Ca sĩ Phi Nhung đã ra đi, để lại trong lòng người hâm mộ một miền ký ức đẹp...

Ca sĩ Phi Nhung trong lần biểu diễn tại Cần Thơ.
Khi nói đến ẩm thực miền Tây, cô giáo tôi từ Hà Nội vào Cần Thơ nhắc đầu tiên về canh chua với bông điên điển, với lý do rất thích ca sĩ Phi Nhung hát bài “Bông điên điển”, nên muốn nhìn thử bông điên điển ra sao mà Phi Nhung hát hay như thế: “Nghe cái là thương miền Tây liền”.
Câu chuyện của cô giáo khiến người viết nghĩ, âm nhạc là văn hóa và ca sĩ với giọng hát của mình, cũng là một sứ giả văn hóa. Ca sĩ Phi Nhung đã làm tròn điều ấy khi phác họa cả một miền Tây mến yêu qua những ca khúc mà nữ ca sĩ đã trình bày. Đó là: “Bông điên điển”, “Phải lòng con gái Bến Tre”, “Ninh Kiều em gái Cần Thơ”, “Lý Con sáo Bạc Liêu”, “Chiều qua phà Hậu Giang”, “Con gái của mẹ”, “Hoàng hôn màu tím”, “Bông bí vàng”... Giọng hát trầm khàn với cách luyến láy, xử lý nốt trầm và nốt cao đặc biệt, cùng sự hòa điệu, cảm xúc trong bài hát đã giúp tiếng hát Phi Nhung đi vào lòng người. Nhiều người vẫn mặc định tiếng hát Phi Nhung với các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Phi Nhung lại còn là một giọng ca cổ nhạc, một nghệ sĩ cải lương tài hoa. Những bài vọng cổ song ca như “Con gái của mẹ” (hát với nghệ sĩ Phượng Liên), “Căn nhà màu tím” (hát với ca sĩ Mạnh Quỳnh)... như một dấu ấn đẹp trong đời nghệ sĩ. Ở lĩnh vực cải lương, Phi Nhung diễn khá nhiều vở nhưng để đời là vai vợ thằng Đậu trong vở diễn cùng tên. Nét diễn ngờ nghệch, đáng yêu, hậu đậu, hóm hỉnh của ca sĩ Phi Nhung đã ghi đậm dấu ấn cho nhân vật dân gian vốn chỉ là truyền miệng.
Thời gian gần đây, ca khúc “Bậu ơi đừng khóc” (sáng tác: Hamlet Trương) do ca sĩ Phi Nhung trình bày rất nổi tiếng trên mạng xã hội và các kênh âm nhạc trực tuyến. Nghe ca sĩ Phi Nhung thể hiện bằng giọng ca nức nở: “Bậu ơi, em đang buồn ai lắm phải không. Mà ra ngồi khóc cho mờ phai má hồng. Bậu ơi em đừng khóc, bậu ơi em nhìn coi. Khán giả đây rồi người ta mong thấy em cười...” khiến nhiều người phải rưng rưng. Đó lại là một dấu ấn đẹp trên hành trình hơn 30 năm theo nghiệp cầm ca và ghi dấu tiếng hát Phi Nhung trong lòng người mộ điệu.
Nhắc lại chặng đường đã qua để thấy rằng, hơn 3 thập kỷ qua, ca sĩ Phi Nhung đã để lại một miền ký ức thật đẹp, ngọt ngào và dễ thương. Đó là ký ức về các cô cậu học trò chuyền tay nhau chép cho bằng được “Bông điên điển của Phi Nhung” hay là các cô dì lớn tuổi vừa nghe Phi Nhung và Phượng Liên hát “Con gái của mẹ” mà ngậm ngùi lấy tay lau nước mắt...
Ca sĩ Phi Nhung đã đi vào miền thinh không nhưng miền ký ức của chị thì người mộ điệu sẽ còn nhớ mãi!
Bài, ảnh: DUY KHÔI