Sài Gòn về đây lập nghiệp và gặp tôi. Cũng là chỗ giải khuây thư giãn... đỡ sầu đời!

Ngạc nhiên trước sự thay đổi không ngờ của Trí, tôi hỏi:

- Thế còn... chị Diệp vợ anh đâu rồi?

Bóc gói thuốc lá, Trí đưa mời tôi với ánh mắt thoáng buồn:

- Đúng như anh nghe đấy! Ly dị hơn hai năm rồi... Uống cà phê đi rồi mình sẽ kể lại tường tận, cũng là để nhẹ bớt nỗi niềm...

...Sau khi cha mất, Trí được mẹ giao quản lý trại bán gỗ có tầm cỡ ở huyện, còn bà thì suốt ngày ở căn phòng trên tầng ba để đọc kinh, tụng niệm. Bà ăn chay trường, ngày rằm và mồng một hàng tháng là đến các chùa địa phương làm việc công đức, phát gạo giúp đỡ người nghèo. Chịu sự giáo huấn khe khắt của cha từ nhỏ và ảnh hưởng cuộc sống lặng lẽ của mẹ, nên Trí ít nói đến rụt rè. Vậy mà anh lại quen biết Diệp, một cô gái có nhan sắc nhưng mồm miệng lẳng lơ, đua đòi vật chất. Sau mấy lần tiếp xúc với cô, mẹ Trí tỏ vẻ không bằng lòng. Bà đã nghiêm nghị khuyên con “Mẹ không chê nhà Diệp nghèo, nhưng qua cách ăn nói và cử chỉ cô ta, mẹ dám nói chắc là tính nết Diệp quá nhiều ham muốn lại thiếu lòng nhân hậu. Sống chung rồi nó sẽ làm khổ con thôi!”. Trước nay vẫn một mực nghe lời mẹ, nhưng về chuyện này thì Trí cứ nằng nặc đòi cưới Diệp bởi lời nói ngọt ngào cùng vẻ ngoài hấp dẫn của cô đã hớp hồn anh. Ngăn cản mãi không được, mẹ anh đành chìu lòng đứa con trai duy nhất với hy vọng mình nhận định sai. Sau lễ cưới, Diệp bộc lộ dần bản tính tham lam, ích kỷ đến quá quắt. Sinh đứa con đầu lòng được hai tháng, Diệp chờ lúc thuận tiện bàn với Trí:

- Mẹ già rồi! Hay anh dò ý nếu được thì gởi mẹ vào ở hẳn trong chùa tĩnh tâm tụng niệm được phước hơn. Nhà mình mua bán bận rộn, xô bồ, tụng kinh gõ mõ càng thêm tội!

Trí vốn nhu nhược, vợ nhắc vài lần thì mềm lòng nên lựa lời nói cùng mẹ. Bà nổi giận, mắng cho hai vợ chồng một trận. Khi bình tĩnh lại, bà ôn tồn nói:

- Phần lớn tài sản mẹ còn cất giữ... Nếu vợ chồng con chí thú làm ăn, giữ đạo làm người thì mẹ sẽ giao cho hết. Bằng không, mẹ có cách lo liệu riêng!

Trí để bụng câu nói của mẹ. Anh biết rằng bà đang giấu số “của chìm” cha để lại. Thời gian sau, lợi dụng lúc bà đi chùa xa dài ngày, anh dùng chìa khóa riêng mở cái tủ gỗ lớn trong phòng mẹ. Ở ngăn trên, trong hộp bánh bích-quy xếp gọn 20 cây vàng lá và từ đáy tủ, chỗ kín đáo nhất anh moi ra bọc vải gói 50 lượng vàng nữa. Lóa mắt trước số tài sản lớn, Trí lên thành phố đặt thợ làm 50 lượng vàng mạ và đợi đến ngày rằm mẹ đi chùa vắng nhà, anh đánh tráo vào bọc vải ở đáy tủ. Số vàng trong hộp bánh bích - quy, anh để yên...

Kể tới đây, Trí vuốt mái tóc chớm bạc, nhíu mày:

- Thiên hạ đồn đãi việc mẹ tôi mất vàng, chắc anh có nghe?

Tôi nhẹ gật đầu, vừa lúc cô Mai, cô Cúc từ trong quầy đưa tay ngoắc anh, nhoẻn cười cất giọng nũng nịu:

- Cái đầu đĩa trục trặc hoài, anh vô xem giùm chút!

- Anh Trí ơi! chủ nhật tới đưa tụi em đi biển chơi nghen?

Nhìn Trí lăng xăng cạnh hai cô gái, tôi nhớ hình ảnh mẹ anh tóc bạc trắng khóc lóc, kể lể khản giọng ngoài đường phố như người mất trí lúc phát hiện mất số vàng đựng trong hộp bánh bích-quy. Trước đó một tuần, Trí đi Bình Dương và bất chợt trở về lúc nửa đêm bắt quả tang vợ mình đang ân ái cùng một gã lạ mặt. Hắn nhanh tay nện anh mấy đấm thẳng cánh bật ngửa rồi nhảy rào chuồn thẳng. Diệp xuống nước thú nhận sự không chung thủy bấy lâu nay và xin chồng tha thứ. Mềm yếu trước những giọt nước mắt, Trí tạm nuốt uất giận vào lòng và giấu biệt chuyện này với mẹ. Bảy ngày sau, Diệp nhân sơ hở vào phòng mẹ chồng cạy tủ lấy hộp vàng đi biệt...

...Mẹ Trí tiếc của, ức lòng không chịu ăn uống và ngã bệnh từ ngày ấy. Hai tháng sau, bà mất tại bệnh viện ở Sài Gòn. Trí đau đớn, nguyền rủa người đàn bà đã đem đau khổ đến gia đình mình mà quên rằng chính anh cũng là kẻ gây nên tội. Anh gởi đứa con gái lên hai cho bà dì nuôi dưỡng và lao vào ăn chơi trác táng như để bù đắp khoảng trống tâm hồn. Trí đưa đơn xin ly hôn, đồng thời nhắn tin cho Diệp trên báo, đài vẫn bặt tin. Trại gỗ làm ăn lụn bại, nợ nần phải nghỉ kinh doanh. Số vàng 50 lượng đánh tráo trước đây cũng hao hụt dần mòn, chuyện tất nhiên thôi. Hai năm trôi qua, lòng Trí đã nguội lạnh thì Diệp đột ngột trở về với hình hài tiều tụy, đôi bàn tay trắng. Cuộc sống xa hoa phung phí cùng những gã tình hờ đểu cáng kết thúc bằng trận đòn ghen trút xuống đầu Diệp... Thế là xong! bản án ly hôn chóng vánh, nhưng Trí phải trả 5 lượng vàng cho người đàn bà hư hỏng...

***

Chia tay Trí, tôi cứ nghĩ mãi về cuộc đời, số phận mỗi người luôn ẩn chứa những gam màu hỗn độn, tối tăm và trong sáng. Giàu sang chưa hẳn là nhàn nhã, hạnh phúc bền lâu. Bây giờ Trí như người đi không định hướng, buông thả theo dòng đời bềnh bồng, vô vị...

Chia sẻ bài viết