22/07/2020 - 05:50

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới 

Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành khi Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đang triển khai thực hiện. Chính vì vậy, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của TP Cần Thơ được thực hiện lồng ghép với việc hoàn thành các nhóm tiêu chí về nông thôn mới. Đây là hướng đi đúng, không chỉ giúp các xã thay đổi diện mạo bên ngoài mà còn làm quá trình XDNTM đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn.

Tích hợp và lồng ghép

Thu hoạch vú sữa đạt chuẩn VietGAP tại HTX Trường Khương A, huyện Phong Điền.

Huyện Thới Lai, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM được thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất. Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất được các xã tập trung thực hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp như trồng màu, nuôi trồng thủy sản; chuyển dần từ sản xuất tự phát sang liên kết sản xuất có kế hoạch; tổ chức sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường. Đối với cây lúa, huyện vận động và định hướng nông dân sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Nỗ lực trên góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hàng nông sản và lợi nhuận cho nông dân; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị”.

Vấn đề tái cấu trúc ngành Nông nghiệp của các xã XDNTM trên địa bàn huyện Cờ Đỏ tập trung vào đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Nông nghiệp huyện còn khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, sản xuất tập trung kết hợp với hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP và có liên kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, huyện có 4 hợp tác xã (HTX) đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (trên lúa, cây ăn trái và thủy sản), 2 HTX đang chờ hướng dẫn xây dựng quy trình VietGAP, 6 HTX có liên kết bao tiêu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và kỹ thuật cho nông dân và các HTX trồng lúa, trong đó, tập trung sản xuất lúa chất lượng cao chiếm trên 97% diện tích. Ước doanh thu bình quân 6 tháng đầu năm trên 1 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp khoảng 115 triệu đồng/ha, tăng 18 triệu đồng so với cùng kỳ, đạt 63,9% kế hoạch.

Quá trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của các huyện, xã được thực hiện thông qua các hoạt động như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tổ chức lại sản xuất; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tìm đầu ra cho nông sản; hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa… Các hoạt động này đều gắn bó mật thiết với việc hoàn thành, nâng chất các tiêu chí về xã nông thôn mới, nông thôn nâng cao: nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội (tiêu chí giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn), kinh tế và tổ chức sản xuất (tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất), văn hóa - xã hội - môi trường (môi trường và an toàn thực phẩm).

Tập trung cho “mục tiêu kép”

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững xác định “cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và XDNTM”. Ở mục tiêu đẩy mạnh thực hiện chương trình XDNTM cũng đề cập đến nhiều nội dung. Cụ thể là: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững… Đây là những định hướng quan trọng trong việc kết hợp giữa tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Theo bà Trần Thị Nhung Em, thực hiện “mục tiêu kép” vừa tái cơ cấu nông nghiệp vừa XDNTM, thời gian tới, Cờ Đỏ tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích. Đồng thời, rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi tạo nguồn nhằm phục vụ công tác tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đảm bảo trong nhu cầu vận chuyển nông sản hàng hóa của bà con nông dân. Ông Nguyễn Thành Út cho rằng, chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay còn lỏng lẻo; đất đai manh mún, nhỏ lẻ... Do đó, khâu tổ chức lại sản xuất phải đặt lên hàng đầu. Với lợi thế về cây lúa, Thới Lai tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các “Cánh đồng lớn” trên nền tảng là các HTX, tổ  hợp tác sản xuất. Đối với các loại nông sản khác như thủy sản, rau màu tiếp tục liên kết với doanh nghiệp, các đầu mối thu mua để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối XDNTM TP Cần Thơ, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ đó nâng cao thu nhập cho người dân được thành phố xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Các địa phương cần lồng ghép các Chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Mỗi xã nên chọn 1-3 cây trồng, vật nuôi, ngành nghề có triển vọng để xây dựng mô hình đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Về phía thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án, dự án nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Khi tái cơ cấu nông nghiệp thành công, đời sống được cải thiện thì người dân mới có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho XDNTM.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết