28/01/2008 - 10:49

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Khoa Mạch máu - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh:

Có thể tầm soát để loại bỏ u xơ tử cung bằng kỹ thuật làm tắc mạch máu nuôi khối u

Bệnh nhân bị u xơ tử cung đang được bác sĩ bơm thuốc làm tắc động mạch nuôi khối u tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Ảnh: M.N
U xơ tử cung (UXTC) là bệnh rất dễ mắc ở phụ nữ trên 30 tuổi, bệnh có thể gây sẩy thai, sinh non hoặc không có khả năng mang thai. Trước đây, người bị UXTC phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nhưng hiện nay, với điều kiện y tế kỹ thuật cao thì UXTC được giải quyết một cách dễ dàng bằng phương pháp nội khoa, bệnh nhân không phải nằm viện. Xoay quanh vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, chuyên khoa Mạch máu - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đảm trách kỹ thuật làm tắc mạch máu nuôi khối u tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết:

Khác với bệnh u nang buồng trứng (xảy ra ở nhiều lứa tuổi), UXTC không xảy ra trong độ tuổi dậy thì, chỉ xảy ra ở phụ nữ trên 30 tuổi và tỷ lệ mắc đến 12% và chấm dứt ở tuổi mãn kinh. Tức là nếu phụ nữ không mắc UXTC trong độ tuổi sinh đẻ thì khi mãn kinh sẽ không mắc bệnh này. Nguyên nhân mắc UXTC là do gia tăng Estrogen (một loại hóc – môn sinh dục nữ), những phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc UXTC cao hơn những người thon thả, nếu trong gia đình có người bị UXTC thì khả năng mắc càng cao hơn.

* Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu và triệu chứng của UXTC?

- Độ lớn của khối u có khi chỉ bằng hạt đậu, nhưng cũng có thể to bằng trái bưởi và nặng đến vài ký lô. Mức độ phát triển của khối u tùy cơ địa của từng người. Do dân mình chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ nên phần lớn chị em phát hiện UXTC qua các dấu hiệu đã rõ ràng, như gò thành cục ở bụng dưới. Khi đó khối u đã rất to.

Triệu chứng của UXTC là chảy máu kinh bất thường hoặc bị rong kinh, bị đau bụng dưới hoặc đau thắt lưng theo từng cơn, giao hợp bị đau, thiếu máu (do rong kinh), đi tiểu khó hoặc đi tiểu lắt nhắt do khối u làm chèn ép bàng quang.

* UXTC có nguy hại gì, có dẫn đến ung thư không, thưa bác sĩ?

- UXTC ít có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, UXTC có thể gây nguy hại nếu như vị trí của khối u nằm bít kín, gây tắc nghẽn ống dẫn trứng, làm cho trứng không thể gặp tinh trùng, bệnh nhân sẽ bị vô sinh. Trường hợp nhân xơ phát triển trong lòng tử cung thì dễ gây sẩy thai, sinh non. Nếu khối u nằm ở vị trí thấp (ở vùng eo tử cung), sẽ làm cản đường ra của em bé, sản phụ bắt buộc phải sinh mổ.

* Trường hợp đã mang thai mới phát hiện UXTC, thì phải giải quyết như thế nào? Có thể cắt khối u cùng lúc với việc sanh mổ?

- Trường hợp phụ nữ mang thai mới phát hiện UXTC thì phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, nếu khối u nhỏ và không gây cản ngại thì bào thai vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, phụ nữ bị UXTC sau sanh thường bị băng huyết do tử cung không còn khả năng co bóp tốt như người bình thường. Các trường hợp này, nên chọn sinh ở bệnh viện có chuyên khoa sản, có trang thiết bị y tế tốt. Trường hợp phụ nữ trên 35 tuổi, mang thai và bị UXTC thì phải thường xuyên đến bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bào thai và bà mẹ.

Thông thường, bác sĩ không chọn phương pháp bóc tách nhân sơ hoặc cắt khối u cùng lúc với sinh mổ, vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.

* Có thể tầm soát được UXTC, thưa bác sĩ?

- Chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoàn toàn có thể tầm soát được UXTC bằng việc khám sức khỏe, khám phụ khoa định kỳ để siêu âm phát hiện khối u và được bác sĩ hướng dẫn xử lý phù hợp.

Điều cần lưu ý là chỉ 50% trường hợp bị UXTC có triệu chứng, như ra huyết, đau bụng. Do vậy, nhiều chị em vẫn “chung sống hòa bình” với khối u trong thời gian dài dẫn đến hệ lụy về sức khỏe sinh sản: phát hiện khối u khi đã mang thai hoặc phát hiện muộn, khối u đã quá lớn phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Hiện nay, y học phát triển các trường hợp phát hiện sớm UXTC đều có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa là làm tắc động mạch nuôi khối u, khối u sẽ tự thải ra ngoài cơ thể qua đường kinh nguyệt.

* Xin bác sĩ cho biết điều kiện để thực hiện phương pháp gây tắc động mạch nuôi khối u?

- Điều kiện để thực hiện phương pháp gây tắc động mạch nuôi khối u là phải có thiết bị chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA). Màn hình vi tính sẽ hiển thị vị trí khối u và các mạch máu quanh khối u, bác sĩ sẽ luồng ống thông mềm vào động mạch đùi của bệnh nhân để bơm thuốc, thuốc sẽ dẫn vào các mạch màu quanh khối u (làm tắc động mạch). Khối u không được nuôi dưỡng sẽ teo dần và từ 3-6 tháng sau sẽ tự thải ra ngoài cơ thể theo đường kinh nguyệt.

Ưu thế của phương pháp làm tắc động mạch là không gây mê, không để lại sẹo ở thành bụng và tử cung, không gây tai biến. Chị em được mang thai bình thường (nếu thực hiện phương pháp mổ hở thì 3 năm sau mổ mới được mang thai). Một ca gây tắc động mạch chỉ diễn ra trong 30 phút (kể cả thời gian làm vệ sinh cho bệnh nhân), sau bơm thuốc bệnh nhân có cơn đau nhẹ ở bụng dưới, chỉ phải nằm viện trong 6 giờ. Sau thủ thuật bệnh nhân có thể lao động, sinh hoạt bình thường.

Hiện nay, bệnh nhân ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL có thể điều trị loại bỏ UXTC tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Trường hợp bệnh nhân bận công việc làm ăn, có thể chọn thời điểm thực hiện thủ thuật vào ngày cuối tuần. Tuy nhiên, đây là những ca phẫu thuật theo chương trình, nên bệnh nhân phải đăng ký trước với bệnh viện qua số điện thoại (0710) 917908 và để lại số điện thoại cá nhân. Bệnh viện sẽ thực hiện thủ tục thăm khám ban đầu và xếp lịch phẫu thuật.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

M.NGUYỆT (thực hiện)

Chia sẻ bài viết