28/11/2022 - 12:56

Cờ Đỏ tập trung sản xuất rau màu và trái cây vụ Tết 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Năm nay sản xuất rau màu và trái cây Tết tại huyện Cờ Đỏ gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi và giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền và ngành chức năng ở địa phương, nông dân huyện Cờ Đỏ đang khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nhiều loại rau màu, hoa kiểng và chuẩn bị nhiều loại trái cây ngon, đặc sản phục vụ thị trường Tết.

Sản xuất vụ Tết

Sản xuất rau màu tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Sản xuất rau màu tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Hằng năm, nhu cầu tiêu thụ nhiều loại nông sản thường tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, tạo thuận lợi cho nông dân tiêu thụ được sản phẩm với mức giá cao. Dù gặp nhiều điều kiện sản xuất bất lợi nhưng nông dân tại Cờ Đỏ vẫn duy trì, phát triển sản xuất nhiều sản phẩm rau màu, hoa kiểng và trái cây phục vụ thị trường Tết.

Ông Nguyễn Văn Đông, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Năm nay, lũ và triều cường ở mức cao so với mọi năm và thường xuyên có mưa to, gió lớn đã gây khó khăn cho nông dân tại nhiều nơi trong trồng rau màu vụ Tết, đồng thời giá xăng dầu, phân bón và nhiều loại vật tư cũng tăng. Tuy nhiên, địa phương đã có hệ thống đê bao chủ động nước tưới tiêu nên nông dân chủ động bơm nước và kịp thời xuống giống nhiều loại rau màu phục vụ thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết 2023. Tại Thới Hưng, hiện nông dân trồng khá nhiều loại rau màu như cải làm dưa, dưa hấu, dưa leo, đậu côve, cà chua, khổ qua, ớt, bầu, bí, mướp hương, sen… Một số hộ dân cũng trồng hoa phục vụ Tết, các loại cúc và vạn thọ. Riêng gia đình tôi chủ yếu trồng các loại cải làm dưa". Ông Nguyễn Đình Lâu, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, cũng cho biết: "Gia đình tôi có hơn 2,5ha đất canh tác nông nghiệp. Bên cạnh trồng các loại rau ăn quả chủ lực gồm mướp hương, bí đao và bầu, gia đình có một phần diện tích đất đã lập vườn trồng xoài và dự kiến có trái phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023. Gia đình tôi đang chăm sóc các loại rau màu và vườn cây để cho sản phẩm đạt năng suất, sản lượng, chất lượng tốt và bán được giá".

Tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện như xã Đông Hiệp, Đông Thắng, Thới Xuân, Thạnh Phú, thị trấn Cờ Đỏ,… nông dân cũng chuẩn bị nhiều loại trái cây và sản phẩm rau màu, hoa kiểng phục vụ Tết. Ông Bùi Thanh Bình ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, cho biết: "Gia đình tôi có 5 công vườn mãng cầu xiêm và đã chủ động xử lý cho cây ra trái để có sản phẩm bán trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết 2023. Vào dịp Tết, nhiều người thường chọn mua trái mãng cầu vì nó là loại trái cây ngon và có ý nghĩa khi dùng để chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết". Theo ông Trần Văn Mịn, ngụ ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, năm nay thời tiết mưa gió bất lợi và giá nhiều loại vật tư đầu vào tiếp tục ở mức cao gây nhiều khó khăn cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường Tết có nhu cầu tiêu thụ mạnh loại trái cây ngon ở huyện Cờ Đỏ là xoài cát Hòa Lộc, nên gia đình ông quyết định tập trung siết nước và đầu tư chăm sóc, xử lý cho 4 công xoài cát Hòa Lộc cho trái vào dịp Tết. Trong dịp Tết các năm trước giá xoài cát Hòa Lộc khá cao và ông tin rằng Tết sắp tới mức giá cũng cao.

Hỗ trợ nông dân

Để sản xuất thắng lợi rau màu, trái cây vụ Tết và các loại cây trồng, vật nuôi nói chung trong vụ đông xuân 2022-2023, các cấp chính quyền tại Cờ Đỏ đã quan tâm xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, kịp thời định hướng và khuyến cáo để nông dân chuẩn bị  tốt cho mùa vụ. Ngay từ khá sớm, UBND huyện Cờ Đỏ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ đã xây dựng các kế hoạch sản xuất và tổ chức triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn để tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tổ chức tốt việc sản xuất. Đồng thời, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm. Khuyến khích nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn gắn với nhu cầu thị trường và hợp đồng bao tiêu của các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Võ Trung Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết: "Thới Hưng dự kiến xuống giống khoảng 4.500 chậu vạn thọ, 500 chậu hoa cúc và hơn 107ha rau màu các loại để phục vụ thị trường dịp Tết 2023. Nông dân tại xã cũng chuẩn bị nhiều loại trái cây như xoài, mãng cầu và mít, với tổng sản lượng dự kiến hơn 13.730 tấn. Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, UBND xã luôn quan tâm phối hợp chặt các cơ quan chức năng của huyện, thành phố và đơn vị có liên quan để tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt thông tin, tiếp cận các mô hình hay, quy trình canh tác có hiệu quả và tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…". Theo UBND xã Đông Hiệp, bên cạnh cây trồng chủ lực là lúa, chính quyền tại địa phương cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất các loại rau màu, hoa kiểng và trái cây phục vụ Tết. Hiện xã đã có hơn 200ha vườn cây ăn trái, trong đó có một số loại trái cây như: xoài, mãng cầu và bưởi dự kiến có sản phẩm thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán 2023.

Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, đến nay nông dân đã xuống giống được hơn 21.750 chậu hoa vạn thọ, 8.000 chậu hoa cúc các loại để phục vụ Tết. Diện tích xuống giống các loại rau màu đã đạt hơn 435ha. Toàn huyện hiện cũng đã có hơn 4.800ha cây ăn trái các loại, trong đó có nhiều diện tích đang cho trái. Ngành Nông nghiệp huyện đang theo dõi sát hình hình sản xuất các loại cây trồng có các khuyến cáo và hỗ trợ kịp thời cho nông dân, giúp vụ mùa thắng lợi.

 

Chia sẻ bài viết