Nhu cầu thực phẩm của thế giới tăng cao, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới phát huy hiệu lực mở ra cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nước ta. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn thủy sản sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc ngày càng được đề cao. Thực tế này đòi hỏi các hộ nuôi, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vùng ĐBSCL phải chuyển mình thích ứng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Thích ứng
Thu hoạch tôm nuôi bằng chế phẩm sinh học tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Tại TP Cần Thơ, những năm qua, ngành nông nghiệp định hướng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn GAP, ASC, SQF, BMP, BAP… nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến cuối năm 2019, diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của thành phố đạt trên 288ha, bao gồm 274,35ha VietGAP và 13,75ha BAP+ASC…
Nhiều hộ nuôi, HTX tại vùng ĐBSCL cũng đầu tư nuôi thủy sản theo hướng sạch, sinh thái để đáp ứng yêu cầu từ thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Cái Bát (tỉnh Cà Mau), trước đây, các thành viên của HTX thả nuôi nhỏ lẻ, sản xuất tự phát, không đầu tư nên hiệu quả hoạt động cũng như lợi nhuận mang lại không cao. Từ thực tế này, HTX bắt đầu chuyển hướng sang liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện HTX Cái Bát đã phát triển 320ha ao nuôi thủy sản, trở thành vùng nguyên liệu tôm sạch phục vụ xuất khẩu theo tiêu chuẩn ASC cho doanh nghiệp. Tham gia chuỗi liên kết, các thành viên HTX được bảo đảm chặt chẽ từ khâu giống, chế phẩm sinh học, thức ăn, cho đến đầu ra. Ngoài ra, các thành viên còn được doanh nghiệp hỗ trợ vốn để tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo hồ nuôi theo tiêu chuẩn.
Bên cạnh việc sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn, nhiều doanh nghiệp, HTX còn tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản. Theo ông Nguyễn Hữu Anh, Giám đốc HTX Công nghệ cao Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), với quyết tâm đưa con tôm sạch - tôm chất lượng - sản phẩm giá trị gia tăng cung ứng ra thị trường, HTX đưa ra khẩu hiệu “Mẹ nấu - con yêu - ba thích”. Cùng với đó, HTX đầu tư nhà xưởng bài bản đạt chuẩn HACCP; hoàn thiện bao bì, nhãn mác; đăng ký cho dòng sản phẩm mới: tôm giòn, bánh tráng tôm... Nhờ đó, sản phẩm của HTX khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng rất ưa chuộng trên thị trường và có những đơn đặt hàng lớn hằng tháng. Với thành công bước đầu, HTX kỳ vọng năm 2020 sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho sản phẩm của HTX đi vào thị trường lớn và xuất khẩu.
Tận dụng cơ hội
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chính phủ, ngành thủy sản và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam ngày càng quan tâm đến an toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường-xã hội; các nhà máy chế biến đều áp dụng HACCP; ngày càng nhiều vùng nuôi, nhà máy chế biến đạt các chứng nhận bền vững: ASC, GlobalGAP, VietGAP, MSC… Đó là chưa kể, Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp khối lượng thủy sản an toàn, chất lượng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào từ 28 tỉnh ven biển, nguồn đất/nước nuôi trồng thủy sản và ngành chế biến phát triển với hơn 600 doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu Việt Nam biết khai thác đúng và hợp lý các tiềm năng hiện có sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản.
Hiện thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Trong đó, tốp 4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và 2 thị trường mục tiêu 1 tỉ USD là Hàn Quốc và ASEAN. Đây là những thị trường khó tính nên vấn đề sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn phải được đặt lên hàng đầu. Với kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong ngành chế biến thủy sản, ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết: Công ty chuyên xuất khẩu cá tra phi lê ra thị trường các nước khó tính: Mỹ và EU. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm đặt ra rất nghiêm ngặt. Năm 2019, xuất khẩu cá tra gặp không ít khó khăn nhưng đơn vị vẫn xuất khẩu đạt 30 triệu USD. Năm 2020, Caseamex đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 30%.
Theo chị Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát (tỉnh Cà Mau), trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia và các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định EVFTA vừa được thông qua sẽ mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam. “Để tận dụng được cơ hội này thì ngành thủy sản cần đẩy mạnh hơn trong phát triển chuỗi thủy sản Organic. Chúng ta phải làm chuẩn, làm chất lượng thì khách hàng mới tìm đến mình!”. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Trong năm 2020, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch; áp dụng các quy trình tiêu chuẩn vào sản xuất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời, tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật sản xuất thủy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SQF 1000M, ASC... Đối với ngành cá tra tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất (bao gồm người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, các dịch vụ thủy sản) để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nhấn mạnh: “Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp, hộ nuôi phải hình thành các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan để tối ưu hóa chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, việc tăng cường sử dụng các công nghệ tiên tiến cũng được xem là một trong những biện pháp chính giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành này”.
Bài, ảnh: MỸ THANH