23/03/2022 - 20:41

Viện Lúa ĐBSCL

Cơ giới hóa khâu gieo sạ lúa bằng máy sạ hàng chính xác 

Với việc nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa, Bộ môn Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (CĐNN&CNSTH) của Viện Lúa ĐBSCL đã phối hợp cùng các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai cải tiến, ứng dụng máy sạ hàng chính xác để phục vụ cơ giới hóa khâu gieo sạ lúa ở ĐBSCL. Qua đó, góp phần giảm lượng giống lúa gieo sạ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Trình diễn gieo sạ trong vụ hè thu 2022 bằng máy sạ hàng chính xác tại Hợp tác xã Khiết Tâm.

Trình diễn gieo sạ trong vụ hè thu 2022 bằng máy sạ hàng chính xác tại Hợp tác xã Khiết Tâm.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Bộ môn CĐNN&CNSTH, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Máy sạ hàng chính xác được Công ty APV (Áo) tài trợ thông qua Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) để phục vụ cơ giới hóa khâu gieo sạ lúa ở ĐBSCL. Bộ môn CĐNN&CNSTH của Viện Lúa ĐBSCL cùng với PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (IRRI) đã tiến hành khảo nghiệm gieo sạ bằng máy sạ hàng chính xác trong 2 vụ lúa (đông xuân 2020-2021, hè thu 2021) và xây dựng mô hình 10ha tại Viện (vụ đông xuân 2021-2022). Đến vụ hè thu 2022, Viện Lúa và IRRI triển khai trình diễn thí nghiệm tại Hợp tác xã Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 5ha. Trong quá trình triển khai, Bộ môn phối hợp cùng PGS.TS Nguyễn Văn Hùng từng bước nghiên cứu, cải tiến thiết bị cho phù hợp với đặc điểm canh tác lúa ở vùng ĐBSCL”.

Máy sạ hàng chính xác có nguồn gốc từ Áo và sử dụng phục vụ gieo ngũ cốc thiết bị điều khiển được gắn trên máy kéo bánh hơi hay máy cày. Với điều kiện canh tác lúa ở ĐBSCL, máy được cải tiến để vận hành trên nền đất ướt. Vì vậy thiết bị được gắn trên đầu kéo của máy cấy. Đồng thời, máy đã tiến hành cải tiến một số bộ phận trục gieo, bộ phận trượt phía sau… tạo rãnh ép thoát nước, cải tiến vị trí lắp đặt cảm biến để phù hợp với đồng ruộng Việt Nam. Bộ cảm biến thông minh khi cài đặt sẽ thiết lập vận tốc vận hành của máy. Căn cứ vào tốc độ di chuyển trên bề mặt ruộng, thiết bị sẽ tự báo về bộ điều khiển để điều phối cho trục quay của hạt điều chỉnh lượng giống cần gieo sạ tương ứng. Có những trường hợp vận tốc di chuyển của máy thay đổi do điều kiện mặt ruộng, thiết bị sẽ ghi nhận, phản hồi về hệ thống điều khiển và tự điều chỉnh lượng hạt gieo sạ ngay nhờ bộ cảm biến thông minh.

Nếu giảm lượng giống gieo sạ, giảm mật độ cây lúa, nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm đi, góp phần tạo cân bằng sinh thái tốt cho đồng ruộng, ít sâu bệnh. Ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chuyên gia tư vấn Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững) TP Cần Thơ, chia sẻ: Với máy phun hạt, máy kéo hàng, nông dân có thể sạ ở mức 100kg lúa giống/ha và bản thân nông dân vẫn điều chỉnh tăng lượng hạt giống gieo sạ lên mức cao hơn. Còn với máy sạ hàng chính xác được lập trình sẵn sẽ góp phần đảm bảo mật độ gieo sạ, chuẩn hơn, đồng đều hơn. Hiện nay, các dòng máy đang trong giai đoạn thử nghiệm nên cần cải tiến máy phù hợp với điều kiện đồng đất cũng như cần sự phối hợp của nông dân trong khâu thiết kế đồng ruộng.

Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, chia sẻ: Những năm qua, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ thường xuyên tuyên truyền vận động nông dân áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Nhờ đó, mật độ gieo sạ giống đã giảm từ 200-250 kg/ha còn mức trung bình khoảng 120-130 kg/ha. Ở những hợp tác xã, những cánh đồng lớn, nông dân có thể gieo sạ khoảng 100 kg/ha. Những vùng khó khăn, diện tích đất canh tác manh mún có thể lên đến 130-140kg giống. Với máy sạ hàng chính xác được Viện Lúa triển khai thí điểm ở Hợp tác xã Khiết Tâm nông dân có thể giảm đáng kể lượng giống gieo sạ. Song công suất gieo sạ ở giai đoạn thử nghiệm mới chỉ đạt từ 2-3ha/ ngày. Do đó, máy cần được cải tiến để tăng công suất hoạt động trước yêu cầu gieo sạ đồng loạt của nông dân.

Độ bằng phẳng, kết cấu nền đất ruộng là một trong những yếu tố quan trọng để máy vận hành hiệu quả. Đối với nông dân chuyên sản xuất 3 vụ lúa/năm, nền ruộng yếu, khi máy đưa xuống vận hành sẽ dễ bị lầy lún. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ: “Chúng tôi xác định phải giải quyết đồng loạt 2 vấn đề. Thứ nhất, muốn nâng cao chất lượng lúa gạo phải hướng đến vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, phải cải tạo đồng ruộng phục vụ cơ giới hóa hiệu quả. Hai là về máy móc phải phù hợp với điều kiện đồng ruộng, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân. Vì vậy máy cũng phải cải tiến cho phù hợp.

Hiện tại, liên hợp máy gieo lúa theo hàng với 6 hàng gieo, khoảng cách giữa 2 hàng là 25cm, lượng hạt giống gieo từ 20-70 kg/ha. Do chỉ mới thử nghiệm 6 hàng gieo trên đầu máy cấy nên năng suất và vận tốc gieo sạ chậm hơn so với thực tế nhu cầu của nông dân. Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu gắn thiết bị điều khiển lên máy cày có gắn bánh đồng, giàn gieo sạ tăng lên 12 hàng. Như vậy máy có thể tăng vận tốc, gieo sạ nhanh hơn, tăng công suất từ 3-5 lần. Khi đó mỗi máy có thể gieo sạ bình quân mỗi ngày 10ha, nông dân mới có thể chấp nhận tiếp cận được. Trong điều kiện quản lý đồng ruộng tốt, phòng ngừa ốc bươu hiệu quả, nông dân chỉ cần gieo sạ lúa giống từ 50-60 kg/ha. Tuy nhiên không ít nông dân vẫn còn băn khoăn khi giảm lượng giống đáng kể nên rất cần sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp địa phương triển khai các mô hình trình diễn để nông dân thấy được hiệu quả liên hoàn của việc giảm lượng giống sử dụng gắn với canh tác thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí, gia tăng thu nhập”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết