HUY MINH (Theo CNN)
Theo ước tính của Hãng tư vấn McKinsey, hơn 100 tỉ gói hàng đã được gửi đi khắp toàn cầu vào năm 2020 và con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử kể từ sau đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao hàng chặng cuối, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Nhưng những sáng chế hỗ trợ lĩnh vực hậu cần không chỉ giúp giải quyết những thách thức nói trên, mà còn thay đổi cách thức nhận hàng. Điển hình như 5 công nghệ giao - nhận hàng hóa sau đây:
Robot giao hàng
Robot giao hàng của hãng Starship Technologies. Ảnh: TheRobotReport
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về robot phục vụ tăng lên nhanh chóng, với doanh số bán robot trên toàn cầu tăng 37% vào năm 2021. Trong đó, robot giao hàng đang ngày càng được tin dùng bởi các công ty tên tuổi - bao gồm dịch vụ giao thức ăn trực tuyến Uber Eats và chuỗi cửa hàng pizza Domino’s Pizza Mỹ.
Ở thành phố Leeds (Anh), những robot to bằng chiếc hộp đang bận rộn di chuyển trên vỉa hè để giao hàng thông qua một chương trình hợp tác giữa chuỗi bán lẻ Co-op và Công ty chuyên phát triển các phương tiện giao hàng tự động Starship Technologies (Estonia). Trong đó, Starship Technologies sẽ điều khiển robot giao hàng chạy bằng pin đến tận nhà khách hàng để giao thực phẩm và gói hàng - tất cả đều được quản lý thông qua ứng dụng của công ty. Tại Hong Kong (Trung Quốc), công ty Rice Robotics cũng đã phát triển robot giao hàng có tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Xe giao hàng chạy bằng điện
Xe đạp điện giao hàng của VOK. Ảnh: Estonia World
Báo cáo năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính lượng khí thải nhà kính do hoạt động giao - nhận hàng tạo ra sẽ tăng 32% vào năm 2030. Trước viễn cảnh đó, Công ty bán hàng trực tuyến Amazon (Mỹ) đã đồng sáng lập kế hoạch “Climate Pledge”, cam kết đạt được mức phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2040. Công ty này có kế hoạch hợp tác với nhà sản xuất xe điện Rivian triển khai 100.000 xe giao hàng điện vào năm 2030. Tại châu Âu, Amazon dự tính chi 972 triệu USD đầu tư cho xe điện, nhằm tăng đội xe giao hàng chạy bằng điện tại “lục địa già” lên 10.000 chiếc vào năm 2025.
Trong khi đó ở Estonia, hãng xe đạp điện Vok đang cung ứng cho thị trường loại xe đạp điện 4 bánh chở hàng. Phương tiện này đang vận hành phổ biến ở nhiều thành phố lớn gồm Luân Đôn (Anh), Stockholm (Thụy Điển) và Copenhagen (Đan Mạch).
Tủ giao - nhận hàng “thông minh”
Ảnh: Bringme
Thay vì trực tiếp giao hàng tận nhà, một số công ty đang sử dụng các tủ giao - nhận hàng “thông minh”. Chẳng hạn, công ty Bringme (Bỉ) đã lắp đặt tủ giao - nhận hàng “thông minh” đầu tiên trong khu chung cư Balk van Beel ở thành phố Leuven. Mô hình đó cho phép nhân viên giao hàng cắt giảm đáng kể số lần giao hàng đến một địa điểm, tức cũng hạn chế phát thải khí nhà kính, do đó được xem là giải pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường dành cho hệ thống giao hàng chặng cuối.
Ngoài ra, tủ giao nhận - hàng “thông minh” còn đóng vai trò là nơi lưu trữ an toàn khi người mua hàng trực tuyến không thể nhận được gói hàng ngay lập tức. Khi khách hàng Bringme sẵn sàng nhận gói hàng, họ sẽ dùng mã QR (được gửi đến ứng dụng trên điện thoại) đưa qua máy quét để mở khóa ngăn tủ và tiến hành lấy hàng.
Không chỉ vậy, các tủ khóa thông minh cũng có thể được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể. Chẳng hạn, loại tủ do công ty khởi nghiệp alfred24 sản xuất có thể điều chỉnh nhiệt độ để bảo quản hàng cần trữ lạnh hoặc thức ăn nóng.
Xe giao hàng tự hành
So với robot giao hàng, xe tự lái có khoang chứa hàng rộng hơn, nên hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giao hàng tận nhà thời gian tới. Năm ngoái, Uber Eats đã ký thỏa thuận với công ty Nuro để bắt đầu việc thử nghiệm các đội xe giao hàng tự hành ở thành phố Mountain View, bang California và Houston, bang Texas.
Được biết, Nuro do hai cựu kỹ sư chính của Google thành lập vào năm 2019 và chiếc xe tự lái thế hệ thứ ba cùng tên của công ty có thể chở gần 226kg hàng hóa. Theo công ty, xe chạy hoàn toàn bằng pin, không phát thải khí nhà kính và sử dụng 100% năng lượng tái tạo từ các trang trại điện gió ở Texas.
Máy bay không người lái (drone)
Một máy bay giao hàng của Manna Aero. Ảnh: Manna Aero
Theo McKinsey, đến đầu năm 2022, mỗi ngày có hơn 2.000 chuyến giao hàng bằng drone thương mại đã diễn ra trên khắp thế giới và con số đó đang tiếp tục tăng lên.
Tại đất nước Rwanda ở Trung Phi, công ty khởi nghiệp Zipline (Mỹ) đã thực hiện giao hàng bằng drone trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ năm 2016, nhằm giao nhanh thuốc và vật tư y tế đến các bệnh viện ở xa. Trong khi đó ở Ireland, Manna Aero đã hoàn thành hơn 100.000 chuyến giao hàng bằng drone trên khắp đất nước, giao mọi thứ từ hàng tạp hóa đến đơn hàng của các doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, khách có thể đặt hàng thông qua ứng dụng, đội ngũ của Manna Aero sau đó đóng gói và gửi hàng bằng drone. Công ty này dự kiến mở rộng hoạt động ở châu Âu và Mỹ.