09/10/2011 - 20:33

Sản xuất theo quy trình VietGAP tại TP Cần Thơ

Còn lắm gian nan

Mặc dù đã xây dựng được những nền tảng nhưng sản xuất theo quy trình VietGAP tại TP Cần Thơ đã bộc lộ không ít khó khăn,
vướng mắc.

Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN về “Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam” (VietGAP-Vietnamese Good Agricultural Practices). Trên nền tảng đó, ngoài sản xuất rau quả, năm 2010, TP Cần Thơ ứng dụng VietGAP trên cây lúa, nuôi trồng thủy sản... Thế nhưng sau khoảng thời gian khá dài triển khai ứng dụng vào thực tế, sản xuất theo quy trình VietGAP tại TP Cần Thơ đã bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc...

* Đã xây dựng được nền tảng

Theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN của Bộ NN&PTNT, VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nói: “Sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP được xem là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp thành phố, nhằm tiến tới hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, chất lượng cao, ổn định phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hơn nữa, đây còn là yêu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, bởi VietGAP không chỉ thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn làm tăng giá trị sản phẩm nông sản, tạo thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới...”.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề, TP Cần Thơ đã chủ động triển khai tổ chức sản xuất theo hướng VietGAP trên những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng như: rau quả, lúa, nuôi trồng thủy sản... Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phong Điền, cho biết: “Huyện Phong Điền đã có nền tảng cơ bản trong xây dựng quy trình sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGAP. Bởi VietGAP có những điểm tương đồng với mô hình trồng rau an toàn mà huyện triển khai thực hiện từ năm 2004 (ghi nhật ký sản xuất, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), nguyên tắc 4 đúng...). Huyện đang có chủ trương xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên một số loại cây ăn trái và thủy sản như: dâu Hạ Châu, nhãn Vàm Xáng, ếch, cá rô đồng...”. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, chia sẻ: “Hằng năm, sản lượng cá tra thu hoạch được của hợp tác xã chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy, quy trình nuôi cá tra theo hướng VietGAP sớm được hợp tác xã và các xã viên đồng tình hưởng ứng, thông qua việc xử lý nước, ghi chép các hóa chất đã sử dụng cho từng vụ (tên hóa chất, lý do, thời gian, liều lượng, phương pháp, thời gian cách ly...) nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng con cá tra, môi trường, sức khỏe người lao động...”.

Riêng đối với cây lúa, từ vụ hè thu năm 2011, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã triển khai xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP” tại ấp Thầy Ký, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, qui mô 400ha, với 8 nhóm nông dân (25-30 người/nhóm). Ngành nông nghiệp thành phố kết hợp với địa phương tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và triển khai áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sản xuất nấm xanh để quản lý sâu rầy... Kết quả, “Cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP” tại huyện Vĩnh Thạnh đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác theo tập quán truyền thống hơn 4,6 triệu đồng/ha. Dự kiến, từ vụ đông xuân 2011-2012, mô hình này sẽ được mở rộng địa bàn huyện Cờ Đỏ, Thới Lai với diện tích khoảng 300-500ha, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng trong các năm tiếp theo tại các quận, huyện như: Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt 3.000ha (năm 2012) và 8.000ha (năm 2013)...

* Còn lắm gian nan?

Tuy nhiên, công tác triển khai ứng dụng VietGAP vào thực tế sản xuất tại TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn, trở ngại. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phong Điền, cho biết: “Điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, phân tán làm cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự gắn bó. Bởi người nông dân vẫn chưa có niềm tin sản xuất theo VietGAP sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cách làm thông thường, còn doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thì ngán ngại trong việc tiếp cận để thu mua sản phẩm. Hơn nữa, nhu cầu thị trường về sản phẩm sạch, an toàn chưa cao, nên người sản xuất lẫn nhà phân phối chưa có động lực trong việc đầu tư cho VietGAP...”.

Thông qua chương trình, nhiều nông dân đã được tập huấn về sản xuất an toàn theo VietGAP. Tuy nhiên, phần lớn nông dân chưa được huấn luyện đầy đủ nội dung của VietGAP nên thấy rườm rà, khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dâu Hạ Châu, cho biết: “Dâu Hạ Châu là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao của địa phương. Do đặc tính sinh học của loại cây này ít mang mầm bệnh, không phải tốn nhiều công chăm sóc... nên hoàn toàn có khả năng áp dụng VietGAP vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, khi tham gia sản xuất theo VietGAP nhiều xã viên cảm thấy xa lạ và e ngại khi phải ghi chép và lưu giữ nhật ký sản xuất về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tình hình tiêu thụ sản phẩm...”. Tại các địa phương, nhà nước và các bộ ngành chỉ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ cụ thể, đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm VietGAP đến nay vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Ông Huỳnh Văn Út, nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, nói: “Trồng rau theo VietGAP, chúng tôi phải gò mình vào khuôn khổ nên không “thoải mái” lắm. Trong khi đó, rau trồng theo VietGAP hay theo lối truyền thống thì giá bán trên thị trường vẫn ngang nhau”.

Để tháo gỡ những “nút thắt” vừa nêu, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, chia sẻ: “Quy trình sản xuất theo VietGAP không hoàn toàn phụ thuộc vào khoa học kỹ thuật mà chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người sản xuất và phương pháp tổ chức quản lý trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. VietGAP do Bộ NN&PTNT chủ trì nhưng nông dân lại là chủ thể trực tiếp thực hiện. Chính vì thế, vấn đề làm thế nào để chuyển biến nhận thức cho người nông dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cần cho nông dân thấy rằng, sản phẩm họ làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu, “bán những gì khách hàng cần, chứ không phải bán những gì chúng ta có”... Chỉ như vậy, sản phẩm nông nghiệp nói chung và con cá tra nói riêng mới có chỗ đứng và được khách hàng trong và ngoài nước chấp nhận”. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: Để VietGAP thực sự mang lại hiệu quả, vai trò của nhà nước phải được phát huy cao độ và mối liên kết “4 nhà” phải thắt chặt hơn nữa. Có như vậy, quy trình VietGAP mới thực sự mang lại lợi ích cho cả người sản xuất, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Mặc dù đã xây dựng được những nền tảng nhưng sản xuất theo quy trình VietGAP tại TP Cần Thơ đã bộc lN

Chia sẻ bài viết