Sau thời gian lấy ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi, đầu tháng 9-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quyết định chọn phương án 1 để tổ chức 1 kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia). Theo nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh, chọn phương án 1 là phù hợp, ít xáo trộn và giảm áp lực cho học sinh. Song, kỳ thi THPT quốc gia thực hiện ngay năm học 2014-2015, ít nhiều khiến phụ huynh, học sinh băn khoăn, lo lắng!
* Giảm áp lực, ít xáo trộn
Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: “Việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã giảm áp lực thi cử đối với học sinh. Bộ chọn phương án 1, việc giảng dạy và học của giáo viên, học sinh ít xáo trộn, có điều kiện thuận lợi hơn để nâng cao chất lượng giáo dục”. Em Trương Huỳnh Duy, học sinh lớp 12A12, Trường THPT Châu Văn Liêm, nói: “Thay vì thi 2 kỳ thi như trước đây, năm nay, chúng em chỉ dự 1 kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm áp lực thi cử”.
|
Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 12A9, Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: B.NG |
Năm học 2014-2015, Trường THPT Châu Văn Liêm có gần 1.800 học sinh khối lớp 10, 11 và 12; trong đó khối 12 có 15 lớp với 626 học sinh. Từ khi Bộ có chủ trương và thực hiện đổi mới thi cử, năm học 2013-2014 (kỳ thi THPT, học sinh chỉ thi 4 môn, thay vì 6 môn), Trường THPT Châu Văn Liêm có bước chuẩn bị trước cho kỳ thi THPT năm nay. Do vậy, khi có quyết định chính thức từ Bộ, Ban Giám hiệu Trường THPT Châu Văn Liêm tổ chức cuộc họp với các Tổ trưởng Tổ bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để bàn bạc những điểm mới của kỳ thi; đồng thời quán triệt quan điểm, dù kỳ thi đổi mới, các thầy cô phải toàn tâm, toàn lực dạy tốt. Trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, trường và giáo viên chủ nhiệm cũng truyền đạt, giúp học sinh nắm những thay đổi và động viên các em phải học tốt.
Trường THPT Trần Đại Nghĩa cũng chuẩn bị tư thế sẵn sàng để đón đầu phương án 1 kỳ thi quốc gia. Ban giám hiệu Trường lên kế hoạch các tổ, bộ môn chuyển phương pháp dạy phù hợp với yêu cầu thực tế. Định hướng phương pháp kiểm tra đánh giá, nhóm chuyên môn điều chỉnh, hàng tuần tăng cường dự giờ giáo viên nhận xét rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, trường tổ chức dạy thêm, không dạy thêm tràn lan theo lộ trình hỗ trợ cho học sinh. Mặt khác, nhà trường thực hiện biện pháp ổn định tâm lý học sinh, tránh ảnh hưởng học tập. Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, nói: Khi Bộ GD&ĐT chốt phương án kỳ thi, Ban Giám hiệu không cảm thấy bất ngờ. Trong 3 phương án thi, chúng tôi tán thành phương án 1. Thực tế nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh các trường tốt nghiệp THPT đạt 100% nên không nhất thiết tổ chức kỳ thi vì khá lãng phí, tốn kém.
* Còn nhiều băn khoăn
Phải thừa nhận rằng, tổ chức 1 kỳ thi quốc gia sẽ giảm tải đáng kể việc học của học sinh cũng như chi phí xã hội. Thế nhưng, việc tổ chức ngay năm học này khiến nhiều học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên lo lắng. Em Trương Huỳnh Duy trăn trở: “Thi phương án 1, các bạn học khối A1 (toán, lý, ngoại ngữ), D (toán, văn, ngoại ngữ) sẽ có lợi thế hơn. Bởi những bạn học khối A, C phải “luyện” thêm một số môn bắt buộc để đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn nên sẽ có trường hợp học sinh chủ quan “bỏ quên” môn này. Cô Giang Trương Lạc Thư, giáo viên dạy môn Anh văn Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: “Khi biết ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, chúng tôi thấy vui vì môn này được quan tâm; thuận lợi hơn khi giảng dạy vì học sinh học đều, đầy đủ hơn. Thế nhưng, khó khăn hiện nay, từ năm học lớp 11 hay hè, học sinh đã học lệch, chỉ chuyên tâm các môn thi để vào đại học nên ít nhiều mất căn bản. Giáo viên phải hướng học sinh học lại môn này và bổ sung lỗ hổng kiến thức, nhưng không phải làm được ngay vì ngoại ngữ cần có quá trình ôn luyện”.
Bộ GD&ĐT quy định thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ sẽ được xem xét miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp. Thế nhưng, Bộ vẫn chưa quy định cụ thể nên các trường THPT rất khó xác định xét cho học sinh thi môn thay thế. Như Trường THPT Trần Đại Nghĩa hiện có 364 học sinh lớp 12, trong đó có 28 lớp học Tiếng Anh hệ 7 năm, học sinh buộc phải thi tiếng Anh. Em Hồ Hoàng Anh, học sinh lớp 12A2, nói: “Dịp hè, em học theo “phương án” riêng 3 môn thi đại học (Toán, Hóa, Sinh). Vào năm học mới, Bộ thay đổi thi môn bắt buộc, trong đó có môn Anh văn, em và nhiều bạn khác lúng túng. Giờ biết các môn thi nên em chỉ loay hoay học các môn này, không có thời gian học môn khác”. Em Trần Văn Tý, học sinh lớp 12A9, là học sinh tiên tiến 2 năm liền, băn khoăn: “Hằng năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nên em khá chủ quan, tập trung học các môn 2 khối thi đại học A và B. Em học 2 môn Văn và Anh văn không “cừ” lắm, nếu điểm thi chỉ đạt trung bình, giấc mơ vào đại học cũng khó đạt
”.
Theo cô Lê Di Thanh, Bộ nên có hướng dẫn cụ thể về môn thi ngoại ngữ, tiêu chuẩn nào để miễn môn này, tránh tiêu cực và tạo công bằng đối với từng học sinh; giáo viên cũng định hướng ra đề thi, nội dung giảng dạy phù hợp, hiệu quả. Điều quan trọng là việc gộp lại 1 kỳ thi THPT và đại học, chắc chắn sẽ tăng mức độ khó của đề thi nên đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị thật chu đáo. Còn cô Nguyễn Thị Kim Loan cho rằng, Bộ quyết định hơi vội vàng, chưa thăm dò dư luận sâu sát. Các trường không chuẩn bị tâm lý để chuyển đổi kịp thời giữa phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá. Nghe thông tin kỳ thi Quốc gia, có 5 trường hợp học sinh định nghỉ học vì không đảm đương chi phí học tập, thi cử. Cô Kim Loan nói thêm: Nên chăng, Bộ cân nhắc phương án thi Quốc gia phù hợp tình hình thực tế địa phương. Việc tổ chức thi cụm ở TP Cần Thơ gây quá tải. Nếu thi theo cụm nên phân chia 3 cụm để giảm áp lực, tạo điều kiện đi lại cho thí sinh.
***
Sẽ khó lường trước những khó khăn trong việc đổi mới kỳ thi, vì đây là năm đầu tiên, Bộ quyết định gộp kỳ thi “2 trong 1”. Trước mắt, giáo viên, phụ huynh và học sinh sẽ khó tránh khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng. Điều quan trọng là duy trì và phát huy truyền thống dạy tốt - học tốt ở các trường; nhất là động viên, thúc đẩy học sinh nỗ lực học tập tốt, để có thể ứng thí trong kỳ thi sắp tới.
Hằng - Ngọc