01/04/2021 - 23:09

CPI quí I-2021 tăng thấp nhất trong cùng kỳ 20 năm qua 

(CT) - Trong 3 tháng đầu năm 2021, bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,29%, đây là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 20 năm qua và được nhận định góp phần đạt mục tiêu tăng CPI cả năm ở mức 4%. Lý giải về nguyên nhân tăng, các đơn vị liên quan thống nhất, CPI quý I tăng là do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Cùng đó, giá các mặt hàng thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, giá gas trong nước và giá dịch vụ giáo dục đều tăng cũng là nguyên nhân khiến CPI quý I tăng.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Go! Cần Thơ.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Go! Cần Thơ. 

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, biến động về giá của mặt hàng xăng dầu và sách giáo khoa cũng là nguyên nhân quan trọng đưa CPI 3 tháng đầu năm tăng. Với mặt hàng xăng dầu, trong 3 tháng đã có 6 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần điều chỉnh tăng và 1 lần giữ ổn định. Mặt hàng xăng dầu trong nước tăng do giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao (nếu không có quỹ bình ổn xăng dầu mức tăng giá mặt hàng này ở trong nước sẽ cao hơn thực tế). Với mặt hàng sách giáo khoa, trong năm 2021 thực hiện phát hành 2 bộ sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6. Mức giá bộ sách giáo khoa mới kê khai cao hơn từ 3-4 lần so với sách giáo khoa cũ.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng CPI của quý I được nhìn nhận là khá tốt, bởi những nỗ lực kiềm chế CPI của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Ðặc biệt là Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó, gói hỗ trợ của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020 nên giá điện sinh hoạt bình quân quý I-2021 giảm 7,18% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,24 điểm phần trăm. Giá xăng dầu trong nước bình quân quý I-2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm và giá dầu giảm 14,5%. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I giảm 24,28%, giá vé tàu hỏa giảm 10,03%, giá du lịch trọn gói giảm 4%.

Tin, ảnh: N.H

Chia sẻ bài viết