03/11/2008 - 21:14

Cầu Rạch Miễu đưa vào hoạt động

Cú hích phát triển du lịch ở cù lao Thới Sơn

Cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là điểm dừng chân quen thuộc của du khách trong và ngoài nước đến Tiền Giang tham quan du lịch sinh thái miệt vườn. Nhưng đó là chuyện của hơn 2 năm trước, còn giờ đây, theo phản ánh của nhiều chủ cơ sở làm dịch vụ, vườn du lịch ở đây đang thu hẹp hoạt động và những sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn để giữ chân khách lưu trú. Tuy nhiên, khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ thay đổi diện mạo và là cơ hội phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở dãy đất cù lao này.

* Sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn

Năm 1995, mô hình du lịch vườn cây ăn trái của chú Nguyễn Văn Đàn (Tư Đàn), ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn (điểm du lịch Thới Sơn 1), ra đời đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách gần xa về sự độc đáo, mới lạ của du lịch sinh thái vườn vùng sông nước. Sau đó, không chỉ cù lao Thới Sơn mà một số tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long... mở ra nhiều điểm du lịch sinh thái vườn với hình thức tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức đờn ca tài tử Nam bộ... Chú Tư Đàn nhớ lại: “Lúc mới mở điểm du lịch, một ngày tôi đón khoảng 300 khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhưng khi nhiều điểm du lịch mở ra, lượng khách ngày càng thưa dần. Bây giờ chỉ vài chục đến 100 khách/ngày là nhiều rồi. Bởi lẽ, nhiều yêu cầu của khách chưa được đáp ứng. Chẳng hạn, du khách tham quan rất muốn thưởng thức các món ăn ngon tại nhà dân, nhưng mình chưa đáp ứng được nhu cầu”. Theo chú Tư Đàn, những điểm du lịch ở cù lao Thới Sơn chủ yếu đón khách ăn theo tua thiết kế của các công ty kinh doanh lữ hành ở TP Hồ Chí Minh đến tham quan, mua quà lưu niệm rồi về. Riêng điểm du lịch của chú cũng chỉ phục vụ khách thưởng thức mật ong, chọn mua hàng thủ công nghệ làm quà lưu niệm, chứ không có dịch vụ du lịch nào khác. Trước đây, doanh thu bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng, còn hiện tại chỉ 200.000 đồng/ngày và số lượng nhân công làm việc từ 70 người giờ chỉ còn vài người.

Xã Thới Sơn có 4 ấp: Thới Hòa, Thới Bình, Thới Thuận và Thới Thạnh. Tổng số khoảng 1.400 hộ dân, thu nhập bình quân đầu người 7 triệu đồng/năm; trong đó 27% hộ giàu (thu nhập trên 57 triệu đồng), 57% hộ khá (thu nhập từ 37 triệu đồng) và chỉ 5,6% hộ nghèo, đồng thời 98,7% hộ trong xã có xe gắn máy. Người dân ở cù lao Thới Sơn sống chủ yếu dựa vào vườn cây ăn trái, dịch vụ du lịch và chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Thới Sơn, cho biết: “Những năm qua, doanh thu từ dịch vụ du lịch góp phần đáng kể vào sự phát triển của kinh tế địa phương, nhưng gần đây lượng khách đến không còn nhộn nhịp như trước. Hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ làm giảm khả năng đón và giữ chân khách ở lại lưu trú. Xã cũng chưa có chợ tập trung mà chỉ có những chợ tự phát. Các điểm du lịch của xã cũng chỉ đón khách tham quan, bán quà lưu niệm”. Theo ông Liêm, tỉnh Tiền Giang đã cho chủ trương nâng cấp tuyến đường lộ 9 (trục lộ chính nối đầu đến cuối cù lao của xã khoảng 9km) lên 2 mét với kinh phí 2 tỉ đồng, cuối năm 2008 sẽ khởi công. Tuyến đường này hoàn thành, giúp cho việc đi lại của người dân nhanh chóng hơn và các cơ sở kinh doanh du lịch cũng có điều kiện mở thêm những dịch vụ mới.

* Cơ hội nâng cấp sản phẩm, dịch vụ

 Du khách tham quan một cơ sở sản xuất kẹo dừa ở ấp Thới Thuận, cù lao Thới Sơn.

Hàng năm, có khoảng 1.420 đoàn và 27.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, xã Thới Sơn hiện có 5 điểm du lịch vườn, với 580 ha vườn cây ăn trái phục vụ điểm du lịch. Ngoài các điểm du lịch còn có 70- 80 hộ buôn bán kinh doanh quà lưu niệm. Hiện nay, lượng khách đến tham quan tại đây cao điểm từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và chủ yếu vào các ngày cuối tuần. Do sản phẩm du lịch của cù lao Thới Sơn nhìn chung còn nghèo nàn, nên khách đến tham quan rồi về Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh lưu trú, chứ ít ở lại và cũng không có điểm du lịch nào có nhà nghỉ đạt chuẩn theo yêu cầu.

Chú Tư Đàn, ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, nhận định: “Nếu cách làm du lịch sinh thái của cù lao Thới Sơn không có nét mới thì trong tương lai gần, khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, giao thông thuận tiện, Bến Tre sẽ là đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang bắt tay đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà nghỉ... ven khu vực chân cầu sẽ giữ chân du khách bằng những dịch vụ tiện nghi và hiện đại”. Thấy được hạn chế, nhưng ông Tư Đàn vẫn dè dặt trong mở rộng kinh doanh. Ông cho rằng, cầu Rạch Miễu hoàn thành, nhưng phải coi lượng khách như thế nào mới dám mở rộng. Còn chị Trần Thị Trinh, cơ sở sản xuất kẹo dừa ấp Thới Thuận xã Thới Sơn, cho biết: “Hai năm trước, một ngày tôi bán 400-500 bịch kẹo dừa, còn hiện tại chỉ 100 bịch kẹo/ngày. Nhân viên của tôi từ 8 người nay chỉ còn 4 người. Nếu cầu Rạch Miễu hoàn thành, lượng khách không đông tôi sẽ chuyển nghề. Trước đây, ngày nào cũng có khách, còn bây giờ những ngày đầu tuần rất vắng, đến cuối tuần mới có khách tham quan”.

Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, cù lao Thới Sơn sẽ là một trong 4 trung tâm đón khách du lịch của tỉnh. Tỉnh cũng đã công bố quy hoạch chi tiết với 7 khu chức năng trên diện tích 77,5 ha, gồm: khu đón tiếp đường bộ, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, khu làng nghề, khu cắm trại, khu thể thao dưới nước và khu làng xã Nam bộ. Quy hoạch dựa trên các cơ sở du lịch sẵn có, kết hợp với người dân và mang nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư vào các khu chức năng theo quy hoạch chi tiết phát triển du lịch ở cù lao Thới Sơn. Nếu hoàn chỉnh 7 khu chức năng, hứa hẹn sẽ có nhiều dịch vụ độc đáo, mới lạ, mang đậm chất vùng sông nước Nam bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Thới Sơn, cho biết: “Cầu Rạch Miễu hoàn thành, Thới Sơn không còn cô lập như cù lao, vận chuyển hàng nông sản thuận lợi, đi lại của người dân cũng nhanh chóng hơn. Đây sẽ là cơ hội để phát triển du lịch, tiểu thủ công nghiệp, đời sống người dân sẽ được nâng lên. Xã dự kiến quy hoạch xây dựng chợ để phục vụ nhu cầu và cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói”.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết