19/10/2023 - 09:04

Con gái chăm mẹ bệnh 

Vừa tròn 20 năm làm việc, đủ điều kiện hưởng lương hưu, chị Nga liền xin nghỉ để về nhà chăm mẹ bệnh. Mẹ chị, cụ Tô Thị Chức (77 tuổi, ở khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) sau tai nạn té ngã, bị chấn thương gãy xương rồi biến chứng, đã nằm một chỗ gần 10 năm nay.

Chị Nga ngày đêm cận kề, chăm sóc mẹ già bị bệnh.

Chị Phan Thị Nga (53 tuổi) là con gái thứ 4 trong gia đình 8 anh chị em. Những năm trước, cha của chị Nga còn sống, khỏe mạnh, một tay ông đỡ đần, chăm sóc cho vợ. Các con ở gần, thỉnh thoảng chạy qua lại, phụ với cha chăm lo cho mẹ. Nhưng không may trong đợt dịch COVID-19, cụ ông mắc bệnh, không qua khỏi. Cụ bà ở lại, không tự lo liệu được cho mình, trông cậy vào con cháu.

Ngay khi tròn 20 năm công tác, chị Nga liền xin nghỉ hưu, dành toàn bộ thời gian chăm sóc mẹ già. Khi bà cụ mới bị tai nạn, sau phẫu thuật gãy xương đùi, bà còn đi đứng được. Nhưng dần dần, bệnh biến chứng, cứng khớp, teo cơ, bà cụ đi lại khó khăn rồi nằm một chỗ đến nay. Cụ cũng ít nói chuyện dần rồi ngưng bặt.

Trong căn nhà nhỏ ở khu vực 2, trọn gian phòng khách sáng sủa được kê hai cái giường, một của cụ Chức, một của chị Nga. Ngày cũng như đêm, chị Nga cận kề bên mẹ, chăm sóc từng li từng tí, đút thức ăn, nước uống. Mẹ chị Nga ăn chay trường nên chị đổi bữa thức ăn thường xuyên, xay nhuyễn, nấu nhừ để mẹ dễ tiêu hóa, đủ dinh dưỡng. Chị cũng sợ mẹ ăn cháo nhuyễn hoài đâm ngán, nên mỗi bữa nấu cơm, đợi lúc sôi, chị bới một muỗng nấu riêng cơm mềm cho mẹ. Người bệnh nằm lâu một chỗ thường bị viêm loét tì đè, biết vậy, chị Nga thường xuyên xoay trở để cơ thể bà cụ lưu thông máu huyết. Những lúc ngơi công chuyện, chị nắn bóp tay, chân cho mẹ già, thủ thỉ nói chuyện với mẹ. Không rõ cụ bà có còn nghe, hiểu được gì không, nhưng có lẽ bà cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo của người con gái qua những cái xúc chạm của đôi tay ân cần.

Chị Nga tâm sự: “Cha mất rồi, chỉ còn có mẹ nên ráng lo cho mẹ, xem như báo hiếu một ít công lao trời biển của đấng sinh thành”. Theo chị Nga, “chăm mẹ già bệnh là một nghệ thuật, phải để ý, rút kinh nghiệm từng chút để mẹ duy trì sức khỏe, hạn chế tối đa nguy cơ dẫn đến các biến chứng”. Chị kể, mỗi lần tắm gội cho mẹ xong, chị tỉ mẩn lau từng kẽ ngón tay, ngón chân cho khô ráo rồi thoa phấn, ngăn tình trạng viêm loét. Lúc trước, bà cụ từng bị loét nặng ở lưng, rất đau đớn. Chị đưa cụ đi bệnh viện điều trị qua cơn nhiễm trùng cấp, về nhà tiếp tục chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ, kiên trì thoa thuốc cho thịt mọc lấp đầy dần chỗ hõm bị loét. Lâu lâu chị đo huyết áp cho cụ. Khi thấy mẹ có triệu chứng gì bất thường, chị gọi đến bác sĩ quen nhờ tư vấn sức khỏe cho mẹ.

Chị Hoàng Thị Luân, cộng tác viên dân số ở khu vực 2, phường Trà Nóc, cũng là hàng xóm của gia đình chị Nga, cho biết, bà con trong khu vực hết lời khen ngợi sự hiếu thảo của chị Nga đối với mẹ già. Bà cụ Chức trước đây còn khỏe mạnh, cũng là người cao tuổi gương mẫu của địa phương, thân thiết, gắn bó với xóm giềng. Hễ gặp con cháu trong xóm, bà đều vui vẻ hỏi thăm, trò chuyện. Bà bị bệnh rồi nặng dần, cũng may có gia đình, con cái yêu thương, chăm sóc rất chu đáo.

“Con nào cũng là con”, là câu cửa miệng như một lời an ủi, làm dịu mong muốn của các cặp vợ chồng quá khao khát sinh con trai nhưng không được toại nguyện. Tuy nhiên, khi về già, nhiều người mới thấm thía rằng, con trai hay gái, miễn sao chúng khôn lớn, trưởng thành, sống tử tế và hiếu thuận với cha mẹ đã là phước đức lớn của gia đình. Có lẽ liên quan đến đặc trưng về giới, phụ nữ đa phần đảm đang, giàu tình cảm và luôn mong muốn bày tỏ sự quan tâm, yêu thương dành cho người thân yêu, nhất là với cha mẹ già.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết