31/01/2011 - 16:04

"Cổng trời" miền Tây rộng mở tương lai

THIỆN KHIÊM

Chưa bao giờ hệ thống hàng không ở ĐBSCL lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tết Nguyên đán 2011, đồng bằng lại thêm một tin vui: Cảng Hàng không (CHK) Quốc tế Cần Thơ chính thức hòa vào đường bay quốc tế. Bước sang năm 2012, CHK Quốc tế Phú Quốc cũng sẽ mở rộng ra thế giới, tô điểm thêm nét đẹp trong quá trình phát triển của ngành hàng không - thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất Chín Rồng...   

Cuối năm, tiết trời chuyển mình se lạnh. Trên công trường xây dựng Nhà ga hành khách CHK Quốc tế Cần Thơ hàng trăm công nhân đang miệt mài lao động để kịp hoàn thành theo kế hoạch. Chỉ tay về hướng công trình - Phó Giám đốc CHK Quốc tế Cần Thơ - Phạm Thanh Tâm, giải thích: “Đây là giai đoạn hoàn thiện công trình nhà ga, đòi hỏi phải làm tỉ mỉ, độ chính xác cao, tuyệt đối đảm bảo chất lượng để vận hành tốt nhất khi đưa vào sử dụng. Trên công trình luôn có hơn 1.000 công nhân miệt mài làm việc, đảm bảo kế hoạch hoàn thành như đã đề ra ban đầu. CHK Quốc tế Cần Thơ đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục theo quy định của ngành hàng không để đủ điều kiện đưa vào khai thác bay quốc tế vào cuối tháng 12 này. Trên công trình nối dài đường hạ cất cánh Sân bay Cần Thơ thêm 600m, nâng tổng chiều dài đường hạ cất cánh lên 3.000m - đạt chuẩn sân bay quốc tế, đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục như: Kẻ sơn mặt đường, lắp hàng rào an ninh, hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ bay vào ban đêm...

Tôi đứng trên sảnh nhà ga vừa mới hoàn thành, toàn cảnh Sân bay Cần Thơ là một không gian mênh mông, ánh bình minh rọi xuống rạng ngời như báo hiệu những điều tốt lành đang diễn ra trên vùng đất này... Anh Lê Văn Nam, quê ở Bình Định gắn bó với công trình này từ ngày khởi sự nâng cấp mở rộng Sân bay Cần Thơ, tâm sự: “Ngày nào ở đây cũng có 6 chuyến bay, nhìn những đoàn khách đến - đi trên công trình có sự đóng góp công sức của mình sao không tự hào được! Mình chưa có điều kiện đi máy bay, nhưng con cháu sau này thì khác, vì chúng đang sống, học tập trong một xã hội phát triển. Lúc ấy, con cháu mình có quyền tự hào vì ngày xưa có công sức của cha ông góp công xây dựng công trình này...”.

Gặp tôi vào một chiều cuối năm, ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Nam Việt, bày tỏ niềm vui: “Cầu Cần Thơ hoàn thành, chuyện “đò giang cách trở” trên tuyến quốc lộ 1A không còn nữa. Sân bay Cần Thơ khai thác đường bay quốc tế, những nhà doanh nghiệp như chúng tôi qua lại các nước trong khu vực dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp thêm động lực mới để chúng tôi phát triển, thậm chí sẽ có điều kiện ra nước ngoài đầu tư làm ăn, như những doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn với chúng ta...”. Tôi còn nhớ, ngày khánh thành cầu Cần Thơ, hàng ngàn nông dân đồng bằng đổ về ngắm nhìn cây cầu thế kỷ. Nhiều “lão nông tri điền” phấn chấn đi trên cây cầu hằng mơ ước. Gặp ông Ba Tâm đã 70 tuổi, ở Ngã Sáu, Châu Thành, Hậu Giang trong ngày vui ấy, ông lại tiếp tục ước mơ về Sân bay Cần Thơ: “Hơn 35 năm trước tiếng phi cơ gầm rú của giặc gây bao nỗi âu lo, nay ta bay để mang trái cây đi “đổi” đô-la về, đón đưa bạn bè gần xa. “Hai lúa” như chúng tôi sẽ có cơ hội chễm chệ cưỡi phi cơ dọc ngang xứ người. Không vui sao được!...”.

* * *

Ngày khánh thành đưa vào khai thác đường bay Cần Thơ - Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhắn nhủ: “Đây là cơ hội lớn cho vùng đất Chín Rồng”. Dự án nối dài đường hạ cất cánh thêm 600m, nâng tổng chiều dài đường hạ cất cánh lên 3.000m không phải chờ khởi công mà triển khai làm ngay sau lễ khánh thành sân bay giai đoạn 1. Bởi tính bức thiết của một sân bay cấp vùng được thể hiện qua sự đồng thuận cao của 10 tỉnh, thành trong khu vực bằng dự án Air Mekong ký kết tại Cần Thơ khoảng mười năm trước. Một vùng đất chiếm đến 21% số dân, hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cùng lượng trái cây, thủy hải sản lớn nhất nước thật khó bật dậy khi đối tác chỉ mất 1 giờ bay từ Thái Lan, 2 giờ bay từ Đài Loan sang TP Hồ Chí Minh, nhưng để xuống thành phố trung tâm đồng bằng phải “cắn răng” thêm hơn 3 giờ “đội nắng, kẹt xe” mới tới được!

Tiểu vùng Tây sông Hậu (trong đó có Cần Thơ) không chỉ lớn nhất trong ba tiểu vùng thuộc đồng bằng Nam bộ mà còn là nơi gần nhất với Thái Lan, Lào, Campuchia..., thuận lợi cho việc hòa nhập ASEAN. Nghị quyết Trung ương 7 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ĐBSCL phải là thị trường cạnh tranh rộng lớn trong và ngoài nước, hướng mạnh về xuất khẩu chất lượng cao. “Vòng tròn 500km” chính là lợi thế hàng không của Cần Thơ đi đến các nước trong khu vực Đông Nam Á như lời doanh nhân Pháp, ông Phillip Segene từng nhận xét khi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ nhân hội nghị xúc tiến đầu tư, khi đường bay quốc tế đưa vào khai thác vào cuối năm 2010 này.

Khi sân bay Cần Thơ đưa vào khai thác giai đoạn 1 thì trước đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Sân bay quốc tế Phú Quốc tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, tạo ra thế và lực mới phát triển mạng lưới hàng không đồng bằng. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 16.000 ti đồng, xây dựng trên diện tích hơn 900 ha. Sân bay Phú Quốc quy hoạch trở thành Cảng Hàng không Quốc tế cấp 4E, tiếp nhận các loại máy bay tầm xa như B777, B747-400. Giờ cao điểm có thể tiếp nhận 20 máy bay cùng lúc với khoảng 7 triệu lượt khách và khoảng 27.600 tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm. Theo kế hoạch, năm 2012 sân bay này sẽ được đưa vào khai thác với nhà ga có công suất tiếp đón trên 2,6 triệu hành khách/năm. Theo đó, “đảo ngọc Phú Quốc” được Chính phủ quy hoạch phát triển thành một đô thị hiện đại ở vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc. Một trong những công trình trọng điểm của đô thị này là sân bay quốc tế mới, thay thế cho sân bay nội địa hiện hành, do chuyên gia hàng không Singapore thiết kế. Sân bay này sẽ trở thành cảng trung chuyển hàng không lớn của khu vực Đông Nam Á, có thể đón các loại máy bay của các hãng hàng không lớn trên thế giới cất hạ cánh tại đây.

Một ngày cuối năm 2010 trên công trường xây dựng Sân bay Phú Quốc, trong thung lũng chạy dài giữa hai dãy núi thấp ở ven biển. Công trường lớn với hàng trăm xe máy các loại đang hối hả làm việc. Những chiếc xe tải tấp nập chở đất, tung bụi mù mịt. Như một con sông dài 3km với hơn 1,7 triệu m3 đất đá được đào lên, chỗ sâu nhất ước chừng 5 - 7m, đó chính là phần nền móng đường băng cất hạ cánh của Sân bay Phú Quốc trong tương lai. Một công nhân cho tôi biết, đơn vị thi công phải nhào trộn đất đá lẫn với nhau cho thật đều rồi lại đổ xuống san nền, cho xe lu chèn chặt. Với cách làm này (được chuyên gia Singapore chấp nhận), đơn vị thi công không phải vận chuyển đất đá từ đất liền ra, giảm được giá thành... Hàng trăm cán bộ, công nhân viên, Công ty ACC - Bộ Quốc phòng đang tăng ca để bảo đảm tiến độ công trình Sân bay Phú Quốc vào cuối năm 2012...

* * *

Ba năm qua, ĐBSCL dồn dập tin vui: Tổ máy số 1 Nhà máy điện Ô Môn - dự án điện đứng thứ nhì cả nước, đứng đầu ĐBSCL - hòa lưới điện quốc gia, khánh thành tổ hợp Nhà máy khí điện đạm Cà Mau, khởi công Sân bay quốc tế Phú Quốc, khánh thành cầu Rạch Miễu, khánh thành đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, khánh thành cầu Cần Thơ, đưa công trình đường Nam Sông Hậu vào sử dụng, khởi công dự án đào kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn vào cảng, khởi công đường ống dẫn khí lô B-Ô Môn, hoàn thiện dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ - Cà Mau... Và giờ đây đã khai trương “Cổng trời” - đó là CHK Quốc tế Cần Thơ - nối khu vực và thế giới. Rồi đây, dự án đường cao tốc Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ - Phnom Penh cũng đang nằm trong kế hoạch ưu tiên đầu tư sắp triển khai thực hiện... Sang năm 2012, CHK quốc tế Phú Quốc sẽ đưa vào sử dụng kết nối cả ĐBSCL với cả nước và bước ra thế giới. Chưa bao giờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở vùng ĐBSCL lại được “chăm sóc” kỹ để hình thành đồng bộ như hôm nay. Vậy là đường bộ, đường thủy, đường hàng không đang trong thế sẵn sàng phục vụ phát triển vùng đất ĐBSCL!

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phân tích: CHK Quốc tế Cần Thơ sẽ cùng sân bay Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc tạo thành hệ thống cảng hàng không liên hoàn, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển (tài chính ngân hàng, kho vận hậu cần, du lịch...), khơi dậy và đánh thức tiềm năng kinh tế cả vùng đất rộng lớn, trở thành điểm nhấn quan trọng cho tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Một đồng vốn đầu tư vào ĐBSCL sẽ làm ra được 3,9 đồng góp vào tăng trưởng GDP, tương đương miền Đông Nam bộ, cao hơn mức trung bình cả nước. “Cổng trời”, “cửa biển” cùng “cửa cái quan - đường bộ” cả châu thổ này đang được khai thông, mở rộng. Nghị quyết 21-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW thể hiện rất rõ quyết tâm của Đảng và Chính phủ đang ngày càng được cụ thể hóa. Vị thế mới, cơ hội mới cho vùng đất “Chín Rồng” phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa...


* * *

Hoàng hôn buông xuống, Nhà ga hành khách vừa hoàn thành sáng rực cả một góc trời, đường băng Sân bay Cần Thơ như nối dài vô tận... Nhìn những đoàn khách đến từ Đài Loan, Đài Bắc qua CHK Quốc tế Cần Thơ như đánh dấu những nốt nhạc đầu tiên của bài “hùng ca” trong lĩnh vực hàng không của ĐBSCL đang lớn mạnh từng ngày. CHK Quốc tế Cần Thơ cùng với CHK Quốc tế Phú Quốc, CHK Rạch Giá, CHK Cà Mau tạo ra chuỗi giao thông hàng không quốc tế - quốc nội đồng bộ, khép kín. “Cổng trời” miền Tây từ đây có thể ngẩng cao đầu vươn mình như Phù Đổng để tự hào sánh vai cùng các CHK trong khu vực Đông Nam Á và vươn ra các châu lục khác trong tương lai...

Chia sẻ bài viết