Nhật Hồng
Sông Ô Môn bắt nguồn từ sông Hậu, cửa sông gọi là Vàm Thới An chạy thẳng vô Thới Lai là 9km, nơi đây vào đầu thế kỷ XIX người Pháp tiến hành múc xáng Bà Đầm, xáng Thị Đội và đào Kinh Đứng. Kinh xáng Bà Đầm, xáng Thị Đội xẻ ba cánh đồng bạt ngàn giáp Vị Thanh - Hậu Giang và Rạch Giá - Kiên Giang. Hệ thống kinh rạch này dẫn và thoát nước cho hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp, đồng thời hằng năm vào mùa nước rút, cá tôm dồn xuống nhiều vô kể. Sông Ô Môn coi như trạm dừng chân và cũng là cái túi chứa cá tôm trước khi đi ra sông Hậu.
Hấp dẫn con cá trắng
Nông dân thường chia cá làm 2 loại theo màu sắc. Cá trắng chủ yếu là cá sông như: cá linh, mè vinh, thác lác, cá ngát, rô biển… Còn cá đen là lóc, trê, rô, sặc… Cá trắng đẻ trứng trên thượng nguồn vào đầu mùa mưa rồi trôi theo dòng, ăn phiêu sinh vật lớn dần theo nước lên đồng ruộng. Thời đó, theo truyền thống nông dân canh tác lúa mùa (mỗi năm một mùa), mùa nước nổi từ tháng 7 âm lịch, nước lên cao trên đồng có chỗ sâu đôi ba thước nước. Đến tháng 10, 11 nước rút mang theo số cá này xuống sông.
Đặt vó trên sông. Ảnh: DUY KHÔI
Những lão nông vẫn nhớ cá tôm sông Ô Môn thời ấy nhiều vô kể và bà con thường đánh bắt cá trắng bằng chài lưới, vó càng, vó gạt, chất chà, câu lưới… Thời kỳ cao điểm đánh bắt từ những năm 1950 đến 1980. Trước đó tôm cá cũng nhiều, nhưng vì chiến tranh dân cư thưa thớt nên người dân không phát triển nghề này, chỉ bắt tôm cá để ăn trong gia đình. Sau đây xin kể tỉ mỉ những cách đánh bắt cá trắng trên sông Ô Môn.
Chài là cách bắt cá rất thông dụng, với một miệng chài người ta có thể bắt được cả giạ cá (khoảng 40 ký) trong con nước mỗi ngày, bởi chài có thể sử dụng linh động nhiều nơi nhiều chỗ nên bắt được đủ thứ cá tôm. Với vó càng, người ta dùng 4 cây tre gai dài chắc làm càng, bên dưới là tấm lưới, vó có cần bằng cây mù u dài để bật lên hạ xuống. Hạ xuống chờ cho cá vô đầy, bật lên bắt cá. Cách này, mỗi con nước trong ngày có thể bắt được năm ba giạ cá. Vó gạt thì thường được đóng trong những con rạch nhỏ, dài chừng 20 mét, bề ngang bằng con rạch, chừa đường cho ghe xuồng qua lại. Vó có sườn bằng cây chắc chắn cho người di chuyển tới lui, tấm lưới có tùng được đặt xuống tới đất chờ 5- 10 phút cá vô đầy người ta kéo lên dùng cây gạt về phía sau cho vô xuồng ghe. Với cách đánh bắt này, mỗi ngày được vài chục giạ cá, phần nhiều là cá trắng nhỏ từ 3 phân trở xuống, được bán cho người ta ủ phân tưới rẫy thuốc lá, ủ nước mắm, làm mắm, làm khô…
Cách đánh bắt quy mô hơn là đóng đáy thì trên sông Ô Môn không nhiều, chủ yếu ở gần vàm Thới An, Thới Thạnh, Rạch Nhum, Rạch Tra, Bà Keo... Những lúc cao điểm cá vô nhiều quá đôi khi phải xả cá ra bớt mới kéo lên nổi. Cá đáy chủ yếu là cá trắng nhỏ thường dùng để ủ nước mắm. Còn chất chà thì lại nhiều vô kể dù đoạn sông Ô Môn không dài lắm. Chà chất liền mí cặp theo 2 bên dòng sông. Người có khả năng, phương tiện, sức lao động, biết nghề lưới thì chất có khi tới 10 đống. Cây dùng chất chà là những cây tạp trong vườn, nhưng tốt nhứt là cây trâm bầu, vì nó nhiều nhánh và dẻo bền lâu dưới nước. Mùa chất chà từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 âm lịch phải dứt điểm. Mỗi đống chà phải có ít nhứt là 4 thớt chà, mỗi thớt chà xếp chồng lên theo gốc ngọn, có lớp để dễ dàng giở bắt cá. Mùa thu hoạch dỡ chà, bắt đầu từ mùng 10 tháng 9 âm lịch, tháng dỡ chà chỉ có 2 con nước: mùng 10 và 25, tức là vào nước kém. Nước kém cá dồn vô chà và mực nước thấp, dễ dàng gạn lưới bắt cá.
