27/09/2016 - 20:43

Cơ hội làm giàu từ dừa sáp cấy phôi

Sau 7 năm nghiên cứu, Khoa Nông nghiệp – Thủy sản -Trường Đại học Trà Vinh đã nhân giống thành công cây dừa sáp bằng phương pháp cấy phôi. Cây dừa sáp cấy phôi khi ra quả sẽ cho tỷ lệ sáp từ 70-90% so với giống dừa ngoài tự nhiên. Thành công này mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân trồng dừa ở xứ Trà Vinh.

Công trình vì nông dân

Dừa sáp là giống cây đặc sản của nước ta chỉ có ở tỉnh Trà Vinh, trong đó chủ yếu vùng huyện Cầu Kè và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, dừa sáp tự nhiên tỷ lệ trái có sáp chỉ chiếm khoảng 20% nên sản lượng ít, khi ra thị trường giá rất đắt. Do vậy, tuy là cây đặc sản nhưng nông dân vẫn chưa khấm khá được với cây đặc sản này. Chính vì vậy, các kỹ sư Trường Đại học Trà Vinh bắt đầu công trình nghiên cứu cấy phôi dừa sáp. Sau 7 năm nghiên cứu, thực nghiệm, đầu năm 2016 quy trình này được công nhận với sản phẩm giống dừa sáp khi trồng sẽ cho tỷ lệ trái có sáp trên 70%, đặc biệt có vườn tỷ lệ lên đến 90%, 100%.

Tiến sĩ Lâm Thái Hùng- Trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản - Trường Đại học Trà Vinh, cho biết: "Giống dừa sáp ngoài tự nhiên trung bình 1 buồng khoảng 10 trái thì chỉ có 2 trái cho sáp, những trái còn lại là dừa bình thường. Khi đó, nông dân lấy 8 trái không sáp làm cây giống thì cây con khi trưởng thành cho tỷ lệ trái có sáp cũng tương tự. Từ thực tế này nên khoa nghiên cứu lấy phôi (mọng) trái dừa có sáp cấy, nuôi trong môi trường dinh dưỡng để thành cây giống đem đi trồng sẽ cho trái tỷ lệ trái có sáp nâng lên rất cao".

 Cây dừa sáp cấy phôi được ươm thành công.

Bà Phạm Thị Thanh Thúy, Giảng viên Bộ môn Trồng trọt Khoa Nông nghiệp - Thủy sản - Trường Đại học Trà Vinh, người trực tiếp nghiên cứu, cho biết: "Để cho ra một cây giống phải mất hai năm gồm các công đoạn như: lấy phôi trong trái dừa sáp, cấy phôi rồi nuôi trong môi trường dinh dưỡng, đem ra vườn ươm đến khi cây cao khoảng 1 mét có thể cung ứng ra thị trường. Chi phí để làm ra cây giống dừa sáp theo phương pháp này khá cao. Hiện tại, khoa đang nhận hợp đồng cung ứng giống cho nông dân với giá 800.000 đồng/cây. Sau đó nông dân trồng thêm khoảng 4 năm nữa thì dừa sáp sẽ cho trái".

"Tính đến nay Khoa Nông nghiệp - Thủy sản đã ký hợp đồng cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật trồng cho nông dân với diện tích trên 10 ha. Một số vườn đã cho thu hoạch với tỷ lệ trái có sáp đều trên 70%, có vườn lên đến 90% và 100%. Hiện tại khoa cũng đang nhận hai đơn đặt hàng sản xuất 300 cây giống của hai hộ nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng ra dân với diện tích lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng"- cô Thanh Thúy chia sẻ.

Cơ hội làm giàu cho nông dân

Ông Thạch Phu My, Chủ nhiệm HTX dừa sáp Hòa Tân (Cầu Kè, Trà Vinh), cho biết: "Vùng Hòa Tân trồng dừa sáp có tỷ lệ trái sáp khoảng trên 20%, các vùng khác tỷ lệ còn thấp hơn. Hiện tại giá dừa sáp thu mua tại địa phương là 160.000 đồng/trái (loại 1), nhưng không có hàng để bán vì tỷ lệ sáp thấp nên khan hiếm hàng. Khi kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp cấy phôi thành công sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân trồng dừa ở địa phương".

Quả dừa sáp to, tròn và giá trị dinh dưỡng không đổi.

Nông dân Nguyễn Văn Hòa, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, trồng 100 cây giống dừa sáp cấy mô từ giống của trường Đại học Trà Vinh, nay đã cho trái khoảng 50% số cây. Theo ông Hòa cho biết, qua hai đợt thu hoạch đầu, kiểm tra 100% dừa sáp vườn ông đều cho sáp. Hiện tại ông đã liên kết với một số HTX để cung cấp đầu ra ổn định. "Vườn vừa nhà tôi khi ra trái toàn bộ, chỉ cần tỷ lệ trái sáp từ 70% thì cuộc sống gia đình tôi coi như khỏe"- ông Hòa phấn khởi nói.

Nhà nông trồng dừa sáp ở Trà Vinh đang hy vọng giống dừa sáp cấy phôi trong thời gian tới sẽ đem lại lợi nhuận cao. Khi đó, sản lượng lớn nên dừa sáp không chỉ phục vụ nhu cầu làm thực phẩm mà có thể chế xuất dầu, mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học…

Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN

Chia sẻ bài viết