12/09/2010 - 09:03

Còn vướng mắc trong áp dụng học chế tín chỉ đào tạo bậc đại học, cao đẳng

Sinh viên Trường CĐ Cần Thơ trong giờ thực hành theo học chế tín chỉ.

Theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2010, các trường đại học, cao đẳng sẽ chuyển đổi đào tạo theo học chế tín chỉ. Trong đó có cả các trường đại học, cao đẳng tại TP Cần Thơ. Đây là xu hướng tất yếu để các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ vẫn còn nhiều vướng mắc...

Phát huy tính tự chủ của người dạy, người học

Trần Văn Trường, sinh viên ngành Công nghệ thông tin K34, Trường Cao đẳng (CĐ) Cần Thơ, từ năm học thứ nhất học tập theo học chế tín chỉ (HCTC), nhận xét: “Đây là phương pháp học mới, giúp tôi tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn và tích cực đặt câu hỏi trao đổi trực tiếp với giảng viên... tạo cho tôi thói quen năng động, chăm chỉ tìm tòi, học hỏi những điều mới”. Còn ý kiến Đoàn Hồng Y- cùng lớp với Trường, thì: “Đào tạo theo HCTC, người học có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình. Những sinh viên giỏi có thể đăng ký học vượt kế hoạch, tốt nghiệp sớm hơn so với thời gian qui định”.

Năm học 2009-2010, Trường CĐ Cần Thơ đã bắt đầu đào tạo theo HCTC ở 5 khoa và thí điểm đào tạo 5 ngành bậc cao đẳng là: Mầm non, Anh văn, Việt Nam học - Văn hóa du lịch, Kế toán, Công nghệ thông tin. Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, một trong 5 khoa của trường tiên phong trong phong trào đổi mới đào tạo theo HCTC. Thạc sĩ Bùi Huy Trang, Trưởng khoa Kỹ thuật-Công nghệ, nói: “Việc chuyển đổi sang HCTC giúp sinh viên năng động, tự chủ trong học tập nhiều hơn. Giảng viên cũng chủ động trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”.

HCTC là phương thức đào tạo đã áp dụng khá lâu ở nhiều nước phát triển trên thế giới, bởi tính mềm dẻo, linh hoạt của chương trình đào tạo. Ở mỗi môn học được lượng hóa bằng một tín chỉ. Sinh viên tích lũy dần, hoàn thành chương trình học theo số tín chỉ, chứ không phải tính theo từng học kỳ, từng năm học như lớp học ở phổ thông. Đặc điểm của HCTC là sinh viên được chủ động tự chọn đăng ký môn học theo cấu trúc chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập, nhu cầu của mình. Nhà trường căn cứ vào số lượng sinh viên đăng ký môn học, sau đó sẽ mở lớp nếu như đủ số lượng sinh viên. TP Cần Thơ còn có các trường: ĐH Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ,... đã đào tạo theo HCTC. Trong đó, Trường ĐH Cần Thơ đã hơn 10 năm thực hiện đào tạo HCTC. Ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Thật ra, Trường ĐH Cần Thơ đã chuẩn bị khá lâu nhưng chính chuyển đổi đào tạo theo HCTC triệt để chỉ khoảng 3 năm gần đây. Với cách đào tạo này chất lượng đào tạo nâng lên khá rõ”.

Rõ ràng, đào tạo theo HCTC là một cách đào tạo tiên tiến mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, đào tạo. Nhưng, trên thực tế không phải ai cũng có thể “thông” với cách đào tạo này. Bên cạnh thói quen tư duy cũ, bản thân việc triển khai cũng không ít điều bất cập, vướng mắc, cần tháo gỡ...

Đâu là những trở ngại?

Năm học này, Trường CĐ Cần Thơ đào tạo theo HCTC ở các ngành còn lại. Qua một năm thực hiện, trường vẫn còn gặp những khó khăn. Trước hết là cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên còn thiếu, trong khi đào tạo theo HCTC đòi hỏi giảng viên phải áp dụng phương pháp giảng dạy mới, còn sinh viên phải tăng tính tự học. Cô Lâm Thanh Ngọc, giảng viên Tin học, Khoa Kỹ thuật- Công nghệ trường CĐ Cần Thơ, thừa nhận: “Khoa hiện có 2 phòng, với 90 máy tính phục vụ cho sinh viên cả trường. Trang thiết bị thực hành, nguồn giáo trình phục vụ cho giảng viên, sinh viên thiếu nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến dạy và học”.

Đào tạo theo HCTC đòi hỏi người dạy lẫn người học cần phát huy tính tích cực, chủ động. Trong khi đó, một thời gian dài học ở bậc học phổ thông, học sinh đã quen với cách học “truyền thống” nên khi học CĐ, ĐH sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ. Bạn Đoàn Hồng Y, sinh viên ngành Công nghệ thông tin K34, Trường CĐ Cần Thơ, cho rằng: “Hồi học phổ thông, thầy cô giảng bài, học sinh lắng nghe, ghi chép. Khi vào học CĐ, giờ lên lớp ít, giảng viên dạy ý chính còn sinh viên phải tự học, tự tìm hiểu. Tôi và các bạn trong lớp gặp khó khăn. Theo cách học mới, sinh viên thường phải học theo nhóm. Nhưng trong nhóm không phải ai cũng có ý thức làm bài. Khi nhóm báo cáo, giảng viên chấm điểm cho cả nhóm nên việc đánh giá sẽ không công bằng”. Còn sinh viên Trần Văn Trường thì cho biết: “Học theo HCTC, tùy theo năng lực mà sinh viên có quyền đăng ký học vượt để rút ngắn thời gian học. Nhưng, hiện nay sinh viên vẫn nhận thời khóa biểu từng học kỳ với học môn nào, thời gian cụ thể do trường qui định nên sinh viên không thể chủ động”. Thật ra, những trường ĐH đã thực hiện HCTC khá lâu, sinh viên đăng ký học phần qua mạng trực tuyến. Sinh viên không phải đến trường mà vẫn có thể đăng ký môn học nhưng Trường CĐ Cần Thơ vẫn chưa thực hiện cách đăng ký học phần như thế này...

Ông Bùi Huy Trang, Trưởng khoa Kỹ thuật- Công nghệ, Trường CĐ Cần Thơ, cho rằng: “Học theo HCTC, giảng viên chưa quen, sinh viên còn bỡ ngỡ. Trong khi đó, lãnh đạo khoa vẫn còn chưa có kinh nghiệm nên gặp khó khăn. Theo HCTC, sinh viên có quyền học vượt, học chậm hoặc học song song cùng lúc 2 ngành nhưng trường chưa thể làm được. Bởi vì số lượng sinh viên đăng ký môn học quá ít, trường không thể mở lớp. Mang tiếng là đổi mới đào tạo sang HCTC nhưng thực tế chưa chuyển đổi hoàn toàn. Sinh viên vẫn học, đăng ký học phần theo dạng niên chế...”. Ông Trang còn nói: “HCTC đòi hỏi sinh viên phải tự học, tìm tòi tài liệu nhưng phòng học của trường chưa đủ đáp ứng. Nhất là thư viện điện tử- yếu tố không thể thiếu trong đào tạo theo HCTC”.

Nhiều trường đang “đau đầu” vì giờ dạy, cách tính điểm đánh giá sinh viên. Năm học 2010-2011, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ thực hiện đào tạo HCTC cho các ngành đào tạo bậc CĐ. Học theo học phần thì 1 tiết học là 45 phút, còn học theo HCTC thì 1 tiết là 50 phút. Nhưng trường chỉ áp dụng HCTC cho khóa mới. Vì vậy, giờ học, giờ giải lao ở khóa cũ và khóa mới không trùng nhau, ảnh hưởng cho việc dạy và học của giảng viên, sinh viên. Ông Bùi Huy Trang, Trưởng khoa Công nghệ- Kỹ thuật, Trường CĐ Cần Thơ còn nhận xét: “Ngay cả việc đánh giá sinh viên theo HCTC cũng vẫn còn thực hiện theo học chế niên chế. Tức là vẫn theo thang điểm số, thay vì phải đánh giá theo thang điểm chữ”.

Theo qui chế, đào tạo theo HCTC, sinh viên sẽ được đánh giá thang điểm A, B, C, D, F, tương ứng với điểm số từ 1 đến 10 điểm (theo đào tạo niên chế). Điểm A là mức điểm cao nhất (loại Giỏi), tương ứng mức từ 8,5 đến 10 điểm. Tuy nhiên, ngoài Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện việc tính điểm chữ thì hầu hết các trường CĐ, ĐH ở TP Cần Thơ vẫn chưa thể triển khai được phần mềm quản lý đào tạo trong việc đánh giá, xếp loại sinh viên.

* * *

Công bằng mà nói, việc chuyển đổi sang HCTC là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, CĐ. Nhưng, dù sao các trường cần có thời gian để làm quen và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, đội ngũ giảng viên... Qua kinh nghiệm của Trường ĐH Cần Thơ- triển khai đào tạo HCTC khá thành công- nhưng cũng phải cần một thời gian khá dài mới có thể vận hành suôn sẻ. Trường cũng phải đang tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp hơn. Tuy nhiên rào cản lớn nhất vẫn là nếp nghĩ, thói quen cũ của một số cán bộ giáo dục, giảng viên và sinh viên như thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Để thực hiện chuyển đổi đào tạo sang HCTC, ngoài những yếu tố khách quan, điều quan trọng vẫn là sự quyết tâm của cán bộ, giảng viên, sinh viên ở các trường”.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết