27/06/2010 - 08:39

Cơ hội mới cho 6 đô thị lớn ở ĐBSCL

Ngày 21-6, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo báo cáo đề cương chi tiết về Dự án nâng cấp đô thị (NCĐT) vùng ĐBSCL. Hội thảo đã đi đến thống nhất nhiều vấn đề quan trọng như: các phương án đề xuất triển khai dự án, nguồn vốn đối ứng đầu tư, lộ trình đầu tư của từng địa phương... Dự án này được kỳ vọng sẽ làm “đổi đời” ở 6 đô thị lớn vùng ĐBSCL.

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ

Dự án NCĐT vùng ĐBSCL nằm trong chương trình “Xây dựng chiến lược nâng cấp đô thị Quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho NCĐT đến năm 2020 (NUUS)”, với mục tiêu nâng cao điều kiện sống của người dân các đô thị vùng ĐBSCL. Nơi đây được đánh giá là vùng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tỷ lệ nghèo đói giảm nhiều hàng năm, nhưng sự không đồng đều về phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực đô thị thể hiện rõ nét trong những điều kiện sống, các dịch vụ cơ bản còn hạn chế như: nhà ở, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường và sự tập trung quá đông dân cư ở một số nơi nhất là trung tâm đô thị... Năm 2007, Bộ Xây dựng đã đề ra chiến lược NCĐT Quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho NCĐT đến năm 2020. Dự án NCĐT Việt Nam đầu tiên đã thực hiện thành công tại 4 thành phố: TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng và Cần Thơ đã mang lại lợi ích cho khoảng 2,2 triệu người bằng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ cơ bản.

Lần này, sau hơn một năm nghiên cứu và được Bộ Xây dựng thông qua phương án khả thi dự án NCĐT vùng ĐBSCL tại 6 đô thị, gồm: TP Cần Thơ, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TX Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Tại hội thảo lần này (hội lần thứ nhất diễn ra vào giữa năm 2009, tại TP Cần Thơ), cả 6 đô thị đều hoàn thành báo cáo tóm tắt đề cương chi tiết của mỗi tiểu dự án với phạm vi, địa điểm, mục tiêu, tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn, phân chia các giai đoạn đầu tư dự án và những kiến nghị cụ thể của từng địa phương với Bộ Xây dựng, Ngân hàng Thế giới (WB)...

 Hồ Xáng Thổi được nâng cấp cải tạo trở nên khang trang từ chương trình nâng cấp đô thị Việt Nam.

Bà Đỗ Tú Lan, Cục phó Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, Kiêm giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết: Dự án NCĐT vùng ĐBSCL sẽ bao gồm 7 hạng mục chính nhằm cải thiện môi trường sống tốt nhất cho người dân đô thị. Thứ nhất, là nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp III (khu vực có điều kiện yếu kém về cơ sở hạ tầng - LIA) sẽ cung cấp một gói cơ sở hạ tầng cấp III đa ngành và cải thiện các dịch vụ ở những khu thu nhập thấp đã được xác định. Gói này bao gồm tổng hợp cả cấp nước, thoát nước, mở rộng đường ngõ hẻm để các phương tiện khẩn cấp có thể ra vào được; đường sá, điện chiếu sáng và các dịch vụ vệ sinh (khoảng 96 triệu USD)... Hạng mục thứ hai, nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp I, cấp II và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cấp III nhằm cung cấp tài chính cải tạo hạ tầng cấp I, II ở những nơi cần thiết để bổ sung cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng cấp III (kinh phí thực hiện khoảng 172 triệu USD)... Hạng mục thứ ba, xây dựng các khu tái định cư, mặc dù trong dự án sẽ giảm thiểu tái định cư, nhưng đối với những trường hợp không thể tránh khỏi, nhất là những trường hợp hộ dân sống dọc theo bờ kinh, những vị trí nguy hiểm, không an toàn buộc phải tái định cư (kinh phí thực hiện khoảng 66 triệu USD). Hạng mục thứ tư, quản lý nhà và đất nhằm mục đích xây dựng năng lực cho chính quyền địa phương với trách nhiệm được phân cấp quản lý tốt hơn tài sản đất và nhà trong thành phố (kinh phí thực hiện khoảng 2,34 triệu USD). Hạng mục thứ năm là tín dụng nhỏ để cải tạo nhà ở giúp các hộ dân nghèo cải tạo nhà ở trong khu vực dự án. Hạng mục này được xây dựng trên những thành công của dự án NCĐT giai đoạn 1 với khoảng 30.000 khoản tín dụng nhỏ (kinh phí thực hiện khoảng 10,7 triệu USD). Hạng mục thứ sáu là xây dựng năng lực về quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, nhà, đất (khoảng 17 triệu USD). Hạng mục thứ 7, hỗ trợ kỹ thuật đối với Cục Phát triển đô thị của Bộ Xây dựng (cung cấp tài chính từ một gói hỗn hợp), khoảng 5 triệu USD... Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án khoảng 600 triệu USD, trong đó, vốn đối ứng của các địa phương chiếm 35% (khoảng 154 triệu USD), còn lại 65% là vốn vay ODA của WB.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG SẴN SÀNG

