16/01/2010 - 16:54

Công nghệ đang xóa dần rào cản ngôn ngữ

Công nghệ truyền thông đã giúp nhân loại thu hẹp khoảng cách dù ở bất cứ đâu trên quả địa cầu. Tuy nhiên, một rào cản lớn vẫn tồn tại gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp giữa người với người, đó chính là ngôn ngữ. Để tháo gỡ, NEC phát triển thiết bị phiên dịch trực tiếp trong khi IBM và Google nhắm tới xóa bỏ sự chia cắt ngôn ngữ trên Internet.

Cuối năm ngoái, tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Nhật Bản NEC trình làng sản phẩm Tele Scouter gồm tai nghe và cặp kính với tính năng tự động phiên dịch nội dung các cuộc đàm thoại và hiển thị kết quả lên màn hình gắn trên gọng kính (ảnh). NEC tin rằng Tele Scouter sẽ chuyển ngữ chính xác các cuộc đàm thoại lẫn tài liệu kỹ thuật.

Hiện nay, 100 nhân viên IBM đang thực hiện dự án “n.Fluent”, phần mềm chuyển ngữ trực tiếp trên nhiều ứng dụng. “Chúng tôi có giao diện web mà ở đó, khi bạn gõ vào dòng địa chỉ URL, nó sẽ tự động phiên dịch trang web cho bạn”, Salim Roukos, giám đốc công nghệ dịch thuật của IBM, cho biết. Hãng còn có một ứng dụng mà bạn có thể đưa lên trang web, và khi truy cập vào, người dùng có thể nhấp vào menu và thay đổi ngôn ngữ hiển thị. “Khả năng phiên dịch trang web URL của chúng tôi rất được khách hàng ưa chuộng, bởi một khi dịch được trang web, bạn có thể nhấp các trang liên kết khác và tự do khám phá các trang viết bằng tiếng nước ngoài giống như đang đọc trang tiếng Anh”, Roukos lý giải. Hiện tại, phần mềm “n.Fluent” đang được hoàn thiện và chỉ lưu hành nội bộ, nhưng IBM tuyên bố sẽ sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

IBM không phải là đại gia công nghệ duy nhất nỗ lực dỡ bỏ rào cản ngôn ngữ trên thế giới ảo. Google đang phát triển công cụ phiên dịch không chỉ trang web của mình mà cả những trang tìm kiếm khác. Hiện Google chỉ cho phép tìm kiếm những từ tiếng Anh trên các trang web khi người dùng gõ bằng tiếng Anh, nhưng “gã khổng lồ” này hy vọng sẽ sớm cung cấp cho người dùng nội dung cần tìm bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. “Hãy tưởng tượng nếu công cụ tìm kiếm có thêm phần mềm phiên dịch yêu cầu của bạn thành mọi ngôn ngữ, rồi mới rà soát nội dung cần tìm trên các trang web. Sau đó, phần mềm tiếp tục biên dịch lần thứ hai và thứ ba để tìm kiếm kết quả bằng tiếng mẹ đẻ của bạn và cho ra bản dịch cả trang web đó khi bạn nhấp chuột vào”, Marissa Mayer, phó chủ tịch Google, cho biết.

Phương ngữ và thuật ngữ chuyên môn có thể gây khó khăn cho phần mềm biên dịch, vì vậy “n.Fluent” được thiết kế với chức năng nhận biết lỗi và ghi lại những thuật ngữ dùng trong nội bộ IBM. Để làm được như vậy, IBM tận dụng kiến thức của 400.000 nhân viên trên khắp thế giới thông qua việc tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp về dự án. Ngoài ra, “mỗi giao diện có cửa sổ mở, nên nếu thành thạo 2 ngôn ngữ, bạn có thể chỉnh sửa”, chuyên gia David Lubensky phụ trách hệ thống phiên dịch trực tiếp của IBM, nói. IBM tin rằng công nghệ mới sẽ giúp ích cho các công ty phải soạn thảo lượng lớn tài liệu về kỹ thuật. Mặt khác, khi một công ty có đội ngũ nhân viên phân bổ khắp thế giới, “n. Fluent” sẽ giúp biên dịch tài liệu do khách hàng gửi đến thành một thứ tiếng phổ thông mà nhân viên ở những vùng địa lý khác nhau đều truy cập được. “Chúng tôi đã làm tốt với tiếng Tây Ban Nha, Pháp, A-rập và Bồ Đào Nha. Tiếng Nhật, Hoa và Hàn khó hơn nhưng chúng tôi đang cố gắng giải quyết”, Roukos cho biết.

THỤY TRÚC (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết