Bút ký: ĐĂNG HUỲNH
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời “gian lao mà anh dũng” vẫn mãi khắc ghi trong lòng những cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 (nay là Lữ Ðoàn Pháo binh 6 Quân khu 9) năm nào. Họ nhớ về Ðoàn 6 Pháo binh Anh hùng “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng”, nhớ về tình đồng chí, đồng đội trong gian khổ, hiểm nguy, nhớ về những người đã ngã xuống khắp các chiến trường... Xiết bao nỗi nhớ nghĩa tình làm nên “khúc quân hành” thật đẹp và hùng tráng. Ðể rồi trong thanh tân hòa bình, họ lại viết nên những câu chuyện thấm đẫm tình đồng đội Ðoàn 6 Pháo binh.
Bài 1: Vịnh Chèo, đồng đội ơi...
Tháng Bảy, trời mưa như trút nước. Lần theo chỉ dẫn của Thiếu tướng Trần Văn Niên (Tư Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Đoàn Trưởng Đoàn 6 Pháo binh), tôi tìm về Vịnh Chèo, tham quan công trình Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh đang vào giai đoạn hoàn thiện. Con lộ mới mở nối dài từ TP Vị Thanh băng qua cánh đồng Vịnh Chèo nối với thị trấn Vĩnh Viễn thẳng tắp giữa bạt ngàn lúa chín. Khu tưởng niệm cũng được xây giữa cánh đồng Vịnh Chèo lộng tiếng gió reo, chim hót.
Có hẹn trước, vừa thấy xe tôi ghé, Ðại tá Ðỗ Hà Thái, nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn Quân khu 9, nguyên Trưởng Ban Quân lực Ðoàn 6 Pháo binh, đã vội lấy tấm bạt che mưa ra đón. Thấy cơn mưa chỉ còn lất phất, ông Thái nói: “Hay chú đưa cháu đi tham quan một vòng khu tưởng niệm”. Ông Thái kể say sưa ngay từ cổng công trình với hàng chữ “Ðời đời nhớ ơn anh hùng liệt sĩ”, rồi đưa tôi tham quan: đây là nhà khách, kia là nhà trưng bày, nọ là hồ cá phong thủy với chiếc cầu kính cường lực bắc qua, kìa hàng cây vạn niên tùng đã bén rễ xanh cành trên đất Vịnh Chèo... Rồi ông đưa tay chỉ về bên phải nhà thờ chính, nơi có nhà chuông, ông nói: “Quả chuông nặng 5 tấn, đúc ở Huế, được treo lên vào ngày 24-7”. Bất giác nhìn lại ông Thái, tấm bạt che mưa ông đã để lại từ lúc nào, gương mặt gầy gò, giọt nước mưa chảy nhòe, nhưng người cựu chiến binh Ðoàn 6 Pháo binh 72 tuổi vẫn say sưa kể cho tôi nghe về nét đẹp của khu tưởng niệm, mặc cái gió lạnh từ đồng không.

Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: BLL Đoàn 6 Pháo binh cung cấp
Lụi hụi mở cánh cửa nhà thờ, ông Thái khêu ngọn đèn dầu hột vịt trên bàn thờ, lấy nhang đốt, khói bay nghi ngút. Lầm thầm khấn nguyện mấy câu tôi nghe không rõ, nhưng rồi ông bật khóc, nghẹn ngào: “Các đồng chí ơi, bữa nay anh Tư Niên có giới thiệu cháu đây về viết bài về khu tưởng niệm. Tôi báo các đồng chí hay!”.
Ngồi ở bậc thềm nhà thờ, ngó nhìn ngoài trời mưa càng lúc càng nặng hạt, còn câu chuyện của ông Hà Thái kể với tôi càng lúc càng say sưa. Chuyện về trận Vịnh Chèo năm xưa, chuyện xây khu tưởng niệm này, chuyện về tình đồng chí, đồng đội Ðoàn 6 Pháo binh... Xen giữa những câu chuyện là những lần nấc nghẹn, những giọt nước mắt lưng tròng của người lính mái đầu đã bạc.
Thật ra, những câu chuyện ấy tôi không phải nghe lần đầu, vì đã được Thiếu tướng Trần Văn Niên kể tường tận, nhưng sự xúc động của ông Thái cuốn tôi vào từng tình tiết...
* * *
Thiếu tướng Trần Văn Niên năm nay đã 89 tuổi, ông than sức khỏe dạo này không được tốt, trí nhớ giảm nhiều. Nhưng có điều, những chuyện về xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh, chuyện về Ðoàn 6 Pháo binh Anh hùng, về Trận chiến pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974, ông Tư nhớ mãi, nhớ từng chi tiết.
Các chú trong Ban Liên lạc truyền thống Ðoàn 6 Pháo binh kể, khu tưởng niệm là tâm huyết của Thiếu tướng Trần Văn Niên cũng như các chú trong ban liên lạc. Trong các lần họp mặt ban liên lạc ở khắp các địa phương trong cả nước, mỗi lần có đến vài trăm người tham dự, nhiều người trong số đó đã thành đạt, cuộc sống ổn định. Những người cuộc sống còn chật vật, khó khăn cũng đã được đồng đội hỗ trợ nhà, giúp vốn làm ăn. Bưng chén cơm đầy, họ lại nhớ những đồng đội của Ðoàn 6 Pháo binh đã vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đất mẹ. Những người lính năm xưa lại nghẹn ngào nước mắt, gọi tên từng đồng đội đã hy sinh trong nỗi nhớ niềm thương, họ quyết tâm cho lo cho người đã khuất.
Thành lập ngày 23-11-1963, trải qua nhiều phiên hiệu khác nhau, Ðoàn 6 Pháo binh đã trải qua gần 4.000 trận đánh, dọc dài từ miệt U Minh, sông Cái Lớn, đến Vị Thanh, Lộ Vòng Cung, qua Vĩnh Long... Nhiều trận chống càn quyết liệt của những người lính pháo binh Ðoàn 6 “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” đã góp phần bẽ gãy chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, như trận Kinh Làng, Ngan Trâu, Ba Ðình, Lái Hiếu, Cái Bé... Từ những năm 1971-1973, Ðoàn 6 Pháo binh chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích như bắn nhiều tàu, máy bay của địch. Một số trận điển hình như đánh đồn Xáng Cụt, đồn Hốc Hỏa, tiêu diệt đồn Tứ giác Ðường Cày...
%20C%C3%99NG%20C%C3%81C%20CCB%20TRONG%20D%E1%BB%8AP%20TR%E1%BB%9E%20L%E1%BA%A0I%20CHI%E1%BA%BEN%20TR%C6%AF%E1%BB%9CNG%20X%C6%AFA%20V%E1%BB%8ANH%20CH%C3%88O.jpg)
Thiếu tướng Trần Văn Niên (đeo kính râm) cùng các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa Vịnh Chèo. Ảnh: BLL Đoàn 6 Pháo binh cung cấp
Trong số gần 4.000 trận đánh của Ðoàn 6 Pháo binh, có lẽ không ai trong đơn vị quên được Trận chiến pháo binh tại Vịnh Chèo vào những ngày cuối năm 1974. Ðịa điểm trận đánh ở cánh đồng Vịnh Chèo, từ xóm Miếu Hội đến kênh Ðường Ðào. Ðoàn 6 Pháo binh được lệnh phối hợp với một đơn vị bộ binh tổ chức phục kích đánh địch trên cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo, vào ngày 29-12-1974. Thế nhưng do đơn vị phối hợp triển khai không đúng như hiệp đồng, địa hình chiến đấu không thuận lợi, thông tin liên lạc bị gián đoạn… nên Ðoàn 6 Pháo binh chịu tổn thất lớn về con người và vũ khí. Theo các nguồn tư liệu, trong trận đánh này, Ðoàn 6 Pháo binh có 51 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; gần 30 khẩu súng các loại (ÐKZ, 12,7mm, B40, B41, trung liên) rơi vào tay địch. 51 người lính đã ngã xuống nơi cánh đồng Vịnh Chèo trong một buổi chiều cuối năm, phần nhiều từ miền Bắc chi viện vào, tuổi đời mới đôi mươi, vừa bổ sung vào Ðoàn 6 Pháo binh chưa đầy năm...
Nhắc lại trận đánh ở Vịnh Chèo, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những người lính của Ðoàn 6 Pháo binh thời đó vẫn khắc khoải khôn nguôi, vẫn nhớ hoài về những đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất Vịnh Chèo. Là Ðoàn Trưởng của Ðoàn 6 Pháo Binh thời đó, đến tận bây giờ, Thiếu tướng Trần Văn Niên vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhắc đến. Ðêm 29-12 năm đó, đồng đội vào thu dọn chiến trường, nhiều người anh em không thể nhận ra hình hài được nữa...
Xúc động khi về dự đám giỗ tập thể đầu tiên của 51 liệt sĩ đã hy sinh ngay tại cánh đồng Vịnh Chèo, tổ chức vào năm 2019, nhà báo, nhà văn Vũ Thống Nhất cảm tác bài thơ, có câu rằng:
“Trận Vịnh Chèo cỏ cây trộn
thân xác
Gom thành bọc gói vội gởi
trong đêm”
Nhìn cảnh đồng đội hôm nay nhớ người đã nằm xuống, ông xúc động:
“46 năm lần đầu làm đám giỗ
Có chả Ước Lễ,
có bánh chưng xanh
“Hồn tử sĩ” nhớ tên từng
người lính
Ba hàng ngang xen lẫn bóng
người về”
Ðại tá Ðỗ Hà Thái kể, thời điểm diễn ra trận Vịnh Chèo, do ông phụ trách Quân lực nên không trực tiếp chiến đấu. Nhưng đêm 29-12-1974, ông cùng đồng đội ra thu dọn chiến trường, nhìn cảnh tan tác mà không sao kềm lòng được. Nhưng rồi ông lại tự nhủ lòng phải dạ sắt gan đồng, động viên anh em biến đau thương thành sức mạnh, tiếp tục chiến đấu. 51 đồng đội đã ngã xuống được chôn cất ở các nghĩa trang khu vực gần đó như Kinh Hãng, Kinh Năm, Xẻo Giá, Út Lờ...
Cũng từ đó, ước mong có nơi thờ cúng, tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh cũng như 51 liệt sĩ hy sinh trong Trận chiến pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974 cứ bùng cháy trong lòng Thiếu tướng Trần Văn Niên và các đồng đội. Sau khi bàn bạc, Ban Liên lạc truyền thống Ðoàn 6 Pháo binh đã xin chủ trương của tỉnh Hậu Giang xây dựng khu tưởng niệm. Ðược địa phương ủng hộ và tạm ứng 1 tỉ đồng để mua lại 5.000m2 của dân - là địa điểm trận địa của trận Vịnh Chèo năm xưa, ban liên lạc tiến hành các thủ tục, vận động xã hội hóa và xây dựng công trình ý nghĩa này.
Công trình khu tưởng niệm đã dần hoàn thành, ước mơ của vị Tướng già và đồng đội đã dần mãn nguyện. Càng vào giai đoạn nước rút, Thiếu tướng Trần Văn Niên càng nôn nao, khó ngủ. Lúc trước, cứ 5-7 ngày, ông lại từ Cần Thơ về công trình để theo dõi tiến độ, kiểm tra chất lượng. Nhưng đồng đội trong ban liên lạc lo ngại sức khỏe của ông nên lắp camera cho ông quan sát từ xa. Chắc có lẽ, ông quan sát xuyên suốt hay sao, mà khi tôi vừa ghé xe, ông đã gọi cho ông Thái, hỏi: “Ai ghé thăm đó?”. Sau khi ông Thái trả lời là có nhà báo ghé thăm, viết bài và đưa điện thoại cho tôi nói chuyện, ông Tư cười: “Cháu thấy công trình đẹp không? Chưa đâu, ít hôm nữa hoàn thiện, còn đẹp nữa”.
* * *
“Ngôi nhà mới” khắc lên Vịnh
Chèo mới
Chiến binh xưa đâu lạc mãi
đội hình
(thơ Vũ Thống Nhất)
Trong khu tưởng niệm này, một bia đá sẽ được dựng lên, khắc 389 tên anh hùng, liệt sĩ của Ðoàn 6 Pháo binh, trong đó có các liệt sĩ hy sinh trong Trận chiến pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974 (số liệu chưa đủ). Mỗi con số là một cuộc đời, một quê hương, một gia đình, một thanh xuân tươi đẹp đã hiến dâng cho Tổ quốc, rồi sẽ về chung một nhà trên cánh đồng Vịnh Chèo rộn tiếng chim ca. Mái nhà được dựng nên từ tình đồng đội và từ ân tình của những con người hôm nay thấm thía đạo nghĩa ngàn đời “Uống nước nhớ nguồn”, “Tổ quốc ghi công”. Trong bài viết sau, xin kể về những câu chuyện ân tình đó.
Công trình Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 (nay là Lữ Đoàn Pháo binh 6 Quân khu 9) được khởi công vào ngày 1-10-2020 tại khu đất thuộc ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang (địa điểm trận địa của Trận chiến pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974).
Công trình được xây dựng trên diện tích 5.000m2, gồm một số hạng mục: cổng, sân, hồ phong thủy, cầu kính cường lực, vườn cây lưu niệm, nhà trưng bày, nhà bia, nhà chuông, nhà thờ… Tổng kinh phí thực hiện dự kiến ban đầu khoảng 10 tỉ đồng nhưng theo ước tính đến khi hoàn thành, công trình có kinh phí đến hơn 20 tỉ đồng, tất cả đều từ nguồn vận động xã hội hóa (cả hiện kim lẫn hiện vật). Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và bàn giao cho tỉnh Hậu Giang quản lý, khai thác vào dịp 2-9 năm nay.