17/10/2017 - 09:31

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay - Nhiều rủi ro 

Việc chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy viết tay, thiếu tính pháp lý lâu nay vẫn phổ biến. Khi tranh chấp phát sinh, người nhận chuyển nhượng đối diện với nhiều rủi ro, có nguy cơ dẫn đến mất trắng tài sản. Trên thực tế, không ít trường hợp dính vào kiện tụng, vừa tốn tiền của vừa tốn thời gian, công sức…

Nhiều tháng nay, vợ chồng ông Phan Văn Sáu (ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) như “ngồi trên đống lửa”. 5 công đất của gia đình ông nằm trong quy hoạch Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.

Ngành chức năng địa phương đã tiến hành kiểm kê, áp giá và chi trả tiền bồi thường thiệt hại. Nhưng, gia đình ông không thể nhận được tiền bồi thường, chỉ vì tranh chấp từ gia đình của chủ đất cũ là bà Cao Thị Bé.

Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay, ông Phụng và ông Sáu dính vào vụ kiện không đáng có. Ảnh: CHẤN HƯNG

Ông Sáu cho biết: “Nhiều năm trước, vợ chồng tôi nhận cầm cố phần đất của ông Trần Văn Phụng (ngụ cùng xóm). Năm 2014, chúng tôi thỏa thuận bằng “giấy tay”, ông Phụng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tôi. Chúng tôi không lập hợp đồng chuyển nhượng, chứng thực, công chứng theo quy định pháp luật mà chỉ có mời những hộ lân cận và bà con lối xóm chứng kiến. Đến khi phần đất “trúng” quy hoạch thì tranh chấp xảy ra”.

Theo ông Phụng, năm 1994, ông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất  đối với diện tích này từ vợ chồng ông Nguyễn Văn Thọ, bà Cao Thị Bé. Tại thời điểm chuyển nhượng, phần đất của vợ chồng ông Thọ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Ông Phụng cho biết: “Giữa tôi và gia đình ông Thọ là chỗ bà con ruột thịt, nên việc chuyển nhượng chỉ viết giấy tay, có chứng kiến của một số hộ dân tứ cận. Sau khi chuyển nhượng, tôi trực tiếp canh tác gần 20 năm, gia đình ông Thọ không ý kiến gì. Đến năm 2014, tôi thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ diện tích này cho vợ chồng ông Sáu. Nay, phần đất rơi vào quy hoạch thì gia đình ông Thọ “bẻ kèo”. Từ đó, giữa các bên phát sinh tranh chấp”.

Bà Phạm Thị Phê, Công chức Tư pháp – Hộ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: “Qua tiếp nhận đơn khởi kiện của ông Phụng về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Nguyễn Hùng Chí (là người được những người đồng thừa kế của ông Thọ ủy quyền), Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND xã đã đưa vụ việc ra hòa giải, vận động, thuyết phục các bên thương lượng, thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết. Tuy nhiên, các bên không thống nhất, nên hòa giải vụ việc không thành. Chúng tôi lập hồ sơ, chuyển toàn bộ vụ việc đến TAND huyện Thới Lai xem xét, giải quyết theo quy định”.

Khi phần đất ông Sáu đang canh tác rơi vào quy hoạch, UBND huyện Thới Lai tiến hành kê biên, áp giá và ra quyết định thu hồi đất của ông Sáu. Trong khi đó, phần đất này hiện do ông Thọ được UBND huyện Ô Môn (cũ) cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Nay, ông Thọ chết, vợ và các con ông Thọ thỏa thuận thống nhất chọn ông Chí (đại diện những người đồng thừa kế còn lại) thừa kế phần đất trên.

Ông Chí khiếu nại, cho rằng UBND huyện Thới Lai ra quyết định thu hồi đất như thế là sai đối tượng, không đúng quy định. Sau đó, UBND huyện đã ra quyết định giải quyết, công nhận một phần nội dung khiếu nại của ông Chí. Đồng thời, thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi đất trước đó đối với ông Sáu.

Ông Nguyễn Văn Lắm, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện, Trưởng Ban Tiếp công dân huyện Thới Lai, cho biết: “Thời gian qua, huyện đã tổ chức triển khai, thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại của ông Chí. Hiện nay, ngành chức năng huyện tạm ngưng việc chi trả tiền bồi thường, chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án. Khi nào có kết quả giải quyết của Tòa án bằng Bản án có hiệu lực pháp luật, huyện sẽ xem xét, giải quyết việc chi trả tiền bồi thường theo quy định”.

Theo bà Phạm Thị Phê, Công chức Tư pháp – Hộ tịch UBND xã Trường Xuân, để tránh những trường hợp rủi ro khi chuyển nhượng nhà, đất, người dân nên tuân thủ theo quy định của pháp luật, phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực.

Công chứng, chứng thực các loại hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất, tại các địa phương đã chuyển giao từ UBND xã, phường, thị trấn sang tổ chức hành nghề công chứng. Ở những địa phương chưa chuyển giao, việc chứng thực, công chứng sẽ do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện. Các hợp đồng liên quan đến bất động sản được công chứng, chứng thực là cơ sở pháp lý để tránh việc tranh chấp sau này.

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết