11/08/2009 - 20:42

Doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động

Cơ quan chức năng bó tay ?

Chị Nguyễn Thị Sắn - công nhân Công ty Giày Cần Thơ, bị tai nạn lao động với tỷ lệ thương tật 82%, nhưng khi xảy ra tai nạn, chị mới biết hằng tháng lương của chị đều bị công ty trích 5% để đóng BHXH, nhưng thực tế công ty không đóng mà sử dụng vào việc khác.
Ảnh: C.D

Hiện nay, ở TP Cần Thơ có trên 5.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chưa kể hàng trăm cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp của Trung ương và địa phương. Bên cạnh những đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm pháp luật lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động, thì vẫn còn những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm. Điều đáng nói là có những vi phạm dây dưa kéo dài, có doanh nghiệp cố tình chây ỳ không thực hiện các quy định của pháp luật lao động... nhưng vẫn chưa được xử lý.

Trong các vi phạm trên, vi phạm gây bức xúc nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của người lao động là vấn đề chậm, thậm chí không trích nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động. Theo thống kê của BHXH TP Cần Thơ, hiện còn 25 doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn thành phố nợ tiền đóng BHXH của trên 1.500 lao động, với tổng số tiền hơn 3,514 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “BHXH thành phố nhiều lần nhắc nhở, làm việc, đôn đốc thu đối với các đơn vị còn nợ đọng BHXH nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị vẫn không chấp hành”.

Việc doanh nghiệp không trích nộp BHXH, dẫn đến người lao động bị thiệt thòi quyền lợi, điển hình như trường hợp hàng trăm công nhân của Công ty Giày Cần Thơ. Công ty thành lập từ năm 1995, do làm ăn thua lỗ nên ngày 31-12-2005 ngừng hoạt động, ngày 24-7-2006, TAND TP Cần Thơ chính thức mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Ngày 5-3-2007, Tòa án đã mở thủ tục thanh lý tài sản của công ty. Trước khi nộp đơn yêu cầu phá sản, công ty nợ hơn 25 tỉ đồng, trong đó, nợ có bảo đảm hơn 16,6 tỉ đồng; nợ không có bảo đảm hơn 4,2 tỉ đồng và nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH và các quyền lợi khác của người lao động hơn 4,2 tỉ đồng. Hằng tháng công ty đều trích của NLĐ 5% lương để đóng BHXH, nhưng thực tế công ty chỉ đóng BHXH cho 150 lao động, còn lại hơn 430 lao động, công ty không đóng mà sử dụng số tiền này vào mục đích khác. Do không đóng BHXH, nên công nhân lao động của Công ty Giày Cần Thơ không được giải quyết các quyền lợi khi nghỉ việc. Mãi đến cuối năm 2008, qua hàng chục cuộc họp giữa các ngành chức năng của TP Cần Thơ, quyền lợi của hơn 430 lao động mới được giải quyết sau hơn 3 năm mòn mỏi chờ đợi.

Do mức xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp vi phạm về BHXH còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục phớt lờ. Nghị định 135/2007/NĐ-CP quy định mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi trên là 20 triệu đồng. Và theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 22-4-2008, mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm pháp luật về BHXH là 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà doanh nghiệp còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn hoặc không thời hạn. Tuy nhiên, thực tế ở Cần Thơ chưa có doanh nghiệp nào chịu những chế tài này. Điều 138 Luật BHXH quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng trong Bộ luật Hình sự lại không quy định tội danh liên quan đến BHXH.

Một khía cạnh khác liên quan đến việc chấp hành pháp luật lao động là tình trạng doanh nghiệp chây ỳ không chịu thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh lực lao động. Ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, Thanh tra lao động chỉ thanh tra, hướng dẫn, kiến nghị chứ ít xử phạt. Khi tiến hành thanh tra phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính thì hầu như không doanh nghiệp nào chấp hành”. Ông Trần Vinh Quang nêu ra hàng loạt doanh nghiệp chây ỳ và không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính kéo dài từ 2-3 năm, như: Công ty 721, Công ty 675, Công ty TNHH sản xuất kinh doanh đá Granite Tài Phong... Thậm chí có doanh nghiệp, về phía Thanh tra Sở kiến nghị và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ 8 vẫn không chấp hành việc đóng phạt. Đó là Công ty TNHH sản xuất kinh doanh đá Granite Tài Phong, ở quận Cái Răng. Năm 2007, qua 3 lần kiểm tra, phúc tra việc chấp hành pháp luật lao động, đoàn kiểm tra liên ngành đã hướng dẫn và kiến nghị công ty này khắc phục những sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động, nhưng công ty không chấp hành, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiến nghị các cơ quan chức năng ra 8 quyết định xử phạt, với số tiền trên 54,5 triệu đồng. Dù công ty này không chấp hành nộp phạt, nhưng hiện nay vẫn hoạt động bình thường!(?). Trong trường hợp này, chế tài là khấu trừ số tiền phạt vào số dư trong tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng. Tuy nhiên, khi đó tài khoản của doanh nghiệp chỉ có 1-2 triệu đồng, không thấm vào đâu so với số tiền phải nộp phạt. Thanh tra thông báo với ngân hàng, nơi doanh nghiệp mở tài khoản, nhưng ngân hàng không mặn mà lắm vì sợ mất khách hàng. Theo ông Trần Vinh Quang, giải pháp cuối cùng để xử lý các doanh nghiệp chây ỳ là tham mưu với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH làm văn bản kiến nghị UBND thành phố xem xét xử lý. Sau đó, tiếp tục lên kế hoạch phúc tra lại những doanh nghiệp không chấp hành để xử lý.

Để đảm bảo việc thực thi các quy định pháp luật về lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong đó có việc trích nộp BHXH, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc BHXH TP Cần Thơ, cho biết: “Trách nhiệm chính trong việc để xảy ra nợ BHXH là chủ doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị không nhận thức, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, BHXH đã tổng hợp danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH báo cáo với Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động thành phố... để cùng phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết. Thời gian tới, BHXH TP Cần Thơ tăng cường công tác tuyên truyền để các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm việc trích nộp BHXH; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động thành phố kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi BHXH của người lao động”. Còn vấn đề doanh nghiệp chây ỳ, dây dưa trong việc thực hiện và chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực thực hiện pháp luật lao động, ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho rằng: “Cần sửa đổi các văn bản liên quan để tăng mức phạt, đồng thời thực hiện nghiêm khắc các chế tài khác như đình chỉ hoạt động, rút giấy phép của doanh nghiệp... Có như thế mới hạn chế được tình trạng doanh nghiệp bị phạt, nhưng cứ nhởn nhơ coi thường pháp luật”.

Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có việc chậm và cố tình không trích nộp BHXH cho người lao động, cũng như chấn chỉnh kỷ cương trong việc chấp hành các quyết định xử phạt trên lĩnh vực lao động, ngành LĐ-TB&XH và BHXH cần thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Lao động, Luật BHXH cùng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động để chủ doanh nghiệp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nắm rõ. Qua đó tác động, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị phải chấp hành nghiêm các quy định liên quan đến pháp luật về lao động. Mạnh dạn đề xuất và xử lý nghiêm khắc, thậm chí tham mưu để đình chỉ, rút giấy phép hoạt động khi doanh nghiệp dây dưa, vi phạm nhiều lần các quy định về pháp luật lao động hoặc chây ỳ trong việc thực hiện các quyết định xử phạt của cơ quan chức năng trên lĩnh vực lao động. Có như thế, mới đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm và quyền lợi của người lao động được đảm bảo.

PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết