13/12/2011 - 21:00

Cơn sốt nuôi rắn "triệu phú"

Giá trị mỗi con rắn lên đến 1-2 triệu đồng đã tạo nên cơn sốt nuôi loài rắn “triệu phú” này. Chỉ mới xuất hiện vào các mô hình nuôi theo hộ gia đình, loại rắn này đã nhanh chóng phát triển khắp khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Nhiều người nuôi đang tin chắc mình sẽ khá giả với loài rắn quý này…

Đó là rắn ráo trâu, còn có tên gọi khác là hổ trâu, hổ hèo, hổ vện, long thừa... Tên khoa học là Ptyas Mucosus. Tại Việt Nam, loài rắn này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, xếp nhóm II B, hạn chế săn bắt. Vì thế, người nuôi phải đăng ký nuôi động vật hoang dã với Kiểm lâm, báo cáo chi tiết quá trình nuôi và có sự giám sát của ngành chức năng để tránh tình trạng săn bắt rắn tự nhiên “hô biến” thành rắn nuôi bán hoang dã.

DỄ NHƯ NUÔI RẮN RÁO TRÂU

 Rắn ráo trâu tạo “cơn sốt” cho người nuôi ở ĐBSCL sau khi một số hộ nuôi hiệu quả loài động vật “triệu phú” này.

Nhiều người có kinh nghiệm nuôi rắn ráo trâu đều cho rằng, chúng rất dễ nuôi. Chỉ cần chuồng trại thoáng mát, thức ăn tươi sống, rắn ráo trâu có thể phát triển khỏe mạnh, không dịch bệnh. Ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt ở xã Khánh Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang), cho biết: “Tôi coi truyền hình thấy ở miền Đông, miền Trung phát triển nghề này nên tìm hiểu thông tin và mua thử con giống ở TPHCM về nuôi. Chỉ học lóm thôi nhưng tôi đã có thể phát triển đàn hàng trăm con vừa nuôi thịt vừa nuôi đẻ. Tôi chưa từng thấy loài bò sát nào giá trị cao và nuôi dễ như rắn ráo trâu. Chỉ cần chú ý đến nhiệt độ môi trường sống và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì rắn lớn phây phây. Chừng bảy, tám tháng có thể xuất chuồng...”.

Rắn ráo trâu phân bổ đều khắp các vùng, miền trong cả nước. Trước đây, rắn được khai thác tự nhiên để bán thịt phục vụ nhu cầu ẩm thực đặc sản hoang dã, ngâm rượu... Khi đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, loài rắn này được bảo vệ, chống săn bắt. Từ đó, nghề nuôi động vật hoang dã đối với rắn ráo trâu hình thành và phát triển. Ban đầu, chúng được nuôi thử nghiệm ở một số hộ dân tại các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ. Khi thành công, mô hình này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, rắn ráo trâu tạo thành “cơn sốt” cho nhiều người. Đến nay, nghề nuôi rắn ráo trâu đã phát triển khắp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Chỉ vào chuồng rắn có hàng trăm con rắn ráo trâu mới nở bò lúc nhúc, ông Việt nói: “Người nuôi mới rắn ráo trâu nhiều lắm. Hàng ngày, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của khách hàng ở khắp nơi gọi đến để trao đổi kinh nghiệm, đặt mua con giống. Trứng nở rắn con không đủ để bán”.

Từ hộ nuôi thử nghiệm rắn ráo trâu trong vòng một năm, ông Việt đã trở thành “đại lý” chuyên cung cấp rắn giống và bán rắn thịt. Ông Nguyễn Văn Đơ ở xã Phước Hưng (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cũng là hộ phát triển mạnh nghề nuôi này và trở thành đối thủ cạnh tranh với ông Việt trong việc cung cấp con giống. Nhiều hộ nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu sau một năm thử nghiệm đã nuôi và ấp nở thành công rắn ráo trâu, hình thành các điểm cung cấp giống cho người nuôi. Có hộ còn tổ chức thu mua rắn thịt để cung cấp cho các đầu nậu thu mua rắn phân phối cho thị trường nội địa và xuất khẩu. “Chuồng trại được lợp lá và dừng kín nhưng đảm bảo thông gió, giữ nhiệt độ bên trong ở mức khoảng ba mươi độ C trở xuống. Trên mái chuồng trại được gắn một số tấm lấy sáng chừng khoảng năm tấc vuông. Mỗi chuồng nuôi được đóng quy cách từ một mét rưỡi đến hai mét vuông, nuôi được khoảng hai mươi con rắn thịt. Chuồng cao khoảng tám tấc đến một mét, đặt cách mặt đất khoảng bốn, năm tấc để dễ vệ sinh thu gom chất thải, không để mầm bệnh tích tụ...”, ông Đơ chia sẻ kinh nghiệm.

NHỮNG GIẤC MƠ TRIỆU PHÚ

Từ thành công của nhiều mô hình nuôi rắn ráo trâu, nhiều người dân ấp ủ giấc mơ triệu phú từ nghề này. Anh Nguyễn Văn Thắng ở huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) xem ti-vi thấy ông Việt có bán giống rắn “triệu phú” này tức tốc chạy xe gắn máy đi và về khoảng 300 cây số để thăm dò. Nửa tháng sau, anh Thắng đã chuẩn bị xong chuồng trại và trở lại nhà ông Việt mua rắn giống với giá 450.000 đồng/con mười ngày tuổi. “Thấy rắn có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, không nọc độc nên tôi muốn nuôi thử nghiệm 10 con. Khi đủ kinh nghiệm, tôi sẽ phát triển quy mô rộng hơn và học ấp trứng rắn để chủ động nguồn giống. Với giá con giống từ 400.000-500.000 đồng/con, người nuôi lời to sau một lứa rắn nở”, anh Thắng nói. Trọng lượng rắn sau một năm nuôi đạt 1,8-2,2kg/con đực và khoảng 1,2-1,5 kg/con cái. Giá mỗi con cái hiện nay khoảng 6 triệu đồng/con loại trên 1kg. Giá rắn thịt khoảng 800.000-900.000 đồng/kg, có lúc giá vượt lên hơn 1 triệu đồng/kg do thị trường hút hàng. Như vậy, sau một năm chăm sóc, người nuôi thu lợi nhuận gấp bốn lần so với giá trị ban đầu.

Theo Cục Kiểm lâm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã hiện đang được khuyến khích nhằm bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm và phát triển kinh tế. Vì vậy, người nuôi cần tuân thủ các quy định sau:

-Chuồng trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài và năng lực sản xuất của trại nuôi; đảm bảo an toàn cho người nuôi và quy định về vệ sinh môi trường của Nhà nước.

-Những loài động vật đã được cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát và việc nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng đến việc bảo tồn loài đó trong môi trường tự nhiên.

-Trường hợp khai thác con non, trứng từ tự nhiên để nuôi sinh trưởng phải được cơ quan quản lý quy định tại Điều 9,Nghị định 82/2006/NĐ-CP cho phép. 

Nguồn thức ăn của rắn ráo trâu chủ yếu là ếch, nhái, chuột sống; đầu gà, vịt còn tươi... rất dễ mua với giá rẻ. Đầu tư chi phí thấp nhưng thu lợi nhuận cao nên giấc mơ triệu phú là có thật đối với nhiều người dám xông vào mô hình còn khá mới mẻ này. Anh Nguyễn Ngọc Hà ở huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) sau khi tham khảo nhiều mô hình nuôi rắn ráo trâu ở An Giang, Bạc Liêu đã quyết định nuôi loại rắn này. “Tôi đã tới nơi xem mô hình nuôi và bắt thử rắn. Quả thật nó rất hiền, phụ nữ cũng có thể nuôi được. Ở thời điểm này, nghề nuôi còn mới mẻ nên nuôi rắn ráo trâu là ăn chắc. Chỉ cần vài ba vụ nuôi, tôi có thể kiếm bộn tiền”, chị Hà quả quyết.

Tuy nhiên, nhiều người còn dè dặt bởi tình trạng “nhà nhà nuôi rắn” đến một lúc nào đó sẽ gây khủng hoảng thừa, khi đó, giá rắn ráo trâu có thể sẽ rớt thê thảm và ngang bằng với rắn hổ mang, hổ hành như hiện nay hoặc thấp hơn, người nuôi lại nháo nhào bán tháo, quay quắt tìm nuôi con vật khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, người nuôi cần cẩn trọng nghiên cứu kỹ thị trường để nuôi vào thời điểm thích hợp, thu lợi nhuận cao. Đồng thời, phải trang bị kiến thức kỹ về loài vật này để tránh “mua nhầm” con giống!

Bài, ảnh: MIÊN HẠ

Chia sẻ bài viết