01/01/2013 - 21:22

Năm 2013:

Cơ hội và thách thức

Năm 2012, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chưa cao; nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; doanh nghiệp không phát sinh thuế, nợ thuế do không tiêu thụ được sản phẩm; thị trường bất động sản đình trệ… đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của các địa phương trên cả nước. Dự báo, những thách thức này tiếp tục kéo dài sang năm 2013…

Thách thức…

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 3-1-2012) của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết 13/NQ-CP (ngày 10-5-2012) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy đầu tư phát triển, các bộ ngành Trung ương và địa phương cả nước đã vào cuộc quyết liệt. Lạm phát được kiềm chế đúng hướng, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước ước đạt 5,03% (kế hoạch đề ra là 6-6,5%); trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 4,52%, nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, dịch vụ tăng 6,42%. CPI năm 2012 được kiềm chế ở mức 6,81% (kế hoạch là 8%). Tính đến 20-12, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,45% so với cuối năm 2011. Thực hiện quản lý chặt chẽ đầu tư công và tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng, nhiều công trình, dự án không bức thiết được tạm dừng thi công. Nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn cho phép…

DN xuất khẩu lúa gạo hy vọng năm 2013 thị trường sẽ khả quan hơn. Ảnh: CTV 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết dù đạt được kết quả quan trọng trên lĩnh vực kinh tế- xã hội, nhưng nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng so với năm trước, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến 20-12, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới cả nước khoảng 68.300 DN, tổng vốn đăng ký 458.800 tỉ đồng, giảm gần 10% về số DN và giảm 7,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Đồng thời, cả nước có 51.800 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động. Năm 2012, xuất siêu 284 triệu USD, nhưng chủ yếu dựa vào tăng trưởng của khu vực FDI, còn kim ngạch xuất khẩu của DN trong nước hầu như không tăng. Việc giảm kim ngạch nhập khẩu do giảm nhu cầu vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu trong năm mới.

Cuối tháng 12-2012, trong phiên họp trực tuyến giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương với các tỉnh, thành cả nước về triển khai nhiệm vụ kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 2013 đã được Quốc hội thông qua, lãnh đạo các tỉnh, thành đều thống nhất với kết quả đánh giá của người đứng đầu Chính phủ về thực hiện điều hành, chỉ đạo kinh tế năm 2012. Các địa phương nêu lên những ưu điểm, hạn chế của mô hình tăng trưởng năm qua như: khó khăn của DN, chính sách miễn, giảm, giãn thuế, xuất khẩu một số mặt hàng giảm đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của địa phương. Môi trường kinh doanh và đầu tư chưa thu hút được các tập đoàn, DN lớn đầu tư vào các công trình qui mô. Tiến độ triển khai dự án đầu tư chậm, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký chưa cao… Trong khó khăn, nông nghiệp vẫn là chỗ dựa của nền kinh tế, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia tập trung phần lớn ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, mức đầu tư cho vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các địa phương kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nông dân trồng lúa, nuôi thủy sản, hỗ trợ DN tìm thị trường…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho rằng, kinh tế thủy sản là mũi nhọn của tỉnh, nhưng năm qua gặp rất nhiều khó khăn (dịch bệnh, xuất khẩu gặp nhiều rào cản…). Xây dựng tuyến đê bảo vệ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cần đến 4.000 tỉ đồng để khép kín vùng nuôi, kết hợp với giao thông, tỉnh không kham nổi mà chỉ thực hiện các công trình nhỏ, chống tràn, nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương trong phân bổ vốn, mời gọi đầu tư. Thêm vào đó, đê biển Đông, biển Tây ngăn sạt lở cũng cần vốn rất lớn, nhưng Trung ương mới ghi vốn vài trăm tỉ thì khó thực hiện đồng bộ. Theo ông Tươi, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đang tác động đến tỉnh, do vậy tỉnh rất cần nguồn vốn đầu tư các công trình đê biển bức thiết.

