02/08/2022 - 10:57

Chuyện nghĩa tình của Lữ Đoàn Pháo binh 6 Quân khu 9 Anh hùng 

Bài cuối: Còn mãi chữ “Tình”

Bút ký: ÐĂNG HUỲNH

Thông qua nhà báo Vũ Thống Nhất, tôi xin hẹn với Thiếu tướng Trần Văn Niên, để tìm hiểu về Ðoàn 6 Pháo binh và khu tưởng niệm đang xây dựng ở Vịnh Chèo. Thú thật, sắp hầu chuyện một vị Tướng, từng là Phó Tư lệnh Quân khu 9, tôi hồi hộp lắm. Như đọc suy nghĩ của tôi, nhà báo Vũ Thống Nhất trấn an: “Cháu an tâm, ông Tư hiền lành, chí tình lắm. Gặp ông Tư đi, cháu sẽ hiểu thêm về ông, về Ðoàn 6 Pháo binh và cả ân tình của những người hôm nay để có được khu tưởng niệm khang trang như thế”.

Đại tá Đỗ Hà Thái thắp hương cho đồng đội tại nhà thờ. Ảnh: DUY KHÔI

Tôi an tâm với lời trấn an của nhà báo Vũ Thống Nhất, vì tôi biết, ông đã có thời gian làm việc khá lâu với Thiếu tướng Trần Văn Niên để thể hiện quyển hồi ký “Thiếu tướng Trần Văn Niên - Người lính hát trọn khúc quân hành”, ra mắt hồi giữa năm 2020. Hẹn 9 giờ một sáng Chủ nhật, dù tôi và nhà báo Vũ Thống Nhất đã đến sớm hơn năm ba phút nhưng Thiếu tướng Trần Văn Niên đã quần áo chỉnh tề, đứng trước cổng đón chúng tôi.

Trên bàn tiếp khách, vị Tướng già bày sẵn tư liệu, giấy tờ để cung cấp, rồi tâm sự: “Hôm qua nghe cháu đến, tôi ngủ không được, sợ nói không đủ ý, không mạch lạc, vì tuổi già hay quên. Thôi thì nhớ tới đâu, tôi kể tới đó!”. Vậy rồi, ông bắt đầu câu chuyện bằng việc từ đây tới khi khánh thành công trình Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 (nay là Lữ Ðoàn Pháo binh 6 Quân khu 9). Mấy “đầu công chuyện” mà ông liệt kê như trồng thêm cây xanh, thỉnh chuông, thỉnh lư hương, làm lễ cầu siêu vào tháng Bảy âm lịch, bàn giao cho địa phương, tổ chức lễ khánh thành và họp mặt... Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện về Ðoàn 6 Pháo binh, chuyện về Trận chiến pháo binh tại Vịnh Chèo cách nay gần 50 năm về trước. Câu chuyện của ông cứ đứt quãng theo từng tiếng nấc nghẹn.

Từng ngày chứng kiến công trình khu tưởng niệm sắp hoàn thiện, Thiếu tướng Trần Văn Niên vui lắm, ông cứ mở camera xem hoài, lướt từng hạng mục. Thấy trong người khỏe khỏe là ông lại kêu con cháu chở về Vịnh Chèo để tận mục sở thị.

Trong quyển hồi ký của ông, tôi nhớ mãi lời tâm sự: “Ðất nước sống trong thái bình hàng chục năm rồi nhưng mỗi khi có dịp đi ngang nghĩa trang, nhất là đến Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 hằng năm, tôi lại nhớ đến bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh hay mang thương tích trong mình”. Nhà báo Vũ Thống Nhất kể, lúc ông thể hiện hồi ký của Thiếu tướng Trần Văn Niên, vị Tướng tâm sự rằng, ông có 4 mong ước cuối đời: làm lại hàng rào khu mộ gia tộc ở Hòa Hưng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), nâng nền nhà chống nước ngập cho các con, hoàn thành cuốn hồi ký và cuối cùng là xây dựng khu tưởng niệm ở Vịnh Chèo. Nay thì 4 ước nguyện đó đã thành hiện thực. Nghe vậy, Thiếu tướng Trần Văn Niên nói: “Dư, hơn cái mình mong ước nữa”.

Từ ước mơ về một khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh, trong tay không tiền, nhưng đến nay, công trình đã có kinh phí gần 20 tỉ đồng, hoàn toàn bằng xã hội hóa. Ngay sau được sự đồng tình và hỗ trợ hết lòng của tỉnh Hậu Giang, Thiếu tướng Trần Văn Niên soạn thư ngỏ gửi các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9, rồi nhờ con cháu chở đến từng địa phương làm việc, kêu gọi hỗ trợ. Ông kể rành rạnh: Trà Vinh tiên phong góp nửa tỉ đồng, rồi Cần Thơ góp nửa tỉ đồng, Bộ CHQS TP Cần Thơ góp 50 triệu đồng, Kiên Giang góp 100 triệu đồng, Thanh Hóa góp 100 triệu đồng, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang góp 50 triệu đồng, các tỉnh khác có tỉnh 40, 50 triệu đồng...

Biết tin xây dựng khu tưởng niệm này, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhờ người mang đến nhà Thiếu tướng Trần Văn Niên gửi đóng góp 100 triệu đồng. PGS.TSKH Cao Minh Thì, năm nay đã 85 tuổi, cũng gửi ủng hộ 100 triệu đồng... Một người làm Thiếu tướng Trần Văn Niên xúc động nữa là ông Nguyễn Văn Ðiền, Giám đốc Công ty Kiều Xuân, ủng hộ tiền xây dựng cổng và tường rào khu tưởng niệm, dù thời gian qua gặp khó khăn do dịch COVID-19. Rồi những người lính Ðoàn 6 Pháo binh cùng thời, những lính trẻ nhập ngũ sau này và cả những người chưa một ngày trong đội hình Ðoàn 6 Pháo binh… cũng gọi điện về xin đóng góp. Kể rồi ông lại khóc, khóc vì nghĩa tình dành cho công trình ý nghĩa này.

Cổng chính khu tưởng niệm, nhìn từ nhà thờ chính. Ảnh: DUY KHÔI 

Thiếu tướng Trần Văn Niên cũng không quên nhắc đến những người đã đóng góp cho công trình đầy thịnh tình, hào sảng như dòng sông chảy về biển lớn. Ông Nguyễn Sỹ Nhân, nguyên Trung Ðội Trưởng Trung Ðội ÐKZ, Tiểu Ðoàn 2315, Ðoàn 6 Pháo binh, được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Vận động công trình. Từ uy tín của người lính Ðoàn 6 Pháo binh, sự nhiệt thành và tận tâm, ông Nhân không chỉ đóng góp mà còn dành thời gian từ TP Hồ Chí Minh xuống tận công trình để chỉ đạo thi công, giám sát sát các hạng mục. Từ sự vận động của ông, Thượng tọa Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Long Hương (Ðồng Nai) đóng góp cả tiền và hiện vật, đến nay tổng trị giá đã hơn 10 tỉ đồng; bên cạnh đó còn vận động các nhà hảo tâm khác hơn 2 tỉ đồng. “Sự đóng góp của thầy Tuệ Hải là rất lớn, nhờ đó công trình mới quy mô như hiện nay”, Thiếu tướng Trần Văn Niên nói. Còn rất nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân... cũng đóng góp vào việc làm ý nghĩa này.

Một người đóng góp nhiều nữa cho công trình là ông Lê Ðức Toàn, vốn là cựu chiến binh của Ðoàn 6 Pháo binh, nay là doanh nhân thành đạt ở Ninh Bình. Ông Lê Ðức Toàn ngoài hỗ trợ 1,1 tỉ đồng tiền mặt còn hỗ trợ về thiết kế, bản vẽ, cùng với những chuyến vào Vịnh Chèo khảo sát, lên ý tưởng tự túc...  “Như ông nhà báo Vũ Thống Nhất đây, khi biết tôi có ý định xây khu tưởng niệm, cũng góp 2 lần, tổng thảy 10 triệu đồng, quý lắm”, Thiếu tướng Trần Văn Niên nói.

Nói rồi, vị Tướng lại khóc. Giọt nước mắt ông lăn dài trên gương mặt phúc hậu hằn những vết thời gian. Bất giác, tôi nghĩ về giọt nước mắt của vị Tướng từng xông pha trận mạc, hiên ngang xung phong nơi chiến trường ác liệt. Cái tình, cái nghĩa của bao tấm lòng hôm nay làm ông cảm thấy ấm áp, sẻ chia. Ông rơi nước mắt trong sự hạnh phúc của tuổi già, tuổi già nghĩ về đồng đội và sống vì đồng đội.

Lại nghĩ đến Ðại tá Ðỗ Hà Thái, người đang làm “cai”, coi sóc công trình ở Vịnh Chèo. Mấy chục năm đi đánh giặc xa nhà, nay tuổi 72, ông Thái lại “gửi vợ” cho các con chăm sóc ở đường Hùng Vương, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, về ở hẳn ở công trình. Ông là người đề xuất xây dựng, soạn thảo các văn bản, giấy tờ, lo thủ tục và quản lý tài sản công trình. Bây giờ mỗi sáng, ông lại quét tước, tưới cây, vệ sinh bàn thờ rồi thắp hương cho đồng đội. Chiều, ông lại làm đúng công việc ấy, rồi ra ngồi giữa sân chính mà ngắm chim về tổ, nghe chim hót véo von. Những phút giây ấy, ông lại nghĩ về 51 đồng đội của ông đã ngã xuống ngay chính nơi xây dựng khu tưởng niệm hôm nay, lòng xiết bao cảm xúc. “Tôi nói với anh Tư Niên, với các anh em trong ban liên lạc rồi, công trình xây xong, tôi xin phép ở lại đây luôn để lo nhang khói. Cho tôi xin được ở đây với anh em”, ông Thái nói rồi mau mau lấy tay chặn dòng nước mắt.

Những ngày đi lấy tư liệu để viết bài này, tôi cũng đã bao lần rưng rưng trước tình đồng đội của những người lính năm xưa dành cho nhau. Lính Pháo binh rắn rỏi, can trường, ngày hòa bình, họ lo cho người còn sống, nhớ về người đã hy sinh, trong muôn vàn ân tình. Ông Lê Quốc Trạng (Tám Trạng), nguyên là trợ lý chính trị Tiểu Ðoàn 2311, Ðoàn 6 Pháo binh, kể: Ông nhập ngũ vào Ðoàn 6 Pháo binh từ tháng 4-1968, đến tháng 4-1974 thì được cử đi học ở miền Ðông, khoảng 8 tháng sau thì xảy ra trận chiến ở Vịnh Chèo. Trong Ðoàn 6 Pháo binh, ông Tám Trạng rất thân với đồng đội Trương Hoàng Kịnh, quê ở kinh 11, Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau). Ngày rời đơn vị đi học, ông Tám Trạng chia tay ông Kịnh với lời nhắn: “Anh ráng ở lại chiến đấu, tôi đi học, hẹn ngày gặp lại”. Nhưng rồi, cái ngày ấy đã không bao giờ xảy ra, ông Kịnh đã mãi mãi ra đi trên cánh đồng Vịnh Chèo, khi mà còn 1 ngày nữa ông đã thêm tuổi mới. Ngày hòa bình, ông Tám Trạng lần tìm về kinh 11, Biển Bạch, thắp cho bạn nén nhang, xin chụp lại tấm giấy báo tử của bạn để cất giữ như một kỷ vật thời anh em chung vai sát cánh ở Ðoàn 6 Pháo binh. Rồi ông kể về đồng đội là chị Năm Chanh, hy sinh khi đang đi lấy gạo ở Ðông Pháp; anh Vĩnh, chị Ðược, anh Trường, anh Luông bị địch đổ quân, hy sinh ở Hòa Hưng (Giồng Riềng, Kiên Giang) vào ngày 23-11-1970...

Ký ức chiến tranh xin tạc vào ngày xanh hòa bình. Máu đã đổ trên cánh đồng Vịnh Chèo năm xưa, nay trên đất ấy dạt dào những ngọn lúa oằn bông chờ gặt. Ô tô, xe tải nối đuôi nhau bon bon trên con đường xẻ ngang đồng lúa. Hoàng hôn buông dần sau mái nhà thờ của khu tưởng niệm. Bên trong, ông Hà Thái cầm 3 cây nhang, lâm râm khấn nguyện, nghe chừng có tiếng gọi tên người này, người khác - tên những đồng đội của ông đã gửi thanh xuân trên đất Vịnh Chèo...

* * *

Ðất lửa nở hoa. Hoa lúa, hoa trái và Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh cũng là một đóa hoa thơm ngát trên đất Vịnh Chèo. Tiễn chân tôi, ông Hà Thái chỉ về hàng vạn niên tùng, nói: “Trồng có bao lâu đâu mà chim về làm tổ quá chừng, dòng dọc, se sẻ... đủ hết”. Tôi quay lại ngắm hoàng hôn thật lâu phía sau nhà thờ, rồi nhìn mấy tổ chim bên trong líu ríu tiếng kêu, lòng miên man nghĩ: Ðất có lành thì chim mới đậu, và rằng, chim đâu đâu cũng bay về tổ!

Công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, cho biết: Dự kiến, ngày 22-12-2022, tỉnh Hậu Giang sẽ phối hợp Ban Liên lạc Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 (nay là Lữ Đoàn Pháo binh 6) và các đơn vị có liên quan, tổ chức khánh thành công trình Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh và công bố quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh “Trận chiến Pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974”. Sau khi công trình đưa vào sử dụng, nơi đây không chỉ là điểm tham quan du lịch tâm linh mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng ý nghĩa.

 

Chia sẻ bài viết