Tại hội thảo, cả 6 tỉnh, thành đã hoàn tất báo cáo tóm tắt đề cương chi tiết của từng địa phương và thống nhất đề xuất những giải pháp thực hiện cụ thể cũng như lộ trình đầu tư, nguồn vốn đầu tư qua các năm... Đây được xem là thành công bước đầu của dự án NCĐT vùng ĐBSCL. Về lộ trình tiếp theo của dự án, bà Đỗ Tú Lan cho biết: Theo kế hoạch, tháng 12-2010 là thời gian tiền thẩm định, đánh giá chất lượng dự án; tháng 6-2011 thẩm định dự án; tháng 9-2011 đàm phán với đối tác và ký hiệp định vay vốn; tháng 12-2011 chính thức phê duyệt dự án đầu tư và tháng 1-2012 sẽ triển khai thực hiện dự án.

Tại TP Cần Thơ, hợp phần 2 của dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp I, II được đề xuất như sau: Đường ống cấp nước phân phối cấp cho các khu LIA 1; cải tạo hồ Búng Xáng; cải tạo rạch Ngỗng, rạch Sao; cải tạo rạch phía Nam hồ Búng Xáng (Từ hồ Búng Xáng đến tuyến cầu số 2 đường 3 Tháng 2); cải tạo hẻm 91 đường CMT8; thiết bị hỗ trợ công tác quản lý hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường; cải tạo và mở rộng các đường giao thông trong trung tâm quận Cái Răng; cải tạo đường Mậu Thân nối dài. Đồng thời xây dựng 3 khu tái định cư ở các phường Châu Văn Liêm (12,91 ha) phục vụ cho quận Ô Môn, phường Thường Thạnh (11,12ha) phục vụ cho quận Cái Răng, phường Long Tuyền (20,66 ha) phục vụ cho quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy. Cho vay cải tạo nhà ở cho khoảng 2.947 hộ (25 triệu đồng/hộ)… Tổng mức đầu tư cho dự án này tại TP Cần Thơ khoảng 112,7 triệu USD.

Đại diện 6 đô thị được lựa chọn để triển khai dự án là Cần Thơ, Mỹ Tho, Cà Mau, Trà Vinh, Cao Lãnh, Rạch Giá đã báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các tiểu dự án nâng cấp đô thị của địa phương. Theo đó, các đô thị đều có những khu vực LIA bất cập, yếu kém về cơ sở hạ tầng đô thị (tổng diện tích 9.641km2 với dân số 133.456 người) và đều có nhu cầu bức thiết về nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm tính bền vững của các đô thị. Mặc dù mỗi đô thị có những nhu cầu nâng cấp khác nhau nhưng đều thống nhất ưu tiên cho những công trình thiết yếu nhất phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân như đường giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn. Đại diện các đô thị cũng thống nhất về nguyên tắc việc triển khai dự án có sự tham gia của cộng đồng tại tất cả các giai đoạn; giảm thiểu di dời, tái định cư, bảo đảm an toàn xã hội; gia tăng tối đa người được hưởng lợi và phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển chung của đô thị, phù hợp với các dự án, kế hoạch đầu tư trên địa bàn.

Đại diện các đô thị tham gia dự án cũng đã đề xuất giải pháp tài chính cho việc triển khai dự án. Số người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án tại 6 đô thị vào khoảng 142 nghìn người và số người hưởng lợi gián tiếp 1,39 triệu người. Số hộ nghèo cần được vay vốn cải tạo nhà ở vào khoảng 12.055 hộ với mức vay bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/hộ.

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết