04/12/2024 - 15:49

"Con em chúng ta học gì trong nhà trường?" 

Sách "Con em chúng ta học gì trong nhà trường?" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của nhà báo Nguyễn Minh Hải chuyển tải thông điệp: sự hiểu biết, thông cảm và trợ lực lẫn nhau trong việc giáo dục trẻ giữa nhà trường và phụ huynh vẫn là vấn đề then chốt trong sự nghiệp giáo dục. Trong đó, thầy và trò là nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự phát triển trong môi trường giáo dục này.

Sách dày 208 trang, gồm 41 bài viết với 3 phần chủ đạo: "Con em chúng ta học như thế nào trong nhà trường?", "Hình mẫu người thầy?", "Một số vấn đề của giáo dục".

Phần đầu tiên "Con em chúng ta học như thế nào trong nhà trường?" phản ánh, giới thiệu, gợi mở, đề xuất một số nội dung, phương pháp, cách thức mà con em chúng ta đang học, nên học, cần học trong nhà trường, để có thể bảo đảm yêu cầu về "học văn" tức là học hỏi kiến thức. Phần "Có thể học được gì từ người thầy?" gợi ý về hình ảnh một người thầy nên có trong trường, trong lớp để có thể làm tốt chức trách của mình, đồng thời thuyết phục được cả người học lẫn phụ huynh, nhằm hướng tới mục tiêu "học lễ" của học sinh. Và cuối cùng, "Một số vấn đề của giáo dục" phản ánh những câu chuyện, tình huống, vấn đề của giáo dục nước ta hiện nay trong điều kiện hội nhập và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng.

Ðọc sách, có thể thấy tác giả nhấn mạnh rằng bên cạnh những nội dung cần không ngừng đổi mới thì có những vấn đề dù rất cũ nhưng vẫn cần duy trì và thực hiện tốt. "Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng nhà giáo chỉ là người dạy chữ - theo nghĩa là người truyền đạt kiến thức. Dù đây là chức năng chủ yếu của nhà giáo nhưng bên cạnh đó, người thầy còn nhiều thiên chức khác như làm hình mẫu về đạo đức, lối sống, là người động viên, là người uốn nắn các lỗi lầm, khiếm khuyết của người học, là người giúp đỡ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần cho người học trong một số điều kiện cụ thể nào đó…", nhà báo Nguyễn Minh Hải chia sẻ.

Tác giả đề cập từ hình mẫu người thầy truyền thống đến giai đoạn nghề giáo thời 4.0 mà thầy cô phải cập nhật công nghệ để bắt kịp thời đại. Hơn hết, nhà giáo chính là người truyền cảm hứng cho những thế hệ tương lai của đất nước. Trước tiên, các em học tập những kiến thức được thầy cô truyền thụ; thêm nữa là các em còn học hỏi thêm phương pháp học tập hiệu quả. Việc được truyền cảm hứng để học thêm phong cách, hình mẫu của người thầy sẽ tạo động lực cho các em học tập và phấn đấu. Chính sự thành nhân và thành công của các trò là niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô và nhà trường. Các em chính là thành quả tương lai của nền giáo dục hiện đại, thế hệ xây dựng và kiến tạo đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh.

Sách chưa thể nói đầy đủ các khía cạnh, các vấn đề của giáo dục mà chỉ phần nào gợi cho nhà trường, cho giáo viên và cho cả phụ huynh học sinh những ý tưởng, suy nghĩ, có thể góp phần làm việc giảng dạy nói riêng và công tác giáo dục nói chung ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nhà báo Nguyễn Minh Hải, bút danh là Trúc Giang, quê ở Bến Tre, làm báo từ năm 1998. Hiện ông đang công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Các tác phẩm đã xuất bản: "Đạo đức nghề nghiệp nhà báo" (2016); "Sách trong cuộc đời" (2017); "Những câu chuyện giáo dục - Cần một nền giáo dục thực học - thực nghiệp" (2017); "Rồi ai sẽ kể?" (2018); "Chuyện ở ngoài đường" (2019); "Vượt qua nỗi sợ" (2019); "Góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở cơ sở" (2019); "Cùng em yêu tiếng Việt" (2019); "Cùng con lớn lên từng ngày" (2020); "Đường Hồ Chí Minh trong tâm" (2021); "Học và làm theo Bác" (2022); "Người cha vĩ đại của chúng tôi" (2022); "Thềm cũ đã xanh rêu" (2024); "Học Bác lòng ta trong sáng hơn" (2024).

HUY.M

Chia sẻ bài viết