Thời đó mỗi đống chà cá trắng thu hoạch được cả 1 tấn, còn lại những cá ngon như chép, mè trắng, mè đen, trạch lấu, ngát, lăng, leo, rô biển… năm ba trăm ký và thêm số lượng lớn tôm càng xanh. Mùa nước vực là mùa vàng son của nông dân sông Ô Môn với tôm cá và có những nông dân gắn bó lâu đời với nghề chất chà như ông Hai Phước và các con ở Định Môn, ông Hai Cao, ông Hiệp ở Tân Thạnh, ông Mười Già ở Thới Thạnh…
Ngư dân chài cá. Ảnh:DUY KHÔI
Bên cạnh chất chà bà con còn kéo bò: Dùng tre bện một hình bán khối tròn lớn bằng bộ ngựa, đầu tóp lại, chất đầy chà trong đó đẩy xuống sông, đợi con nước ròng người ta kéo lên cũng thu hoạch đôi ba chục ký. Hay vào thời điểm cá xuống người ta đem cái lu mái đầm (6 giạ) chất đầy gốc cây đặt nơi nước vận nhử cá vô, vài hôm thì lặn xuống kéo lên, cá ăn cả tuần lễ không hết. Còn một hình thức thú vị khác là kéo heo: Dùng tấm lưới dày hình chữ nhật, dài tương đương chiếc xuồng, buộc 4 khúc tre 4 cạnh, một cạnh trên dính liền với chiếc xuồng 5 lá, một cạnh dưới làm miệng, hai bên làm cán. Đợi nước chững ròng, hai người đàn ông khỏe lội dưới nước ốp vào bờ, khi ốp khoát nước đuổi cá dồn lại rồi dùng tấm lưới hớt lên bắt cá, phần nhiều là cá ngái (cá lìm kìm). Cá ngái kho tiêu, kho lạt và chủ yếu làm khô, thơm ngon vô cùng.
Thả lưới cá mè vinh cũng là điểm độc đáo. Trước kia không có lưới dây gân, người ta dùng vợt lớn, cán dài đôi ba thước ngồi trên xuồng cắm vợt sâu xuống dòng sông thả trôi theo nước đợi cá đâm vô nhiều người ta mới giựt lên. Rồi khi có lưới dây gân khoảng năm 1965, mùa cá xuống người thả một dạo thôi kéo lên gỡ cá cả ngày.
Quyến rũ mùa cá đen
Con nước tháng 9 âm lịch, trước tiên cá trắng tìm đường xuống sông. Hành trình di cư của loại cá trắng xuống sông vào 2 con nước mùng 10 tháng 9 và mùng 10 tháng 10 là dứt điểm. Kế đến 25 tháng 10 những con cá trắng còn kẹt lại tháp tùng với cá đen bắt đầu tìm đường trú ẩn về kinh, mương, đìa.
Người ta chọn vị trí đào đìa nơi vùng đất trũng có nhiều lung vũng, để cá dễ dàng xuống trú ẩn. Nước bắt đầu xiết cạn, cá xuống sông, vô mương ao, những con xa trên đồng thì rút xuống đìa. Đìa được đào lớn nhứt chừng 150 mét vuông trở lại, lớn quá tát không nổi. Mùa tát đìa bước qua tháng 2 hằng năm, bởi vì sau khi thu hoạch lúa mùa xong, người ta mới tát đìa, trâu kéo lúa, kéo cá về nhà luôn một thể. Lúc ấy, lúa đập bằng bồ rồi gom đống lại một nơi, để đó, lo vụ cá.
Đìa tát bằng gàu sòng, nếu đìa lớn thì 2 sòng tát 2 gàu, mỗi gàu 2 đến 4 người để thay phiên nhau. Gàu đương bằng tre hình tam giác khối có dung tích chứa 50 lít nước, người ta buộc 2 dây miệng và 2 dây đích (dây miệng ngắn hơn dây đích). Người tham gia tát, hai tay nắm chắc dây miệng và đích, tay kéo cúi xuống và đứng lên phải nhịp nhàng với nhau để cho gàu nước đầy không đổ. Đìa lớn người ta bắt đầu tát lúc chạng vạng tối, tát đến 10 giờ sáng là phải xong, không để lọt qua trưa, để bắt cá kịp trong ngày. Trước khi tát đìa, người ta đào trên đất liền ít nhứt là 3 cái hố (đường kính chừng 2 mét), để khi thu hoạch thì cá trê vàng, trê trắng, cá lóc đổ chung hầm; cá rô, cá sặc một hầm riêng; còn lại cá trắng. Diện tích đìa trăm rưỡi mét vuông trở lại mà có trên 15 người bắt. Cá tát đìa đem về bằng cách cho trâu cộ, vì đồng xa cả ngàn mét mới tới bờ kinh rạch. Khi về đến nhà thì có 10 người phụ nữ trực sẵn để làm cá, ủ mắm.
Đìa chỉ tát một lần trong năm, còn ao mương thì cứ tháng tát một lần cá vẫn còn hoài, vì cá ngoài sông vô, tát mương bắt cá cho đến khi nước nổi mới thôi. Ngoài ra, còn nhiều phương cách bắt cá trên đồng mùa nước nổi như: giăng lưới, cắm câu, đặt lờ, lọp ven, đặt xà di…
Nhẹ nhàng nhứt là đặt lờ, bởi chỉ cần có 15 cái lờ hằng năm cũng đủ làm chục khạp mắm. Hiệu quả nhứt trên đồng là đặt lọp ven và xà di. Với lọp ven, người ta đăng ngang những con lung trên đồng, hai bên đặt 2 cái lọp, lọp này khác hơn lọp đặt dưới sông vì đích phải nhọn cao lên để cho cá đừng chết ngộp. Mỗi người có thể làm năm ba chục bửng đăng và cả trăm cái lọp.
Xà di, xuất hiện khoảng những năm 1965, có lẽ từ miệt U Minh, giống như xà di đuổi chuột nhưng phần đuôi trống rỗng để trút cá và chỉ có 1 hom (xà di đuổi chuột 2 hom). Khi đặt, cắm chắc xà di xuống đất, bẻ 1 nang làm miệng cho cá vô. Xà di phải đặt bằng mồi lúa, nền phải làm đất rất kỹ không có bùn để cho cá thấy lúa bên trong. Mỗi xà di có thể chứa năm bảy ký cá, mỗi người đặt hàng trăm cái. Xà di chỉ bắt được cá rô và cá đỏ mang.
Quá trình phát triển nông nghiệp mang đến ngày một nhiều lợi nhuận, nhưng bên cạnh đó môi trường của tôm cá ngày cũng mất dần. Hy vọng những ký ức về tôm cá một thời sẽ có ngày trở lại…