27/07/2014 - 21:46

Có công mài sắt...

Đối với VĐV khuyết tật Trần Đình Hải, thể thao không chỉ là để rèn luyện sức khỏe mà còn để khẳng định: Chỉ cần quyết tâm nỗ lực hết mình, người khuyết tật vẫn có thể làm được những điều mình mong muốn...

10 năm qua, Đình Hải là cái tên quen thuộc trong làng điền kinh khuyết tật toàn quốc. Tuy nhiên không phải vì anh sở hữu nhiều HCV quốc gia hay quốc tế, mà vì lý do hết sức đặc biệt: là VĐV "thâm niên" của Đà Nẵng dự thi môn ném lao và đẩy tạ. Hơn 10 năm thi đấu chưa có được chiếc HCV nào vậy mà anh vẫn không bỏ cuộc, năm nào cũng xung trận với các "đàn em" dù xấp xỉ tuổi 40. Tại Hội thao người khuyết tật toàn quốc năm nay Đình Hải đã làm nên bất ngờ khi lần lượt đoạt HCV ở 2 nội dung trên. Đáng nói là ở môn ném lao, Đình Hải có 5/6 lần thực hiện ném xa hơn 20m, vượt qua các VĐV đã từng có thành tích cao nhất ở các cuộc thi trước. "Hội thao lần này thật sự đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thể thao của tôi, 11 năm rồi mới có được những chiếc HCV đầu tiên" - VĐV Đình Hải tự hào khi nhắc lại thành tích vừa đạt được.

VĐV Trần Đình Hải thi ném lao tại Hội thao người khuyết tật toàn quốc 2014.

Tiếp xúc với VĐV Đình Hải, cách trò chuyện hài hước, cởi mở và tràn đầy niềm tin về cuộc sống của anh tạo được thiện cảm với người đối diện. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng gần 20 năm trước anh từng bị trầm cảm nặng, sống tự kỷ, có lúc nghĩ quẩn từ sau vụ tai nạn lao động khiến anh cụt mất chân phải. Đình Hải kể: "Từ một thanh niên độ tuổi đôi mươi, mới học xong lớp nghề, mang nhiều hoài bão, lại còn có trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ già, bỗng nhiên bị tàn phế, làm tôi hoảng loạn, suy sụp tinh thần. Nhiều lúc tôi còn nghĩ đến cái chết. Nhất là những lần cầm hồ sơ đi xin việc bị từ chối càng khiến tôi tủi thân, sống khép kín. Nhờ sự động viên của gia đình, khoảng 10 năm nay tôi mới lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống". Trong khoảng thời gian ấy, với sự hỗ trợ của đôi nạng sắt, Hải bắt đầu công việc làm thuê, có lúc làm công ở tiệm bánh, khi thì chở đồ mướn... Rồi anh đến với thể thao trong một dịp tình cờ.

Năm 2004, trong 1 lần đi làm, Hải làm quen với 1 VĐV khuyết tật và được bạn khuyến khích chơi thể thao rèn luyện sức khỏe. Hải thử sức với môn bơi lội. Hai năm sau, anh chuyển sang tập ném lao và đẩy tạ, rồi thích các môn này. Tại Hội thao năm nay, khi Hải bước lên thi đấu, nhiều VĐV biết rất rõ anh và cổ vũ nồng nhiệt. Bởi lẽ ở Hội thao năm nào khi bước lên sàn đấu Hải đều nói sẽ cố gắng mang HCV về cho đoàn, nhưng... Tới năm thứ 11 này, Hải mới đạt được ý nguyện.

Có thể nói, thể thao đã tạo ra bước ngoặt trong đời Hải, giúp anh vượt qua mặc cảm của số phận, hòa nhập với mọi người và tin yêu vào cuộc sống. Hơn 2 năm qua kể từ khi anh được vào làm ở Hội Khuyết tật TP Đà Nẵng, mỗi ngày đi làm về, Hải đều dành thời gian tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực. Tinh thần thể thao, nỗ lực hết mình đã giúp anh đạt kết quả như mong muốn...

Để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, Hải tìm đọc văn bản về các chính sách dành cho người khuyết tật hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các hoạt động gây quỹ, đi tìm VĐV cho thể thao khuyết tật địa phương...

Đạt HCV đầu tiên ở tuổi 40, Đình Hải nói rằng anh sẽ còn nỗ lực hơn nữa để thi đấu "bảo vệ" kết quả mà anh có được. Bởi vì anh luôn tâm niệm rằng "Có công mài sắt có ngày nên kim".

Xuân Nguyên

Chia sẻ bài viết