04/04/2019 - 10:01

Cơ hội để nông hộ nhỏ chuyển đổi sinh kế 

Sắp tới đây, những nông hộ nhỏ ở Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), mà cụ thể là ở vùng Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ được chuyển đổi sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu thông qua sự hỗ trợ từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Liên Hiệp Quốc. Vậy, dự án được chọn hỗ trợ phải đáp ứng những tiêu chí nào?

Quỹ Khí hậu xanh sẽ giúp nông dân ĐBSCL chuyển đổi sinh kế. Trong ảnh là một đoạn sông Mekong đi qua địa phận tỉnh An Giang.

►40 triệu USD giúp nông hộ nhỏ chuyển đổi sinh kế

Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tài trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện xây dựng dự án "Chuyển đổi ĐBSCL". Theo đó, mục tiêu của dự án là nhân rộng chuyển đổi sinh kế của nông hộ nhỏ sang những mô hình chống chịu khí hậu và tăng cường sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị dựa vào lũ ở các khu vực được chọn của vùng ĐBSCL, mà cụ thể ở đây là khu vực Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên. Dự án này là một phần của Chương trình tổng thể vùng Đồng bằng sông Mekong cho Việt Nam và Campuchia.

Bà Anjali Acharya, Chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới (WB), tại hội thảo mới đây về tham vấn xây dựng dự án "Chuyển đổi ĐBSCL", vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu xanh (CGF) được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp, cho biết, về ý tưởng đề xuất dự án, thì đây là một phần của Chương trình đa quốc gia bao gồm Việt Nam và Campuchia nhằm tăng cường cách tiếp cận tổng hợp về không gian trên khắp vùng Đồng bằng sông Mekong ở hai quốc gia này để tăng khả năng chống chịu khí hậu, xác định khoản đầu tư đổi mới cho những giải pháp dựa vào tự nhiên, góp phần vào sự chuyển đổi mô hình trong phát triển thích ứng với rủi ro khí hậu. Dự án cũng góp phần quy hoạch dài hạn, điều phối thể chế và các nỗ lực tài chính bền vững ở Việt Nam và Campuchia. Cách thức tiếp cận là tiếp cận theo chuỗi dự án, trong đó, dự án ở Việt Nam được chuẩn bị trước.

Các dự án ở Việt Nam và Campuchia là những dự án đầu tư riêng lẻ nhưng có liên quan, sẽ áp dụng cách tiếp cận quy mô cấp vùng để tổng hợp cho Đồng bằng sông Mekong nhằm hài hòa nhu cầu kinh tế, thể chế chính sách ở quy mô rộng (xuyên biên giới) và tập trung vào chia sẻ kiến thức nhằm cải thiện quá trình ra quyết định, đồng thời cân nhắc các yếu tố không chắc chắn và cân đối được-mất của ngành.

Bà Anjali Acharya cho biết, dự án có 3 hợp phần, gồm hợp phần 1 là hỗ trợ thực hiện chính sách liên quan đến Nghị quyết 120 của Thủ tướng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp phần 2 là cung cấp nguồn tài chính cho các nghiên cứu khả thi và các phân tích khác để chuẩn bị các dự án liên tỉnh cũng như cho cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ để nông hộ/cộng đồng có thể chuyển đổi hiệu quả sang sinh kế chống chịu khí hậu tốt hơn; hợp phần 3 là sẽ hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.

Trong đó, đối với hợp phần 1 được chia ra làm 4 tiểu hợp phần, gồm hỗ trợ điều phối liên tỉnh và cấp vùng; hỗ trợ cơ chế tài chính cho vùng ĐBSCL; cải thiện môi trường, tạo điều kiện cho tư nhân và doanh nghiệp tham gia cấp vốn; tăng cường dịch vụ cung cấp thông tin khí hậu và phối hợp xuyên biên giới trong vùng Đồng bằng sông Mekong.

Còn hợp phần 2 sẽ có 3 tiểu hợp phần, gồm đầu tư nguồn vốn tự nhiên ở Đồng Tháp Mười; đảm bảo bền vững lâu dài ở Tứ giác Long Xuyên; thí điểm đổi mới trong quản lý sạt lở bờ sông.

►Tiêu chí nào để chọn lựa thực hiện dự án?

Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Đối với tiểu vùng Đồng Tháp Mười định hướng phát triển là nhân rộng việc chuyển đổi sinh kế của các hộ nông dân sản xuất theo hướng có khả năng chống chịu với khí hậu. Muốn vậy, cần đầu tư xây dựng một số hạ tầng thiết yếu phục vụ cho quá trình chuyển đổi sinh kế, tăng cường khả năng chống chịu. Cần hỗ trợ thực hiện chương trình nâng cấp chuỗi và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng vào các ngành hàng chủ lực như: lúa gạo, xoài, khóm, cá tra, sen, cá đồng/tôm càng xanh và cây tràm. Còn về phát triển du lịch sinh thái, cần quan tâm hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù của vùng.

Đối với hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước nông thôn và điện, ông Châu gợi ý, nên đầu tư vào các dự án hỗ trợ nâng cấp đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng chống chịu biến đổi khí hậu; các dự án phát triển năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là dựa vào tiêu chí nào để xác định các dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Khí hậu xanh để thực hiện chuyển đổi sinh kế cho người dân?

Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện, cho biết: "Quá trình lựa chọn mình sẽ sàng lọc các ý tưởng dự án qua 4 lớp" và cho rằng, thứ nhất, ý tưởng đó cần phải bảo đảm mục tiêu thích ứng của GCF để giảm thiểu rủi ro từ lũ và hạn cực đoan thông qua sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên; thứ hai, là thỏa 6 tiêu chí của GCF, đặc biệt là tiêu chí về thay đổi hình mẫu phát triển; thứ ba, dựa vào tầm nhìn liên kết vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười và thứ tư là sàng lọc theo tinh thần Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu theo tinh thần của Chính phủ. Chẳng hạn, với lớp sàng lọc thứ nhất, tức đáp ứng giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ, hạn, mặn cho ĐBSCL, thì cụ thể các dự án được chọn ở khu vực Đồng Tháp Mười là những dự án khuyến khích cho những giải pháp dựa vào thiên nhiên, tăng không gian hấp thu lũ vào vùng Đồng Tháp Mười để giảm thiệt hại lũ ở chỗ khác và sang mùa khô giúp cân bằng hạn, mặn cho vùng ven biển. "Nó đáp ứng giảm rủi ro lũ và giảm hạn mặn", ông nói.

Tương tự như trên, các dự án được chọn sẽ là những dự án phải đáp ứng được những tiêu chí còn lại được đặt ra ở trên, đó là phải phù hợp 6 tiêu chí đầu tư của GCF (tiềm năng tác động, thay đổi hình mẫu phát triển, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của quốc gia và cộng đồng tiếp nhận, tính làm chủ của quốc gia tiếp nhận và cuối cùng là hiệu quả và tiết kiệm chi phí); phù hợp tầm nhìn và hướng đi chiến lược liên kết vùng của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên và cuối cùng là phù hợp tinh thần Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: T.C

Chia sẻ bài viết