27/09/2012 - 09:18

Công nghệ nói chuyện tự nhiên với điện thoại thông minh

 

Trong một tương lai không xa nữa, người dùng sẽ không phải cầm điện thoại lên mà bấm mỗi khi cần đến chúng. Đó là vì công ty phần mềm nhận dạng giọng nói Nuance Communications đang phát triển một công nghệ mới cho phép người dùng chỉ cần cất giọng lên là điện thoại sẽ sáng đèn mặc dù nó đang ở chế độ chờ.

Nuance Communications đang được xem là công ty hàng đầu về công nghệ nhận dạng giọng nói. Nó đã phát triển vượt bậc trong mấy năm gần đây khi điện thoại thông minh ngày càng được tăng cường tính năng "trợ lý cá nhân" bằng giọng nói, có thể làm những thứ như kiểm tra thời tiết hay tìm kiếm một nhà hàng bán một món ăn cụ thể nào đó. Nuance Communications là "cha đẻ" của ứng dụng trợ lý ảo Dragon Go!, và được nhiều chuyên gia cho là nhà phân phối công nghệ giọng nói cho ứng dụng trợ lý số Siri nổi tiếng của Apple.

Vlad Sejnoha, giám đốc công nghệ của Nuance Communications, tin rằng chỉ trong 1 hoặc 2 năm nữa, người dùng sẽ có thể nói chuyện với điện thoại thông minh của họ ngay cả khi nó nằm chờ trên bàn. Người dùng chỉ việc lên tiếng hỏi nó những câu hỏi như: "cuộc hẹn kế tiếp của tôi lúc mấy giờ ?", điện thoại sẽ tự động nhận biết người dùng đang nói chuyện với nó, rồi tự mở máy và trả lời ngay lập tức.

Theo Vlad Sejnoha, việc mở máy bằng tay là một phần của vấn đề làm cho giao tiếp giữa người dùng và điện thoại thông minh trở nên kém tự nhiên. Chính vì vậy, Nuance Communications rất nỗ lực để loại bỏ những vấn đề này.

Nuance Communications hiện đang hợp tác với một số nhà sản xuất chip để phát triển chipset cho công nghệ này. Vlad Sejnoha cho biết, các nhà sản xuất chip đang rất hào hứng với kỹ thuật mới.

Ông thậm chí còn nghĩ đến hướng phát triển xa hơn là cải tiến khả năng của điện thoại thông minh để có thể phân biệt giọng nói của người dùng ra lệnh làm một việc gì đó, ngay cả trong môi trường có nhiều người nói chuyện ồn ào. Vlad Sejnoha cũng đảm bảo rằng công nghệ mới sẽ hoạt động một cách an toàn và có tính riêng tư cao.

Lê Phi  (Theo BGR, Technology Review)

Chia sẻ bài viết