24/01/2020 - 16:32

Chuyện kể về những gương mặt nữ tuổi Tý 

Dù tuổi đời, vai trò khác nhau, nhưng họ có chung mục tiêu phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn và có cùng tuổi Tý. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xin kể về những gương mặt nữ tuổi Tý với những cống hiến và nỗ lực âm thầm tô điểm sắc xuân cho thành phố.

Hết lòng với hoạt động xã hội


Cô Thanh Nga. Ảnh: MỸ TÚ

Cô Võ Thị Thanh Nga sinh năm Canh Tý - 1960, xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bà nội, bà ngoại của cô đều là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cha cô hy sinh khi cô mới 7 tháng tuổi. Mẹ cô một mình gồng gánh nuôi 6 người con ăn học đến nơi đến chốn. Phát huy truyền thống gia đình, cô luôn phấn đấu học tập, rèn luyện và công tác tốt. Trải qua nhiều vị trí công tác: cán bộ Đoàn; cán bộ Ủy ban Bảo vệ - Chăm sóc trẻ; Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố; nghỉ hưu, tham gia công tác xã hội tại Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin TP Cần Thơ, cô luôn tận tâm với công việc.

Cô Thanh Nga ví von, cuộc đời cô là những chặng đường thử thách nối tiếp nhau. Cô được xem là một trong những nhân tố góp công lớn vào thành quả giảm mạnh tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại TP Cần Thơ và cân bằng tỷ lệ sinh phù hợp giai đoạn 1990-2010. Chính cô đã thiết kế và thúc đẩy việc thành lập các điểm nấu cháo dinh dưỡng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ (cũ) từ năm 1994; tổ chức hoạt động điểm giữ trẻ mùa lũ đầu tiên trên cả nước từ năm 1998; điều tra, khảo sát và đánh giá tình trạng trẻ bị sâu răng, trẻ đeo bùa ở vùng nông thôn, trẻ sống trên ghe và trong môi trường có nhiều người hút thuốc lá, điều kiện học tập của trẻ em và các khoản thu trong trường học… để đưa ra những khuyến cáo, góp ý cải thiện chính sách giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí cho trẻ.

Cô Thanh Nga chia sẻ: “Hơn 40 năm công tác, tài sản quý giá mà tôi tích lũy được đó là kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn ở từng lĩnh vực xã hội và đặc biệt là gần 2.000 bạn bè, từng là đồng nghiệp, cộng tác viên đã gắn bó ở nhiều vị trí công tác, hiện sinh sống ở nhiều địa phương khác nhau. Hiện nay, tham gia công tác xã hội ở Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin thành phố, tôi được gặp gỡ, chia sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục hành trình thực hiện tâm nguyện: Hết lòng vì những hoàn cảnh cần trợ giúp, vì một xã hội tươi đẹp và hạnh phúc hơn”.

Doanh nhân thành đạt và nhân ái


Chị Hồng Quỳnh. Ảnh: NVCC

Chúng tôi biết chị Nguyễn Thị Hồng Quỳnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại N&M ở quận Cái Răng - qua lời giới thiệu của cô Tạ Thị Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân thành phố. Chị Quỳnh sinh năm Nhâm Tý - 1972. Riêng lĩnh vực kinh doanh giấy - văn phòng phẩm, công ty của chị có doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng.

Với tính tự lập và tư duy nhạy bén, chị Quỳnh biết cách kinh doanh từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Vào đại học, chị vừa học, vừa đi làm thêm, đủ lo chi phí sinh hoạt, học tập và đầu tư vào các mục tiêu sinh lãi. Tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế, chị Quỳnh lần lượt kinh qua các vị trí thủ quỹ, kế toán trưởng trước khi thành lập công ty riêng từ tháng 5-2008. Song song kinh doanh văn phòng phẩm, chị mở dịch vụ cho thuê ô tô, rồi phát triển thêm lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Thành đạt trong kinh doanh, chị bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho công tác thiện nguyện. Chị chia sẻ: “Tôi quan niệm không tích lũy của cải vật chất để dành cho con. Tôi chỉ chăm lo cho các con đến khi tốt nghiệp đại học, như cách mà cha mẹ tôi trước đây đã làm”. Chị Quỳnh đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia và chị luôn thực hành tâm niệm: Gặp những hoàn cảnh khó khăn, sẽ sẵn sàng san sẻ. Tại Cần Thơ, chị Quỳnh là một trong những mạnh thường quân tích cực của rất nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện.

Tết Nguyên đán năm nay, chị Quỳnh đã lên kế hoạch ủng hộ hội viên Hội Người mù quận Ninh Kiều; thăm, tặng quà người nghèo ở tỉnh Đồng Tháp; tặng quà công nhân quét rác đêm ở nội ô TP Cần Thơ; bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ; gửi 100 phần quà đến các hộ nghèo, người khuyết tật, nạn nhân Chất độc da cam thông qua Báo Cần Thơ…

Giáo viên trẻ say mê nghiên cứu khoa học


Chị Anh Thy. Ảnh: NVCC

“Noi gương ba mẹ và tiếp tục thực hiện những công trình nghiên cứu mà mẹ tâm huyết” là “kim chỉ nam” để Châu Thị Anh Thy - sinh năm Giáp Tý - 1984, phấn đấu trong học tập và nghiên cứu. Chị từng đạt giải Ba sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc khi đang là sinh viên năm thứ 3, ngành Trồng trọt của Trường Đại học Cần Thơ. Với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại Giỏi, chị được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 2013, chị là 1 trong 14 ứng viên cả nước trúng tuyển chương trình học bổng nghiên cứu sinh do Chính phủ Úc tài trợ. Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2017, chị công tác tại Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

“Khoa học đất là lĩnh vực vẫn còn nhiều bí ẩn. Vi sinh vật có trong đất ảnh hưởng rất lớn đến sự chuyển hóa các chất dinh dưỡng, hỗ trợ hấp thu, tăng cường sức đề kháng cho cây trồng, bảo đảm tính an toàn bền vững cho môi trường. Vì thế, nghiên cứu lĩnh vực này tới nơi tới chốn sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc trong việc sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ nhu cầu cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng độ phì nhiêu của đất, đóng góp vào định hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn” - Anh Thy hào hứng nói về công việc của mình.

Chị Thy từng tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu. Trong đó, có đề tài hợp tác nghiên cứu với một trường đại học của Bỉ về vi sinh vật phân hủy thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả của nghiên cứu này là phân lập được các dòng vi sinh vật giúp phân hủy 3 nhóm hóa chất trừ cỏ, trừ sâu mà nông dân ĐBSCL sử dụng phổ biến nhất. Chị còn tham gia nghiên cứu về vi sinh vật có khả năng phân hủy chất độc Dioxin ở sân bay Đà Nẵng; nghiên cứu các vi sinh vật tham gia hòa tan lân bị cố định bởi nhôm, sắt ở vùng đất nhiễm phèn...

Chị Anh Thy còn là Bí thư Đoàn khoa Nông nghiệp. Chị tâm tình: “Ba và mẹ tôi nguyên là cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ. Những thành công của ba mẹ là mục tiêu để tôi phấn đấu, chứng tỏ năng lực của bản thân, cống hiến cho lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.

Mỹ Tú

 

Chia sẻ bài viết