Kỳ vọng năm mới

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: "Thu ngân sách của thành phố đạt thấp so với kế hoạch, cân đối vốn đầu tư phát triển chưa được tháo gỡ kịp thời, thiếu vốn bổ sung cho một số công trình trọng điểm, bức xúc hoàn thành trong năm 2012. Công tác xúc tiến đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư, xã hội hóa trên một số lĩnh vực còn nhiều bất cập, nên huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển chưa cao"… Năm 2013, theo kế hoạch tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ là 12,5%; tuy nhiên để làm được điều này, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, ngoài nỗ lực của thành phố thì sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong phân bổ các nguồn vốn rất cần thiết.

Trả lời kiến nghị các địa phương ĐBSCL về phân bổ vốn kế hoạch đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, trong tình hình khó khăn chung về vốn ngân sách, Bộ chia sẻ với các địa phương. Tuy nhiên, các địa phương ĐBSCL cần bám sát kế hoạch vốn phân bổ giai đoạn 2013- 2015 để đầu tư hợp lý, tránh dàn trải. Phải nhìn nhận rằng, ĐBSCL là vùng nông nghiệp, FDI vào nông nghiệp rất hạn chế… Bộ đang cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ xây dựng cơ chế thu hút FDI cho vùng ĐBSCL; bộ đã trình Chính phủ Nghị định 61 về thu hút FDI sửa đổi và sẽ ra đời trong vài tháng nữa, đây là điều kiện để thúc đẩy kinh tế cho vùng. Các công trình "Đầu tư trang thiết bị Bệnh viên Đa khoa TP Cần Thơ (vốn khoảng 10 triệu euro của Cơ quan Phát triển Pháp) hiện đã viện trợ không hoàn lại 60.000 euro, bộ sẽ phân bổ sớm cho Cần Thơ. Còn vốn cho đê biển Tây tỉnh Cà Mau ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt…

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương trong tái cơ cấu kinh tế cần chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp và dựa vào thế mạnh của địa phương để phân bổ nguồn vốn đầu tư cho từng đối tượng cây, con hợp lý. Bộ trưởng lưu ý, năm 2012 nước lũ rút sớm, lũ nhỏ nên bà con vùng trồng lúa ĐBSCL đã tranh thủ xuống giống vụ đông xuân 2012- 2013, nên thu hoạch sớm 20 ngày đến một tháng so vụ đông xuân trước. Bộ đang trình Chính phủ để có kế hoạch tạm trữ lúa đông xuân kể cả trong DN và trong dân, đảm bảo tiêu thụ hết lúa hàng hóa. Về con tôm sú, bộ đã mời các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, kết quả ngoài nguyên nhân sinh học thì nguyên nhân chủ yếu là môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đã bùng phát dịch bệnh. Riêng cá tra sẽ cố gắng ra mắt Hiệp hội cá tra Việt Nam trong quý đầu năm 2013. Năm 2013 trọng tâm là quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để nâng cao giá trị sản phẩm (năm 2012, Bộ đã ban hành 45 văn bản pháp quy thực hiện ATVSTP). Trên lĩnh vực xây dựng NTM, cả nước mới có 44% xã có quy hoạch NTM; Bộ trưởng đề nghị thực hiện các địa phương khẩn trương qui hoạch, NTM không chỉ có con đường đẹp mà nơi đó phải có gia đình hạnh phúc, hệ thống chính trị vững mạnh…

Hiện nay, trần lãi suất huy động đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm còn 8%/năm để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN vượt khó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu lãi suất cho vay giảm thêm, các giải pháp giải phóng hàng tồn kho của Bộ Công thương phát huy hiệu quả, thị trường được khơi thông sẽ tạo ra nhiều kỳ vọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013. Về giải pháp điều hành, chỉ đạo năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ưu tiên kiềm chế lạm phát ngay đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế phải cao hơn năm 2012; chính sách an sinh xã hội đảm bảo; giữ vững quốc phòng- an ninh; tập trung gỡ khó cho DN…

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết